Xử lý, bồi thường thế nào khi xe tang vật bị cháy?
Luật sư cho rằng để làm rõ trách nhiệm hình sự hay dân sự khi bãi giữ xe tang vật bị cháy, trước tiên cần chờ kết luận của cơ quan điều tra.
Khoảng 13 giờ 30 chiều 6-6, kho chứa xe tang vật và phương tiện vi phạm giao thông trên đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức do Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP HCM quản lý bùng cháy.
Lực lượng phòng cháy chữa cháy đã điều động 21 xe chữa cháy chuyên dụng, 126 cán bộ đến hiện trường. Đến 14 giờ 20, đám cháy được dập tắt hoàn toàn.
Khu vực xảy ra cháy có diện tích khoảng 1.100 m2. Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng nhiều phương tiện bị thiêu rụi hoặc hư hỏng.
Hiện trường vụ cháy
Trước đó, ngày 22-5, tại bãi tạm giữ phương tiện vi phạm thuộc Công an phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cũng bốc cháy, thiêu rụi hơn 100 xe máy tang vật.
Sự cố không mong muốn này đặt ra câu hỏi ai là người phải chịu trách nhiệm khi xe tang vật và phương tiện vi phạm giao thông bị hỏng, vấn đề bồi thường thế nào…?
Theo Luật sư Trương Thành Thiện, Đoàn Luật sư TP HCM, để làm rõ trách nhiệm hình sự, dân sự (bồi thường thiệt hại) trong trường hợp này thì cần chờ kết luận của cơ quan điều tra. Điều này nhằm xác minh nguyên nhân sự việc, làm rõ yếu tố lỗi của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trường hợp có yếu tố lỗi: Nếu vụ hỏa hoạn do chủ thế có hành vi cố ý (đốt) hoặc do lỗi của đơn vị trông giữ xe không đảm bảo quy định về phòng cháy chữa cháy gây ra thì các chủ thể này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" (Điều 178 Bộ luật hình sự), hoặc tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy" (Điều 313 của luật này). Ngoài ra, các chủ thể này phải bồi thường theo chế định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng quy định tại Bộ luật Dân sự 2015;
Trường hợp không có yếu tố lỗi: Không có chủ thể nào có hành vi cố ý phá hoại và cơ sở trông giữ tuân thủ đúng quy định về phòng cháy chữa cháy thì vấn đề trách nhiệm hình sự không được đặt ra. Về trách nhiệm bồi thường, theo khoản 5, Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2020), Điều 9, Nghị định 115/2013, người ra quyết định tạm giữ, tịch thu phải có trách nhiệm bồi thường cho người dân.
"Tuy nhiên, cũng cần xem xét đến yếu tố miễn trừ trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sự việc xảy ra do nguyên nhân bất khả kháng" - Luật sư Trương Thành Thiện cho biết.