Giữ hồn chữ Thái giữa miền Tây xứ Nghệ
Tiếng nói và chữ viết là linh hồn của mỗi dân tộc, là kho tàng tri thức, văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Với cộng đồng dân tộc Thái ở miền núi Nghệ An, tiếng nói và chữ Thái không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là mạch nguồn nuôi dưỡng bản sắc, gắn kết cộng đồng. Việc tiếng nói và chữ Thái được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới đây chính là niềm vinh dự lớn lao, nhưng đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm nặng nề là làm sao để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản quý báu này.
* Gìn giữ chữ Thái giữa nhịp sống mới
Ở Nghệ An hiện có 3 hệ chữ Thái được biết đến và sử dụng khá phổ biến là chữ Thái hệ Lai Tay, chữ Thái hệ Lai Pao và chữ Thái hệ Xư Tay Thanh.
Chữ Thái cổ là niềm tự hào của của cộng đồng Thái. Với bộ chữ này, họ đã ghi lại toàn bộ lịch sử dân tộc, các áng thơ văn, tục ngữ, thành ngữ, ca ngợi con người, tình yêu quê hương đất nước, những luật tục để điều chỉnh xã hội...
Ngày nay, phong trào học chữ, tiếng dân tộc Thái đang dần trở lại. Với việc hiện đại các phương tiện, phương pháp học chữ, tiếng dân tộc Thái góp phần bảo tồn chữ viết cũng như văn hóa dân tộc Thái.
Từ năm 2012-2017, nhóm nghiên cứu do Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Bình chủ trì đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, biên soạn tài liệu và tổ chức dạy học chữ Thái hệ Lai-Tay ở huyện Quỳ Hợp (cũ), huyện Tương Dương (cũ), Nghệ An”. Bộ chữ Thái được đưa vào máy tính, xây dựng bộ gõ, biên soạn tài liệu phục vụ dạy và học chữ Thái một cách bài bản. Đây cũng là nền tảng cho việc bảo tồn, truyền dạy chữ Thái Lai Pao ở các địa phương khác.
“Ngôn ngữ Thái đang giúp cộng đồng người Thái bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống và từng bước tạo điều kiện để người dân tiếp cận nền giáo dục chất lượng hơn”, Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Bình chia sẻ.
Tại xã Mường Ham, Câu lạc bộ học chữ Thái duy trì đều đặn 1-2 lớp mỗi năm, có năm mở đến 3 lớp. Hàng trăm học viên đã được học qua các lớp này, gồm cán bộ, công chức, bộ đội, học sinh và cả một số lãnh đạo địa phương. Tài liệu học được biên soạn kỹ, in ấn đẹp, nội dung thiết thực. Thông qua hoạt động tham gia của các thành viên, một số cuốn Tài liệu học chữ Thái của Câu lạc bộ chữ Thái xã Mường Ham hiện đang có mặt tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và được mang sang Pháp, Nhật Bản và Thái Lan. Hiện tại Câu lạc bộ Chữ Thái xã Châu Cường vẫn đang tiếp tục duy trì các lớp học chữ Thái.
Tại nhiều xã miền Tây xứ Nghệ, tiếng nói, chữ viết Thái là một phần không thể thiếu trong đời sống, tâm hồn người dân. Cụ ông, cụ bà vẫn kể chuyện cổ tích bằng tiếng Thái. Bà Sầm Thị Bích (xã Châu Tiến) vừa dệt thổ cẩm vừa hát điệu Khắp cổ; những cuốn sách chữ Thái cổ, bài cúng, câu hát Then, Lăm Tơi vẫn được truyền miệng từ đời này sang đời khác.
Tuy nhiên, dưới tác động của đô thị hóa và hội nhập, tiếng phổ thông ngày càng lấn át, nhiều người trẻ dân tộc Thái ít có cơ hội dùng tiếng mẹ đẻ. Hiện chỉ khoảng 5-10% người dân có thể nhận diện chữ Thái, phần lớn là người già. Một số người trẻ biết đọc nhờ các lớp học ở câu lạc bộ hoặc do nghệ nhân, UBND các huyện tổ chức. Toàn tỉnh hiện có khoảng 60 người thực hành chữ Thái, trong đó có 5 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Ông Vi Khăm Mun, xã Yên Hòa cho biết, hiện còn thiếu người dạy, tài liệu học chưa phong phú, giáo viên biết tiếng và chữ Thái còn hạn chế. Nhiều bạn trẻ chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc gìn giữ ngôn ngữ dân tộc. Việc xây dựng chính sách dài hạn để bảo tồn và phát huy tiếng, chữ Thái vẫn còn nhiều khoảng trống.
*Thắp sáng di sản bằng hành động cộng đồng
Để bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết dân tộc Thái, chính quyền, ngành chức năng, cộng đồng đang cùng vào cuộc. Trong nhiều gia đình, ông bà, cha mẹ duy trì thói quen nói tiếng Thái với con cháu, kể chuyện cổ tích, hát dân ca Thái như một cách gìn giữ ngôn ngữ truyền thống. Gia đình ông Lô Đức Mậu (xã Châu Tiến) mỗi tối quây quần bên bếp lửa, ông kể chuyện bằng tiếng Thái, vợ ông dạy cháu hát điệu Khắp cổ. “Mình phải giữ lấy tiếng của ông cha, nếu không thì mất đi cái gốc của mình”, ông nói.
Các câu lạc bộ bảo tồn dân ca, dân vũ Thái hoạt động hiệu quả, góp phần giữ gìn bản sắc, quảng bá văn hóa và tạo thu nhập thông qua du lịch. Riêng tại các xã Môn Sơn, Lục Dạ, Chính Yên, Châu Khê, Mậu Thạch, Cam Phục đã có 29 câu lạc bộ hát dân ca Thái. Một số câu lạc bộ biểu diễn thường xuyên tại các điểm du lịch cộng đồng như bản Nưa, bản Khe Rạn, bản Xiềng, bản Cằng, giúp thu hút khách và tăng thu nhập cho người dân.
Tại các trường học, nhiều câu lạc bộ văn hóa dân gian Thái được thành lập; học sinh được học hát Khắp, Lăm Tơi, chơi nhạc cụ như khèn bè, pí; khôi phục lễ hội truyền thống có sử dụng tiếng nói, chữ viết Thái. Các trường mong muốn có giáo trình tiếng Thái phù hợp theo cấp học, lớp bồi dưỡng giáo viên bản địa, khuyến khích người am hiểu văn hóa Thái tham gia giảng dạy.
Thầy Đặng Văn Bằng, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Mường Quạ cho biết: “Nhà trường vẫn duy trì dạy tiếng Thái, tổ chức các hoạt động ngoại khóa tìm hiểu văn hóa Thái. Chúng tôi cũng khuyến khích học sinh tạo các kênh YouTube, TikTok bằng tiếng Thái để giao lưu, lan tỏa văn hóa”.
Thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức biên soạn, bổ sung cuốn Từ điển Thái – Việt nhằm gìn giữ và phát triển ngôn ngữ dân tộc Thái.
Ông Bùi Công Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An, cho biết: Ngành sẽ tham mưu chính sách với UBND tỉnh về đào tạo cán bộ nghiên cứu, đội ngũ giáo viên, nghệ nhân là người Thái để họ trực tiếp giảng dạy cho con em, giúp bảo tồn ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc mình. Đồng thời tổ chức kiểm kê, sưu tầm, bảo quản các tài liệu chữ Thái cổ trong cộng đồng; xây dựng các chương trình quảng bá, trưng bày các giá trị chữ Thái tại cộng đồng đồng bào Thái.
Cùng với việc xây dựng chương trình, đề án bảo tồn và phát huy di sản chữ Thái phục vụ mục tiêu lâu dài, Nghệ An cũng đang tích cực gắn kết di sản với phát triển du lịch. Trong đó, đưa tiếng nói và chữ viết Thái trở thành một phần không thể thiếu trong trải nghiệm du lịch cộng đồng, giúp du khách hiểu sâu sắc hơn về văn hóa bản địa./.
Bích Huệ