A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Luật hóa thêm nhiều hành vi thao túng chứng khoán

Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi một số điều của của Luật Chứng khoán và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Trong đó, bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm trên thị trường chứng khoán để kiểm soát các vụ thao túng chứng khoán.

Theo dự thảo, Luật Chứng khoán sẽ được sửa đổi để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn, khắc phục kịp thời hạn chế, rủi ro trong hoạt động của thị trường chứng khoán, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực thực thi pháp luật, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK), bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhiều điều luật sẽ được sửa đổi để quy định thêm về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo; điều chỉnh các vấn về đề thao túng thị trường chứng khoán, chào bán chứng khoán; cải thiện pháp lý cho thị trường trái phiếu riêng lẻ.

Bộ Tài chính cũng xây dựng phương án sửa đổi một số vấn đề về công ty đại chúng, tổ chức, triển khai hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) và gỡ bỏ một số hạn chế đối với quỹ đại chúng.

Đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán, thông qua công tác giám sát, kiểm tra giao dịch trên thị trường, Bộ Tài chính cho biết có những nhà đầu tư/nhóm nhà đầu tư chỉ giao dịch 1 hoặc một số ngày (có thể không liên tục) nhưng đó là hành vi cố ý tác động đến giá đóng cửa hoặc mở cửa cho loại chứng khoán đó.

Vì vậy, cần thiết luật hóa quy định về hành vi thao túng tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP để đảm bảo cho phù hợp với các hành vi thực tế diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.

Bộ cũng cho biết hiện tại chưa có quy định nghiêm cấm người nội bộ của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan của các đối tượng này không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đại chúng trước khi giao dịch cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán theo quy định pháp luật, gây khó khăn trong xử lý, phòng ngừa hành vi vi phạm này trên TTCK.

Theo đó, Bộ Tài chính dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 12 (các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán) Luật Chứng khoán 2019.

Luật hóa quy định về hành vi thao túng thị trường chứng khoán từ Nghị định 156/2020/NĐ-CP bao gồm cụ thể các hành vi như mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường; đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự…

Đồng thời, bổ sung hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến giao dịch của người nội bộ công ty đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan trong việc không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đại chúng.

Luật Chứng khoán 2019 

Điều 12. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán

1. Trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện hành vi gian lận, lừa đảo, làm giả tài liệu, tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin hoặc bỏ sót thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán.

2. Sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho người khác; tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ.

3. Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán.

4. Thực hiện hoạt động kinh doanh chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép, cấp giấy chứng nhận hoặc chấp thuận.

5. Sử dụng tài khoản, tài sản của khách hàng khi không được khách hàng ủy thác hoặc trái quy định của pháp luật hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

6. Cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, đứng tên sở hữu chứng khoán hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng giá chứng khoán.

7. Tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán trái quy định của Luật này.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết