Phạt nặng để răn đe vi phạm bản quyền
Các vi phạm trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đang diễn ra khá phổ biến do các quy định hiện hành còn nhiều tồn tại, bất cập
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đang xây dựng dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả với mức phạt tăng tương xứng với mức độ thiệt hại các đối tượng gây ra.
Coi thường luật định
Thanh tra Bộ VH-TT-DL cho biết đã tiến hành 534 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan kết hợp với các lĩnh vực văn hóa theo thẩm quyền như điện ảnh, nghệ thuật, biểu diễn (cuộc thi người đẹp), nhiếp ảnh... Đơn vị này đã xử phạt vi phạm hành chính 447 tổ chức, 3 cá nhân, kiến nghị thu hồi 56 giấy phép phổ biến phim để điều chỉnh chủ sở hữu bản quyền. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP là 12,8 tỉ đồng.
Hành vi vi phạm chủ yếu bị xử phạt là biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố vào mục đích thương mại trong nhà hàng, cửa hàng siêu thị, cơ sở kinh doanh karaoke mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định. Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ VH-TT-DL, cho hay theo quy định hiện hành, mức phạt cao nhất với hành vi vi phạm bản quyền đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng, tuy nhiên theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP, ít hành vi có mức phạt tiền cao như thế. Mức xử phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền nhân thân, quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhìn chung còn ở mức thấp, chỉ xử phạt được từ 15 - 30 triệu đồng.
Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã tạm thời thu hồi Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2021 đối với tác phẩm “Phê bình phân tâm học - phía của những ám ảnh nghệ thuật” của tác giả Vũ Thị Trang do sách bị “tố” vi phạm bản quyền. (Ảnh: NGUYỄN HOÀNG)
Theo phân tích của Cục Bản quyền tác giả, nghị định quy định mức phạt tiền mới chỉ dựa vào hành vi, không căn cứ vào mức độ gây thiệt hại của hành vi, giá trị số lượng hàng hóa sao chép lậu, cũng chưa có sự phân loại theo đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan bị xâm phạm. Điều này dẫn đến việc xử phạt vi phạm hành chính chưa phù hợp, chưa bảo đảm tính răn đe. Đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Việt Nam dẫn chứng điểm a, khoản 1, điều 13 Nghị định 131 quy định xử phạt hành vi biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định mức phạt với cá nhân từ 5-10 triệu đồng, với tổ chức là 10-20 triệu đồng.
Đây là mức phạt quá thấp so với quy mô và doanh thu hàng tỉ đồng từ các chương trình biểu diễn hiện nay. Con số này cũng nhỏ hơn so với tiền nhuận bút mà các đơn vị phải trả cho tác giả. Chính mức phạt quá thấp đã dẫn đến tâm lý coi thường nghĩa vụ luật định, công khai xâm phạm quyền tác giả để giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Xử phạt theo mức độ thiệt hại
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đoàn Văn Việt nhận định sau 10 năm thi hành, Nghị định 131/2013/NĐ-CP, hành lang pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đã có nhiều thay đổi, dẫn đến cần ban hành nghị định thay thế. Hiện Việt Nam đã tham gia một loạt điều ước quốc tế song phương, đa phương và khu vực về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số là Hiệp ước về quyền tác giả và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ cũng đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023. Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, Chính phủ đã giao Bộ VH-TT-DL xây dựng dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan bảo đảm áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật, đồng thời triển khai thi hành có hiệu quả Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 theo hướng bảo đảm có chế tài xử phạt hợp lý, hiệu quả đối với các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
Tại buổi làm việc với các thành viên của Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng nghị định quy định xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan mới đây, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt yêu cầu có sự nghiên cứu kỹ trong quá trình xây dựng nghị định, tập trung vào việc nêu rõ, đầy đủ các hành vi bị coi là vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Thứ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc khung và mức xử phạt đối với các hành vi cụ thể phải được tính toán kỹ, có sự hợp lý, bảo đảm nghị định khi được thực thi có tính giáo dục, tạo sức răn đe.
Theo lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả, dự thảo nghị định thay thế Nghị định 131 đã nâng lên tổng 5 chương, 72 điều nhằm quy định rõ hơn về các hình thức vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, cũng như nêu rõ phương án khắc phục hậu quả đối với từng hành vi. Mức phạt cũng được nghiên cứu theo hướng tăng lên, tương xứng với mức độ thiệt hại các đối tượng gây ra.