A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sửa luật để Công đoàn ngày càng lớn mạnh

Những quy định trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), nếu được Quốc hội thông qua, sẽ giúp Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, chăm lo tốt hơn nữa cho đoàn viên, người lao động

* Phóng viên: Hôm nay (18-6), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Luật Công đoàn (sửa đổi). Bà đánh giá thế nào về đề xuất kế thừa và giữ nguyên đối tượng nộp và mức đóng 2% kinh phí Công đoàn theo quy định hiện hành trong dự thảo luật?

- Đại biểu Quốc hội NGUYỄN HOÀNG BẢO TRÂN: Tôi ủng hộ cao việc duy trì mức thu kinh phí 2% từ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) để tăng cường công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên và người lao động (NLĐ) bởi nhiều lý do.

Đại biểu Quốc hội NGUYỄN HOÀNG BẢO TRÂN

Đại biểu Quốc hội NGUYỄN HOÀNG BẢO TRÂN

Thứ nhất, xuất phát từ mục đích tôn chỉ hoạt động của tổ chức Công đoàn từ khi thành lập, hoạt động và trưởng thành như hiện nay. Tiếp đó, phải kể đến các chức năng truyền thống, trong đó chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng đi kèm với công tác chăm lo cho đoàn viên và NLĐ luôn được các cấp Công đoàn quan tâm, đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả. 

Dự thảo luật kế thừa và giữ nguyên đối tượng nộp và mức đóng 2% kinh phí Công đoàn theo quy định hiện hành được Đảng, Nhà nước và NLĐ ủng hộ tích cực, cho thấy trong thời gian qua, các cấp Công đoàn thu, phân phối và sử dụng nguồn tài chính hợp lý và đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, về bản chất, nguồn thu kinh phí 2% là đóng góp của đơn vị sử dụng lao động nhằm bảo đảm cho Công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

Thứ hai, quy định này bảo đảm đúng tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TW và Nghị quyết 02-NQ/TW đã đề ra yêu cầu trong tình hình mới. Ngoài ra, tài chính Công đoàn độc lập, không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước là một nội dung quan trọng trong các tiêu chuẩn lao động quốc tế, đã trở thành thông lệ. Thứ ba, tỉ trọng chi tài chính Công đoàn được tập trung chủ yếu cho Công đoàn cơ sở - chiếm khoảng 75%, để chăm lo tốt hơn phúc lợi cho NLĐ. 

Nhưng trong thực tế, mức tính trong phân phối các nội dung chi, nguồn kinh phí Công đoàn cơ bản dành cho phúc lợi, đại diện, chăm lo, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho đoàn viên và NLĐ, chiếm trên 84% tổng số chi thường xuyên - mặc dù Công đoàn cấp trên cơ sở thu kinh phí nhưng lại chi ngược trở về cho cơ sở để chăm lo cho đoàn viên, NLĐ thông qua chính sách hỗ trợ, các hoạt động phong trào cho đoàn viên và NLĐ.

Do đó, việc giữ ổn định quy định về nghĩa vụ đóng kinh phí Công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ được thực hiện từ Luật Công đoàn 1957 đến nay nhằm bảo đảm phúc lợi ổn định cho NLĐ, góp phần làm cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, NLĐ là chính đáng.

* Thưa bà, việc trao quyền chủ động hơn cho tổ chức Công đoàn trong công tác cán bộ tại khoản 3, khoản 4 Điều 26 Dự thảo luật có ý nghĩa như thế nào?

- Việc sửa đổi, bổ sung quy định giao quyền cho Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ động đề xuất số lượng cán bộ Công đoàn là cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống tạo ra sự đồng bộ về biên chế trong hệ thống Công đoàn. Khắc phục tình trạng các địa phương có điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế, xã hội giống nhau nhưng được giao số lượng biên chế khác nhau; khắc phục tình trạng cào bằng trong phân bổ biên chế. 

Điều đó có ý nghĩa rất lớn trong giai đoạn hiện nay, khi pháp luật cho phép ra đời tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp (DN). Phân bổ biên chế đi đôi với việc cân đối nguồn tài chính bảo đảm chi hành chính và chi cho hoạt động phong trào của các cấp Công đoàn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính Công đoàn. Đồng thời nâng cao trách nhiệm trong quản lý biên chế; quản lý, sử dụng và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ Công đoàn.

Cán bộ Công đoàn Công ty TNHH Long Rich Việt Nam (KCX Linh Trung II, TP Thủ Đức, TP HCM), đến thăm công nhân ở trọ có hoàn cảnh khó khăn Ảnh: HỒNG ĐÀO

Cán bộ Công đoàn Công ty TNHH Long Rich Việt Nam (KCX Linh Trung II, TP Thủ Đức, TP HCM), đến thăm công nhân ở trọ có hoàn cảnh khó khăn Ảnh: HỒNG ĐÀO

Công đoàn có đặc thù là cán bộ Công đoàn cơ sở chủ yếu làm việc tại DN, không thuộc biên chế công chức. Cán bộ Công đoàn cơ sở đa số hoạt động kiêm nhiệm, chịu sự chi phối từ chủ DN do họ là NLĐ, nhận lương từ DN. Đây là thực tế khó khăn của cán bộ Công đoàn cơ sở, nhất là ở những DN có đông công nhân (CN). 

Do vậy, ở những DN có từ 1.000 lao động trở lên, cần bố trí cán bộ Công đoàn chuyên trách do Công đoàn trả lương. Tuy nhiên, nếu cán bộ Công đoàn chuyên trách tại DN là công chức thì không có đủ biên chế. Do vậy, đối tượng này nên là hợp đồng lao động để thuận lợi xử lý các vấn đề về cán bộ và trả lương, phù hợp với mặt bằng tiền lương trong DN. 

Việc cơ cấu cán bộ Công đoàn chuyên trách tại DN có đông CN do Công đoàn quản lý, trả lương bảo đảm tiếng nói độc lập, mạnh mẽ của cán bộ Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ. Vì vậy, việc đề xuất tăng quyền chủ động của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong công tác cán bộ như trong dự thảo là phù hợp.

* Còn về quy định bảo đảm thời gian hoạt động Công đoàn cho cán bộ Công đoàn không chuyên trách tại khoản 2 Điều 27 Dự thảo luật, thưa bà?

- Điều 27 Dự thảo luật đã quy định rất rõ về bảo đảm điều kiện hoạt động Công đoàn, theo hướng cán bộ Công đoàn không chuyên trách được bảo đảm thời gian để thực hiện nhiệm vụ Công đoàn trên cơ sở tương ứng với số lượng đoàn viên Công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương. 

Ví dụ Công đoàn cơ sở có dưới 50 đoàn viên, tối thiểu là 60 giờ làm việc trong một tháng; Công đoàn có từ 50 đến dưới 10 đoàn viên, tối thiểu là 100 giờ làm việc/tháng… Tôi đồng thuận cao với những quy định tại Điều 27 bởi phù hợp với Hiến pháp 2013, bảo đảm tính kế thừa, tính thống nhất và đồng bộ với Bộ Luật Lao động năm 2019 và của hệ thống pháp luật hiện hành.

Theo Luật Công đoàn năm 2012, các cán bộ Công đoàn chuyên trách ở Công đoàn cơ sở có thời gian tối đa cho hoạt động Công đoàn là 24 giờ/tháng. Khoảng thời gian này rất hạn chế, chưa kể các tháng cao điểm hoạt động trong năm như: Tháng CN, Tháng Hành động an toàn vệ sinh lao động, các dịp cuối năm tập trung chăm lo cho đoàn viên... không đủ để đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ khi họ cần được bảo vệ, đặc biệt tại các DN có đông CN. D

o đó, việc mở rộng khung thời gian cho đội ngũ cán bộ Công đoàn dựa trên quy mô sản xuất và tỉ lệ đoàn viên tại DN là bước tiến bộ của Luật Công đoàn sửa đổi, vừa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chính trị được giao, vừa phù hợp với phong trào CN trong tình hình mới. Mặt khác, khơi dậy được tinh thần, động lực cho đội ngũ cán bộ, đoàn viên Công đoàn tiếp tục phấn đấu, ra sức học tập, rèn luyện, thi đua lập thành tích trong lao động sản xuất, góp phần xây dựng DN, quê hương và đất nước. 


Tác giả: VĂN DUẨN thực hiện
Tags: Công đoàn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...