A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cách khấu trừ lương cho đúng

Nhiều khoản khấu trừ lương phát sinh trong thực tiễn nhưng pháp luật không quy định khiến doanh nghiệp lúng túng

Mặc dù pháp luật lao động hiện hành đã có quy định về việc khấu trừ tiền lương của người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, việc khấu trừ lương sao cho đúng quy định để không gây hậu quả pháp lý khiến không ít doanh nghiệp (DN) đau đầu. Tại buổi đối thoại với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM vừa qua, đại diện Công ty TNHH J.L Việt Nam (quận 1, TP HCM) thắc mắc: "Hằng năm, công ty có mua gói bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên, đồng thời cho phép họ mua thêm gói bảo hiểm này cho người thân. Chi phí mua bảo hiểm do NLĐ trả nhưng công ty chi hộ. Sau đó, NLĐ hoàn trả bằng cách khấu trừ vào tháng lương liền kề. Xin hỏi việc khấu trừ lương này có đúng quy định?".

Băn khoăn cơ sở pháp lý

Một tình huống khác cũng được DN đặt ra là công ty có cấp công tác phí, thẻ đi taxi cho nhân viên để phục vụ công việc. Trong quá trình sử dụng, nhân viên có dùng thẻ đi taxi vào mục đích cá nhân hoặc phát sinh chi phí công tác cao hơn hạn mức. Theo quy chế công ty thì họ sẽ phải hoàn trả lại số tiền phát sinh thêm cũng như chi phí sử dụng không đúng mục đích bằng việc khấu trừ vào tiền lương. "Nếu việc khấu trừ lương của công ty trong trường hợp này sai quy định thì làm cách nào để truy thu?" - đại diện DN đặt vấn đề.

Theo ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - BHXH Sở LĐ-TB-XH TP HCM, Bộ Luật Lao động quy định người sử dụng lao động (NSDLĐ) chỉ được khấu trừ tiền lương của NLĐ để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của NSDLĐ. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng của NLĐ sau khi trích nộp các khoản BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. 

Bên cạnh đó, Bộ Luật Lao động cũng quy định NSDLĐ phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho NLĐ. "Như vậy, phạm vi thực hiện khấu trừ lương theo Bộ Luật Lao động chỉ áp dụng cho trường hợp bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của NSDLĐ. Đối với các trường hợp khác, nếu sử dụng biện pháp khấu trừ lương là không có cơ sở pháp lý. Đối với các thỏa thuận dân sự (chẳng hạn như trường hợp thu hộ, chi hộ), hai bên vẫn có thể thỏa thuận thực hiện, tuy nhiên lựa chọn phương thức khác phù hợp hơn, chứ không nên khấu trừ lương" - ông Cường lưu ý.

Luật sư tư vấn pháp luật cho người lao động tại quận 7, TP HCM Ảnh: HUỲNH NHƯ

Luật sư tư vấn pháp luật cho người lao động tại quận 7, TP HCM Ảnh: HUỲNH NHƯ

Cũng lo lắng về vấn đề này, ông Trần Linh (quận 3, TP HCM), cho hay công ty có xây dựng hệ thống đánh giá kết quả hoàn thành công việc đối với NLĐ theo 3 mức độ, gồm tốt, bình thường và còn hạn chế. Tương ứng với mỗi mức độ sẽ có hệ số đánh giá là: 1,20, 1,00 và 0,80. 

Tiền lương hằng tháng được tính theo công thức lấy tiền lương thỏa thuận theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) nhân số ngày làm việc nhân hệ số đánh giá và chia cho 26 ngày công chuẩn. Cách tính lương này sẽ khiến lương NLĐ không ổn định. Trong trường hợp NLĐ bị giảm lương, ông Linh ngại sẽ vi phạm vào quy định về khấu trừ tiền lương tại điều 102 của Bộ Luật Lao động. 

Trả lời vấn đề này, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng việc xây dựng hệ thống đánh giá kết quả hoàn thành công việc đối với NLĐ là để DN đánh giá năng suất lao động, chất lượng công việc của NLĐ đã bảo đảm đúng theo quy định tại điều 95 Bộ Luật Lao động. Vậy nên, trường hợp này không phải là khấu trừ tiền lương của NLĐ.

Không được giữ lương của người lao động

Một vấn đề khác được khá nhiều DN quan tâm đó là có được giữ lương NLĐ để bảo đảm nghĩa vụ của NLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định.

Đại diện Công ty TNHH Digi-Texx (quận 12, TP HCM) đặt vấn đề: "Trường hợp NLĐ tự ý nghỉ việc, không bàn giao, không trả máy tính và cũng không liên lạc được thì NSDLĐ có quyền giữ lương của họ hay không?".

Ông Nguyễn Bảo Cường cho hay khi NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên hay 5 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày (tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc) thì DN có thể thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải, NLĐ trong trường hợp này không được hưởng trợ cấp thôi việc. Khi chấm dứt HĐLĐ, trong thời hạn 14 ngày làm việc (kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ), hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ một số trường hợp có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. 

Riêng với NSDLĐ, Bộ Luật Lao động còn quy định thêm trách nhiệm là hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của NLĐ (nếu có)... "Đối chiếu trường hợp trên thì DN không thể giữ lương hay khấu trừ lương để thay thế cho nghĩa vụ khác của NLĐ" - ông Cường phân tích.

Theo luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, hiện nay các khoản khấu trừ tiền lương của NLĐ mà DN có thể thực hiện bao gồm các khoản trích nộp liên quan đến BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, phí tham gia Công đoàn cơ sở, tiền đóng thuế thu nhập cá nhân, tiền bồi thường do làm hỏng dụng cụ, thiết bị. 

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 166/2013/NĐ-CP, NLĐ có thể bị khấu trừ một phần lương hoặc thu nhập nhằm thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, tỉ lệ khấu trừ lương, thu nhập có thể tiến hành nhiều lần. Đối với tiền lương, BHXH tỉ lệ khấu trừ mỗi lần không quá 30% tổng số tiền lương, BHXH NLĐ được hưởng. 

Đối với những khoản thu nhập khác, tỉ lệ khấu trừ mỗi lần không quá 50% tổng số thu nhập. Đến kỳ lĩnh tiền lương hoặc thu nhập gần nhất, NSDLĐ có trách nhiệm khấu trừ một phần lương, thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế và chuyển số tiền đã khấu trừ đến tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định. 

Theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP, nếu có hành vi khấu trừ tiền lương của NLĐ không đúng quy định pháp luật, ngoài bị xử phạt hành chính, NSDLĐ còn phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho NLĐ tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết