Giải quyết lương hưu cho lao động khi doanh nghiệp phá sản
BHXH Việt Nam cho biết 5 tháng đầu năm 2023, cơ quan này đã giải quyết hơn 26.000 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam còn giải quyết cho gần 548.000 người hưởng BHXH một lần; hơn 3,6 triệu người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Về giải quyết quyền lợi cho người lao động (NLĐ) trong doanh nghiệp (DN) giải thể, ông Dương Văn Hào - Trưởng Ban Quản lý thu, sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) - cho hay hiện có hơn 200.000 lao động bị "treo" quyền lợi bảo hiểm trong các DN phá sản, giải thể
Thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị liên quan đã bàn hướng xử lý các nhóm lao động trong DN nợ đóng BHXH. Trong đó, những người đủ thời gian thực đóng 20 năm, đủ tuổi nghỉ hưu đã được giải quyết nhận lương hưu. Phần nợ BHXH còn lại được để nguyên bởi không ai đứng ra trả được khoản tiền này. Cơ quan liên quan đã đề xuất giải pháp lấy từ nguồn BHXH hoặc ngân sách nhà nước để giải quyết.
Theo ông Dương Văn Hào, sau khi bóc tách nhóm lao động này, thực tế chỉ còn 125.000 người chưa được giải quyết chính sách. Đến nay, cơ quan BHXH đã giải quyết chế độ cho 30.241 NLĐ, gồm: hưu trí, tử tuất, BHXH một lần; 34.575 người được xác nhận quá trình đóng đang bảo lưu; 77.627 lao động được xác nhận quá trình đóng và tiếp tục tham gia tại đơn vị mới.
"Nhiều NLĐ đã có quá trình làm việc tại đơn vị phá sản, giải thế, nay chuyển sang đơn vị mới tiếp tục tham gia bảo hiểm. Tất cả đều được ghi nhận thời gian thực đóng, nếu đủ điều kiện hưởng các chế độ BHXH, cơ quan BHXH sẽ tiếp tục giải quyết nhằm bảo đảm quyền lợi cho họ" - ông Hào cho biết.
Giải quyết chế độ cho người tham gia BHXH
Liên quan việc thu BHXH sai quy định với 4.240 chủ hộ kinh doanh từ năm 2003 - 2021, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho rằng do địa phương hiểu chưa thấu đáo với nhóm đóng BHXH bắt buộc. Trước mắt, BHXH Việt Nam đã đề xuất Quốc hội cho phép giải quyết quyền lợi với chủ hộ kinh doanh đã đóng BHXH bắt buộc, cho phép họ được hưởng các quyền lợi như những người đã đóng BHXH bắt buộc khác.
Việc này cũng xuất phát từ nguyện vọng tham gia hệ thống để có lương hưu của chủ hộ kinh doanh. Về lâu dài, BHXH Việt Nam phối hợp với các bộ ngành, thống nhất đưa vào dự thảo sửa đổi Luật BHXH, quy định mở rộng diện tham gia BHXH bắt buộc với chủ hộ kinh doanh cá thể.
Theo ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), về bản chất, các chủ hộ kinh doanh cá thể cũng là NLĐ và Luật BHXH không quy định họ không được tham gia. "Quy định không cấm, trong khi bản chất chủ hộ cũng là NLĐ nên nếu đã đóng BHXH rồi thì cần bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ trên nguyên tắc đóng - hưởng" - ông Thọ nhìn nhận.
Số liệu của BHXH Việt Nam tại thời điểm tháng 9-2016 cho thấy 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể ở 54 địa phương đã đóng BHXH bắt buộc. Như vậy, ngành BHXH đã thu BHXH bắt buộc đối với số lượng lớn chủ hộ kinh doanh cá thể ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do việc thực hiện BHXH bắt buộc không đúng quy định của pháp luật nên các chủ hộ kinh doanh cá thể chưa được tính thời gian đã đóng BHXH bắt buộc để hưởng chế độ BHXH, trong đó có nhiều trường hợp đã đóng BHXH được gần 20 năm. Điều này khiến người dân bức xúc, một số trường hợp đã làm đơn khiếu nại, thậm chí khởi kiện cơ quan BHXH ra tòa án.