A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Mai Vàng nhân ái" kết nối nghĩa tình (*): Truyền năng lượng tích cực cho văn nghệ sĩ

Gần 600 văn nghệ sĩ ở 26 tỉnh, thành cả nước trong 3 năm qua đã nhận được hỗ trợ từ chương trình "Mai Vàng nhân ái"

Điều khiến Ban Tổ chức chương trình "Mai Vàng nhân ái" xúc động là nhiều văn nghệ sĩ được trao tặng quà, tiền hỗ trợ dù có hoàn cảnh khó khăn riêng, song tình yêu nghề nghiệp vẫn luôn nguyên vẹn. Họ vẫn khát khao được tiếp tục cống hiến và sẵn sàng đồng hành với các văn nghệ sĩ trẻ trên con đường nghệ thuật.

Vượt qua khó khăn

Nếu như mùa xuân là mùa khởi đầu cho một năm mới với những hy vọng mới, thì với chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã góp phần gieo thêm niềm tin cho văn nghệ sĩ vượt qua những khó khăn. Trong chuỗi hoạt động của "Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam" lần 2-2023 tại TP HCM, nghệ sĩ - nhà văn Mạc Can vừa ra mắt quyển sách ở tuổi 78, đó là tác phẩm do ông và nhà văn Nguyễn Đông Thức viết với tên gọi "Ma gánh hát v/s Ma bịnh viện". Tập truyện được chia làm 2 phần: "Ma gánh hát" do Mạc Can viết và "Ma bịnh viện" do Nguyễn Đông Thức viết.

Nghệ sĩ - nhà văn Mạc Can tâm sự: "Tôi nhớ mãi trong đợt dịch bệnh COVID-19, "Mai Vàng nhân ái" đã đến thăm, giúp đỡ kịp thời, từ đó tôi có động lực ở nhà chống dịch và viết".

Nghệ sĩ - nhà văn Mạc Can từng ghi dấu ấn qua nhiều vai diễn ấn tượng trong các phim: "Đất phương Nam", "Vó ngựa trời Nam", "Người đẹp Tây Đô", loạt phim "Cổ tích Việt Nam"... Ông cũng viết nhiều sách như: "Ba... ngàn lẻ một đêm", "Quỷ với bụt và thần chết", "Tấm ván phóng dao" và mới nhất là tác phẩm "Ma gánh hát v/s Ma bịnh viện".

Các nghệ sĩ chuyên diễn vai kép độc như ông Bảy Mẹt (66 tuổi, Bến Tre), nghệ sĩ Vương Chí Phụng (64 tuổi, Vĩnh Long), chuyên diễn vai kép lẳng của sân khấu hát bội ở miền Tây, nghệ sĩ Kim Cầu (73 tuổi, Tiền Giang), kép lão chuyên diễn vai hài trên sân khấu hát bội hiện vẫn luôn tích cực tham gia công tác hậu cần cho các sân khấu miền Tây. Ông Bảy Mẹt cho hay: "Chúng tôi đều có hoàn cảnh khó khăn do tuổi cao, bệnh tật, vừa qua dịch COVID-19 ập đến, hoạt động biểu diễn ngưng trệ khiến cuộc sống càng thêm chật vật. "Mai Vàng nhân ái" đã trao tặng quà, hỗ trợ kịp thời, tạo động lực cho chúng tôi, vậy nên nay dịch bệnh đã được kiểm soát, chúng tôi phải tiếp tục cống hiến cho sân khấu".

Thông qua Hội Sân khấu TP HCM, trong 3 năm qua, chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã trao 340 phần hỗ trợ cho gia đình 66 nghệ sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có nhiều nghệ sĩ đã mất vì COVID-19; 40 công nhân kỹ thuật; 31 nhạc công; 50 công nhân hậu đài; 20 chuyên viên âm thanh, ánh sáng và 133 sinh viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM đã mắc kẹt tại TP trong đợt giãn cách. Riêng trong năm 2022, chương trình đã tổ chức các chuyến đến thăm tận nhà các văn nghệ sĩ thuộc nhiều lãnh vực văn hóa nghệ thuật trên cả nước như: Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ, Kon Tum, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Bình, Hà Nội, Trà Vinh, Đồng Nai…

Mai Vàng nhân ái kết nối nghĩa tình (*): Truyền năng lượng tích cực cho văn nghệ sĩ - Ảnh 1.

Chương trình “Mai Vàng nhân ái” trong lần thăm và tặng quà cho nghệ nhân Nguyễn Tấn Thành và nhà thơ Tăng Hữu Thơ (thứ 2 và 3 từ trái sang) ở Trà Vinh. (Ảnh: TẤN THẠNH)

Truyền nghề từ "Mai Vàng nhân ái"

Những nghệ sĩ hát bội, cải lương, kịch nói, xiếc, ca múa nhạc… đã được nhận hỗ trợ từ chương trình "Mai Vàng nhân ái" đều là những ngôi sao một thời của bầu trời nghệ thuật. Tên tuổi của họ đã gắn liền với những vai diễn, những sáng tác để đời. Sau khi nhận được sự tri ân từ chương trình "Mai Vàng nhân ái" các nghệ sĩ đều xúc động và có thêm động lực tham gia công việc truyền nghề do Ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TP HCM thực hiện.

Các NSND Thanh Vy, NSND Ngọc Giàu, NSND Lệ Thủy đã có những buổi ghi hình trao truyền kinh nghiệm khi hóa thân vào các nhân vật như: Xê Đa, Thái hậu Dương Vân Nga, Tô Ánh Nguyệt. NSƯT Hùng Minh, NSND Thanh Tuấn, NSND Trọng Hữu thì tiết lộ về cách vào các vai diễn như Phan Thanh Giản (vở "Muôn dặm vì chồng"), Chu Văn An (vở diễn cùng tên), Hàn Mặc Tử (vở diễn cùng tên).

Các nghệ sĩ hát bội như: nghệ sĩ Kiều Loan, chuyên vai đào võ, nổi tiếng với các vai Lưu Kim Đính, Thần Nữ, nghệ sĩ Kim Phía trứ danh khắp lục tỉnh với các nhân vật như: Ngọc Kỳ Lân, Phàn Lê Huê; nghệ sĩ Ngọc Hạnh chuyên diễn vai đào văn, đào võ, nổi tiếng với 2 nhân vật Ngọc Huỳnh Lân và Chung Vô Diệm; nghệ sĩ Minh Được, chuyên diễn vai tướng qua các vai: Tạ Ôn Đình, Từ Hải Thọ, Vũ Văn Thành Đô... cũng đã trải lòng với những sáng tạo mà họ đã vun đắp cho nghề.

Ca sĩ - NSƯT Hoàng Vĩnh (lĩnh vực ca nhạc), nhạc sĩ Tiến Luân (lĩnh vực sáng tác), NSƯT Phi Vũ (lĩnh vực xiếc), nghệ sĩ Đông Mai (lĩnh vực ảo thuật)… cũng đã thị phạm, kết hợp với giảng dạy lý thuyết tất cả được trao truyền lại cho thế hệ mai sau.

"Tôi sẵn sàng truyền đạt, trong lòng vô cùng hạnh phúc vì tuổi này vẫn còn được đi dạy, được truyền nghề cho lớp diễn viên trẻ. Cảm ơn chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã hỗ trợ và truyền năng lượng tích cực cho tôi" - NSƯT Ngọc Dung tâm huyết.

NSƯT Trịnh Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, cho rằng chương trình "Mai Vàng nhân ái" là nguồn động viên rất lớn để nghệ sĩ quay lại làm nghề, tiếp tục cống hiến và đền đáp tình thương yêu của công chúng, cho dẫu sức khỏe không bằng như trước đây, nhưng các nghệ sĩ làm công việc truyền nghề, thông qua những buổi ghi hình, sẽ là giáo trình quý cho Trung tâm Bồi dưỡng nghệ thuật sân khấu mà Hội Sân khấu TP HCM sẽ khánh thành trong thời gian tới.

“Chương trình “Mai Vàng nhân ái” đã trao đi yêu thương và nhận lại sự đồng cảm sâu sắc của các văn nghệ sĩ lão thành, qua đó tạo nên sự kết nối trao truyền kinh nghiệm và lửa nghề cho thế hệ trẻ. “Mai Vàng nhân ái” đã thật sự truyền năng lượng tích cực cho giới văn nghệ sĩ, đây là một việc làm rất có ý nghĩa và rất nhân văn” - NSND Trần Minh Ngọc bày tỏ.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 24-4


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...