Người họa sỹ thầm lặng đưa tranh Việt ra thế giới
Trong bối cảnh hội họa đương đại nở rộ nhiều tài năng với phong cách thể hiện khác lạ, họa sỹ Phan Thị Thanh Mai lặng lẽ chọn cho mình một lối đi riêng: âm thầm, bền bỉ nhưng cũng đầy đam mê và cống hiến. Từ góc nhà nhỏ ở Hà Nội đến những triển lãm quốc tế danh giá, nữ họa sỹ sinh năm 1948 đã tự mình làm nên hành trình nghệ thuật nhiều dấu ấn.
* Vẽ bằng cả đam mê
Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1976, bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ chuyên ngành mỹ học nghệ thuật năm 1996, họa sỹ Phan Thị Thanh Mai đã có gần nửa thế kỷ sống và sáng tạo cùng hội họa. Hiện bà là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội, Giám đốc Trung tâm UNESCO Mỹ thuật Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội. Bên cạnh niềm đam mê hội họa, bà cũng dành nhiều tâm huyết cho công việc giảng dạy tại nhiều trường đại học ở Thủ đô suốt mấy chục năm qua.
Gần một đời người gắn bó với nghệ thuật, họa sỹ Phan Thị Thanh Mai chọn cho mình một lối đi riêng: âm thầm, bền bỉ, không ồn ào nhưng cũng đầy dấu ấn. Đó là hành trình lặng lẽ, được thắp sáng bởi đam mê, kiên trì và những đóng góp không ngừng nghỉ để đưa hội họa Việt Nam đến với thế giới. Góc phòng nhỏ trong ngôi nhà nằm ở khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội của bà vừa là phòng tranh, cũng là nơi bà làm việc miệt mài suốt mấy chục năm qua. Trên tường, những tác phẩm bằng lụa, sơn mài, sơn dầu, acrylic… được sắp đặt đan xen, có bức đã hoàn thiện, có bức còn dang dở. Từ chân dung thiếu nữ dân tộc đến phong cảnh bản làng miền núi, từ nếp nhà sàn ẩn hiện giữa đại ngàn xanh thẳm đến vườn hoa rực rỡ sắc màu nơi thị thành, mỗi bức tranh đều mang dấu ấn riêng, thể hiện rung cảm tinh tế của người nghệ sỹ trước vẻ đẹp đời sống và khát khao thể hiện vẻ đẹp ấy qua từng lớp màu, từng nét cọ.
Họa sỹ Phan Thị Thanh Mai chia sẻ, từ thuở nhỏ, bà đã đam mê vẽ tranh công chúa. Khi dấn thân vào con đường chuyên nghiệp, niềm đam mê ấy dần chuyển hóa thành nguồn cảm hứng sáng tạo bền bỉ. Chân dung phụ nữ trở thành mạch nguồn chủ đạo xuyên suốt hành trình nghệ thuật của họa sỹ Phan Thị Thanh Mai, được bà thể nghiệm qua nhiều chất liệu với phong cách khác nhau. Đặc biệt, bà dành nhiều tình cảm, sự quan tâm sâu sắc đến phụ nữ vùng cao. Họ hiện diện không chỉ bởi vẻ đẹp mộc mạc, giản dị trong trang phục dân tộc đặc trưng, còn bởi thần thái đầy nội lực và sức sống căng tràn. Với bà, vẽ chân dung phụ nữ không đơn thuần là khắc họa hình thức bên ngoài, mà còn là hành trình chạm tới thế giới nội tâm đa chiều, phức tạp, ẩn sâu bên trong. Chính điều đó thách thức năng lực của người họa sỹ. Cho đến hôm nay, bà không còn nhớ mình đã vẽ bao nhiêu bức chân dung, chỉ biết rằng, mỗi gương mặt là một khoảnh khắc đời sống độc nhất vô nhị mà bà vô tình bắt gặp.
Không chỉ gắn bó với đề tài thiếu nữ, họa sỹ Phan Thị Thanh Mai còn dành nhiều tâm huyết thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng, trong đó có tác phẩm đã giành giải xuất sắc đặc biệt tại Triển lãm giao lưu nghệ thuật quốc tế diễn ra tại Hàn Quốc năm 2019. Có thể nói, tranh của bà trải rộng nhiều chủ đề, phản ánh muôn mặt đời sống với góc nhìn tinh tế và chan chứa yêu thương. Thiên nhiên bốn mùa cũng được bà tái hiện sống động qua từng gam màu, nét cọ, nhưng không chỉ để ngợi ca vẻ đẹp thuần túy, còn là biểu tượng của sự đổi thay, tiếp nối. Nữ họa sỹ đặc biệt say mê những cánh cổng phủ đầy hoa dẫn lối vào ngôi nhà ở một vùng quê yên bình nào đó. Cánh cổng - biểu tượng của thời gian và những ký ức đẹp đẽ - vừa mang đến trải nghiệm thị giác nhẹ nhàng, vừa ẩn chứa cả chiều sâu triết lý nhân sinh.
Phong cách hội họa của họa sỹ Thanh Mai chủ yếu theo trường phái hiện thực – dòng tranh sử dụng ngôn ngữ tạo hình chân thật để khắc họa con người, phong cảnh, đời sống lao động thường nhật một cách gần gũi, dung dị. Những tác phẩm ấy không nhằm lý tưởng hóa hay tô vẽ, mà thể hiện thế giới như nó vốn có, với tất cả vẻ đẹp nguyên sơ, thuần khiết nhất.
Dù gắn bó lâu dài với phong cách hiện thực song nữ họa sỹ không xem đó là giới hạn duy nhất trong sáng tạo. Trái lại, bà luôn khát khao khám phá những cách biểu đạt mới mẻ. Thành công tiếp nối với dòng tranh trừu tượng cũng là một cách khẳng định, tư duy nghệ thuật không thể bị gói gọn trong bất kỳ khuôn mẫu nào. “Tôi đang chuẩn bị một triển lãm cá nhân mới. Có thể là tranh lập thể, kết hợp nhiều chất liệu khác nhau. Với tôi, ở tuổi này, mỗi cột mốc đều là một món quà” bà chia sẻ.
Theo họa sỹ Phan Thị Thanh Mai, phụ nữ có nhiều lợi thế khi dấn thân vào con đường nghệ thuật. Tranh phụ nữ mềm mại, cảm xúc và đặc biệt dịu dàng. Đó cũng là yếu tố cốt lõi giúp bà định hình tên tuổi trong dòng chảy hội họa đương đại.
* Lặng lẽ đưa hội họa Việt Nam ra thế giới
Không ồn ào, không phô trương, họa sỹ Phan Thị Thanh Mai đã âm thầm, bền bỉ đưa tranh Việt Nam ra thế giới theo cách riêng của mình. Từ thập niên 1980, tranh của bà đã bắt đầu hiện diện tại các triển lãm nước ngoài. Năm 1982, bà là một trong những nghệ sỹ Việt Nam đầu tiên góp mặt tại Triển lãm tranh hiện thực thế giới tổ chức tại Bulgaria. Từ đó, hành trình hội họa không ngừng mở rộng với các điểm đến như Trung Quốc, Thụy Điển, Na Uy, Hàn Quốc và đặc biệt bà đã tham gia tới 18 triển lãm tại Pháp trong vòng 15 năm.
Những chuyến đi ấy không rầm rộ, không có chiến dịch truyền thông nhưng mang lại giá trị sâu sắc. Bằng chính tác phẩm của mình, họa sỹ Phan Thị Thanh Mai lặng lẽ giới thiệu hội họa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Mỗi bức tranh được trưng bày, mỗi lần bà xuất hiện tại một triển lãm ở nước ngoài là một lần thế giới biết tên Việt Nam trên bản đồ nghệ thuật đương đại.
Tại Triển lãm giao lưu nghệ thuật quốc tế lần thứ 32 diễn ra tại Seoul (Hàn Quốc) vừa qua, họa sỹ Phan Thị Thanh Mai cùng bốn họa sỹ Việt Nam đã mang đến 10 tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu. Chia sẻ sau chuyến đi, họa sỹ Thanh Mai cho biết, đoàn Việt Nam được nước chủ nhà đón tiếp nồng hậu. Không chỉ được tạo điều kiện sinh hoạt chu đáo, đoàn còn có cơ hội tham quan nhiều địa danh văn hóa, lịch sử quan trọng của Hàn Quốc: từ bảo tàng đương đại, bảo tàng chiến tranh đến những cung điện cổ kính. Đặc biệt, cả 5 họa sỹ Việt Nam đều được trao giải thưởng danh dự từ Ban tổ chức. Với riêng họa sỹ Phan Thị Thanh Mai, niềm hạnh phúc càng thêm trọn vẹn khi bà được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc trao tặng Huân chương sáng tạo – một trong hai Huân chương danh giá duy nhất được trao tại sự kiện này. Đây là phần thưởng cao quý dành cho những đóng góp không ngừng nghỉ của bà đối với hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật quốc tế.
Đặc biệt, tác phẩm sơn mài “Tình bạn không biên giới” của họa sỹ Thanh Mai được trao bằng Sáng tạo nghệ thuật quốc tế. Bức tranh khắc họa hình ảnh hai người phụ nữ Việt Nam và Hàn Quốc trong trang phục truyền thống, cùng nâng niu một con chim bồ câu trắng. Đằng sau bố cục giản dị là lớp biểu tượng văn hóa được sắp đặt khéo léo: cầu Long Biên, hoa sen Việt Nam quyện hòa với mái cung đình và sắc hoa anh đào đặc trưng xứ Hàn. Lối thể hiện tinh tế, giàu cảm xúc nhưng vẫn giữ được cốt cách truyền thống của chất liệu sơn mài đã làm tăng chiều sâu và sức lan tỏa cho tác phẩm. “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nghệ thuật chính là nhịp cầu kết nối con người, bất chấp khoảng cách về địa lý, ngôn ngữ hay văn hóa”, họa sỹ chia sẻ. Và quả thực, hành trình của bà cùng các đồng nghiệp tại Seoul đã minh chứng cho điều đó.
Trong nước, họa sỹ Phan Thị Thanh Mai cũng là gương mặt quen thuộc của nhiều triển lãm mỹ thuật lớn: từ triển lãm toàn quốc, triển lãm mỹ thuật Thủ đô cho đến các chương trình chuyên đề như “Giữ gìn biển đảo quê hương”, “Lực lượng vũ trang quân đội”, “Festival Long Biên”... Từ năm 1976 đến nay, hiếm có năm nào mà bà không có tranh góp mặt tại các triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam hoặc Hội Mỹ thuật Hà Nội. Sự hiện diện đều đặn suốt nửa thế kỷ cho thấy tinh thần làm nghề nghiêm túc và khát vọng được lan tỏa giá trị nghệ thuật đến với công chúng.
Điều đặc biệt ở họa sỹ Phan Thị Thanh Mai không chỉ là các giải thưởng, còn là cách làm nghệ thuật rất riêng. Không chạy theo xu hướng thị trường, bà chọn vẽ như một lẽ sống chân thành và đầy cảm xúc. Bà tâm sự: “Có bức vẽ rất công phu, tôi trau chuốt từng chi tiết, nhưng rồi không ai để ý. Thế mà có những bức tôi vẽ theo cảm hứng lại khiến người xem dừng lại rất lâu. Tôi nghĩ, để sống được, nghệ thuật phải chạm tới trái tim công chúng”.
Ở tuổi 77, họa sỹ Phan Thị Thanh Mai vẫn miệt mài bên giá vẽ, vẫn ấp ủ kế hoạch cho những triển lãm mới. Với bà, nghệ thuật không chỉ là hành trình sáng tạo, mà còn là hành trình sống: sâu sắc, giản dị và lặng thầm cống hiến./.
Phương Thanh