Lương tăng nhưng quyền lợi giảm
Chênh lệch giữa lương thực tế và mức lương đóng BHXH khiến người lao động thiệt thòi quyền lợ
Cũng được doanh nghiệp (DN) điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) vùng từ ngày 1-7 theo quy định tại Nghị định 38/CP nhưng mới đây, các công nhân (CN) của một công ty đóng ở KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP HCM) cho hay thu nhập của họ không hề tăng, thậm chí giảm. Nguyên do là vì chi phí đóng BHXH được điều chỉnh tăng theo LTT.
Thu nhập một đằng, đóng BHXH một nẻo
CN của công ty này cho biết tiền lương của họ được trả theo vị trí công việc, cao hơn LTT vùng và được bảo mật. Bảng lương hằng tháng của người lao động (NLĐ) thể hiện tới 3 mục lương, gồm: mức lương chính là khoản lương ghi trong hợp đồng lao động (HĐLĐ) và cũng là mức lương làm căn cứ đóng BHXH hằng tháng; lương theo ngày công là mức lương thực tế của NLĐ, được DN cam kết trả khi tuyển dụng (tiền lương tháng, tiền tăng ca, phép năm… đều được tính trên mức lương này); lương thực lãnh bao gồm lương theo ngày công và các khoản phụ cấp chuyên cần, xăng xe, năng suất sau khi trừ chi phí đóng BHXH.
CN Lê Văn Tài cho hay sau 7 năm làm việc tại công ty, lương thực lãnh của ông đạt hơn 12 triệu đồng/tháng nhưng mức lương chính đóng BHXH vẫn mãi ở mức 5 triệu đồng/tháng. Những năm trước do mức lương chính đã cao hơn LTT nên khi Chính phủ ban hành nghị định về LTT, công ty không điều chỉnh tăng. Năm nay, để phù hợp quy định, công ty tăng mức lương chính lên 5,5 triệu đồng/tháng nhưng lương theo ngày công không thay đổi nên tính ra thu nhập của ông lại giảm do tăng khoản chi phí đóng BHXH. "Tôi nay đã hơn 50 tuổi, chẳng bao lâu nữa sẽ nghỉ hưu nhưng với mức đóng BHXH như vậy lương hưu sao đủ sống" - ông Tài lo lắng.
Chậm nhất ngày 25-7, doanh nghiệp tại TP HCM phải điều chỉnh mức lương đóng BHXH cho người lao động
Tương tự, dù đã được công ty điều chỉnh LTT nhưng thu nhập của CN tại một DN chuyên sản xuất hóa chất ở tỉnh Bình Dương cũng không thay đổi. Nhiều năm trước, từ ý kiến của một CN là không muốn tham gia BHXH để giữ thu nhập cao, giám đốc công ty đã quyết định trích đóng toàn bộ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho NLĐ (bao gồm cả phần đóng 10,5% của NLĐ). Với mức thu nhập bình quân mỗi tháng hơn 16 triệu đồng/người lại còn được DN trích nộp thay BHXH, NLĐ rất phấn khởi.
Tuy nhiên, với mức đóng BHXH bình quân là 5 triệu đồng/người/tháng, người hưởng lợi thực tế là DN, còn NLĐ lại bị thiệt thòi quyền lợi về sau do mức đóng BHXH thấp. Cụ thể, nếu lấy mức đóng các khoản bảo hiểm theo quy định hiện tại là 31% (bao gồm cả phần đóng của DN và NLĐ) nhân mức lương 5 triệu đồng/tháng, mỗi tháng DN phải chi đóng BHXH 1,55 triệu đồng/NLĐ. Nhưng nếu đóng bảo hiểm dựa trên mức lương thực tế 16 triệu đồng/người/tháng, thì chỉ riêng phần DN đóng (20,5%) đã phải tốn 3,28 triệu đồng/người, cao hơn 1,73 triệu đồng/người so với việc đóng toàn bộ chi phí. Với hàng trăm CN đang làm việc, DN này đã tiết giảm được số tiền không nhỏ.
Giảm chi phí bằng mọi giá
Theo quy định của Nghị định 38/CP, từ ngày 1-7, LTT sẽ được điều chỉnh tăng 6%. Song chi phí thực tế phải bỏ ra cao hơn nhiều nên DN tìm mọi cách để tiết giảm chi phí.
Ông Trương Hồng Phúc, phụ trách nhân sự một công ty may mặc ở huyện Củ Chi, TP HCM - cho biết khi tăng lương cho NLĐ, các khoản chi phí như đóng BHXH, tiền lương làm thêm giờ, tiền phép năm… cũng tăng. Chưa kể, với thang bảng lương chênh lệch mỗi bậc 5%, số tiền công ty phải bỏ ra để tăng lương cho NLĐ bậc cao, có thâm niên lâu năm là không nhỏ.
Do đó, sau nhiều lần thương lượng với Công đoàn cơ sở, đến nay công ty vẫn chưa chốt được phương án tăng lương cho NLĐ. "Nghị định 38/CP không còn quy định trả cao hơn 7% so với mức LTT cho NLĐ đã qua đào tạo nghề, học nghề; cao hơn 5% đối với NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại nên công ty định không tăng 6% vào lương mà tăng vào phụ cấp chuyên cần cho CN nhưng phía Công đoàn không đồng ý" - ông Phúc cho hay.
Tại buổi đối thoại trực tuyến nhằm gỡ vướng cho các DN trên địa bàn về chính sách LTT của BHXH TP HCM thực hiện mới đây, ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TP, phân tích tuy Nghị định 38/CP không đề cập quy định trả cao hơn 7% so với mức LTT cho NLĐ đã qua đào tạo nghề, học nghề nhưng tại khoản 3, điều 4 Nghị định này và Văn bản số 2086/BLĐTBXH-TLĐLĐVN hướng dẫn triển khai nghị định có nêu "đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong HĐLĐ, thỏa ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho NLĐ so với quy định tại nghị định này thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Theo đó, các nội dung đã thực hiện có chế độ tiền lương trả cho NLĐ làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức LTT thì tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận". Vì vậy, theo ông Thanh, DN phải giữ nguyên khoản 7% đã thỏa thuận với NLĐ. Bên cạnh đó, theo quy định của Luật BHXH, mức hưởng sẽ căn cứ trên mức đóng nên nếu DN đóng BHXH cho NLĐ theo mức lương quá thấp sẽ dẫn đến thiệt thòi quyền lợi cho NLĐ.
Để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, DN và NLĐ cần hiểu đúng về khái niệm tiền lương theo Bộ Luật Lao động, đó là tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác, đồng thời không được thấp hơn LTT. "Cơ quan BHXH cũng sẽ thu BHXH căn cứ vào tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ" - ông Thanh nói.
Chậm nhất ngày 25-7, DN phải điều chỉnh xong LTT
BHXH TP HCM đã có văn bản gửi các đơn vị, DN về việc điều chỉnh mức đóng BHXH theo LTT mới từ ngày 1-7. Theo đó, các đơn vị, DN phải tiến hành rà soát lại các thỏa thuận trong HĐLĐ, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; không được xóa bỏ hoặc cắt giảm tiền lương làm thêm giờ, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật. Chậm nhất đến ngày 25-7-2022, các đơn vị, DN phải nộp hồ sơ điều chỉnh mức lương đóng BHXH cho NLĐ theo LTT mới (nếu có). Quá thời hạn trên mà đơn vị chưa điều chỉnh, cơ quan BHXH sẽ tạm thời điều chỉnh mức lương đóng BHXH bằng mức LTT mới đối với NLĐ làm công việc giản đơn nhất cho đến khi đơn vị thực hiện theo quy định. Đồng thời, cơ quan BHXH chỉ xác nhận quá trình BHXH, BHTN và giải quyết các chế độ khi đơn vị thực hiện lập hồ sơ điều chỉnh LTT đúng quy định trên.