A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Dương nâng chất nguồn lao động

Bình Dương đang thu hút đầu tư kỹ thuật cao, hạn chế ngành thâm dụng lao động, do đó khẩn trương đào tạo nghề là nhu cầu tất yếu để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực

Tại buổi làm việc với tỉnh Bình Dương mới đây, ông Phạm Anh Thắng, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại TP HCM, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh đã được nâng lên trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện các trường đào tạo trên địa bàn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, do đó, tỉnh cần đẩy mạnh xã hội hóa, xây dựng thêm nhiều trường tư thục dạy nghề. Đồng thời, khẩn trương xây dựng chiến lược nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo các ngành nghề chip bán dẫn, công nghệ cao... góp phần thu hút đầu tư.
Học nghề tăng

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, với khoản hỗ trợ 20 triệu đồng, Lê Phi Hồng (SN 2003, quê Hà Tĩnh) đã quyết định nộp hồ sơ học ngành công nghệ ô tô tại Trường Trung cấp nghề nghiệp vụ Bình Dương, với một quyết tâm tìm hướng đi mới cho tương lai.

Hồng cho biết bản thân đã tìm hiểu rất kỹ các chương trình học nghề, ngoài thời gian đào tạo ngắn hơn so với chương trình đại học, điều này giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình và khi hoàn thành khóa học, có thể tìm được việc làm ngay. "Ngoài ra, các buổi học cũng rất linh hoạt về thời gian, nên tôi có thể đi làm thêm để có thu nhập tự trang trải cho cuộc sống" - Hồng bày tỏ.

Bình Dương nâng chất nguồn lao động- Ảnh 1.

Lê Phi Hồng tại buổi học thực hành ở Trường Trung cấp nghề nghiệp vụ Bình Dương

Hiện đào tạo thêm nghề cho người lao động (NLĐ) cũng là nhu cầu rất lớn của nhiều DN, vì trong thời đại máy móc dần thay thế con người, việc làm chủ công nghệ giúp DN tiết kiệm chi phí, đồng thời hạn chế những rủi ro về tai nạn lao động. Theo ghi nhận của phóng viên tại Trường Trung cấp nghề nghiệp vụ Bình Dương, một nhóm công nhân (CN) của Công ty TNHH Kuehne Nagel (TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đang thực hành lái xe nâng hàng, buổi sáng họ được xe của công ty chở đến trường, chiều lại đưa về nhà máy.

Ông Võ Đặng Đình Huy, quản lý kho Kuehne Nagel, cho biết chính sách của DN là luôn đào tạo, phát triển nhân viên, ai có nhu cầu thì đăng ký đi học. Việc công ty cho CN bộ phận kho đi học lái xe nâng hàng là rất cần thiết, phòng trường hợp có người bận việc đột xuất thì có người thay thế, không phải mang vác thủ công như trước đây. 

"Việc đào tạo nghề cho NLĐ để nâng cao kỹ năng, tránh những rủi ro tai nạn lao động. Hằng năm công ty chúng tôi tổ chức khoảng 2 - 3 đợt cho CN đi cập nhật công nghệ mới hoặc học thêm các kỹ năng, nghiệp vụ tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Họ đi học được DN đài thọ 100% chi phí, trong thời gian đi học vẫn được chấm công" - ông Huy nói.

Doanh nghiệp, trường nghề hợp tác chặt chẽ

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường Trung cấp nghề nghiệp vụ Bình Dương, cho biết nhà trường đang thay đổi mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của DN. Trong đó, chú trọng chuẩn hóa đội ngũ quản lý, giáo viên có trình độ cao và tâm huyết với nghề; đầu tư các trang thiết bị dạy học hiện đại, đầu tư cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin...

Theo ông Hiếu, việc chủ động đổi mới nội dung, phương thức đào tạo, với nhiều khóa học lý thuyết online, thực hành tại trường là rất cần thiết đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học viên. Chương trình đào tạo được cập nhật liên tục để phản ánh sự tiến bộ của công nghệ và các kỹ năng mới mà thị trường lao động yêu cầu. 

"Bên cạnh đó, hợp tác chặt chẽ với DN để bảo đảm học viên được trang bị những kỹ năng thực tiễn và phù hợp với yêu cầu của từng ngành nghề. Hiện nhà trường có hàng chục DN là đối tác thường xuyên, hằng năm đều cử NLĐ đi học" - ông Hiếu nói.

Ông Phạm Văn Tuyên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, cho biết đa phần các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đều bảo đảm chất lượng đào tạo, gắn với nhu cầu của DN và thị trường lao động. Thời gian qua, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề có chuyển biến tích cực và tăng lên hằng năm. Tỉ lệ học viên sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định. 

Qua đó, đã đóng góp tích cực cho mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển lực lượng lao động có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động, nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo từ 68% (năm 2014) lên 83% (năm 2023). Trong đó, lao động có văn bằng, chứng chỉ tăng từ 19,5% (năm 2014) lên 32% (năm 2023).

Theo ông Tuyên, việc gắn kết giữa nhà trường - DN - nhà nước trong hoạt động GDNN bước đầu đã mang lại nhiều lợi ích. Nhiều cơ sở GDNN đã tăng cường liên kết với DN trong phối hợp tổ chức cho học viên thực hành, thực tập tại DN, cho giáo viên tham quan thực tế sản xuất tại DN, tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp… "Từ đó giúp việc đào tạo nghề được nâng cao chất lượng, ngày càng gắn với nhu cầu của thị trường lao động" - ông Tuyên khẳng định. 

Theo số liệu thống kê, TP Hà Nội hiện có 304 cơ sở GDNN, cơ sở có hoạt động GDNN, đăng ký hoạt động GDNN. Năm học 2023-2024, các cơ sở hoạt động trên địa bàn tuyển sinh được 246.100 người, trong đó trình độ cao đẳng là 37.778 người; trung cấp là 33.699 người; sơ cấp và dưới 3 tháng là 174.623 người.

Trong khi đó, TP HCM có 204 cơ sở GDNN, với gần 300.000 học viên đang theo học các hệ đào tạo. Còn tỉnh Bình Dương có 70 cơ sở GDNN, gồm: 6 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp, 18 trung tâm và 36 cơ sở khác có đăng ký hoạt động GDNN với 2.632 nhà giáo, cán bộ quản lý (trong hệ thống các trường công lập chiếm 30,6%).

 


Tác giả: Bài và ảnh: THANH THẢO
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết