Bế mạc Festival Huế 2024: Ước vọng về một thành phố festival
Trải qua 7 ngày đêm sống trong bầu không khí sôi động bởi các chương trình nghệ thuật, ẩm thực, văn hoá, Huế xứng đáng trở thành thành phố festival đặc trưng.
Khẳng định vị thế thành phố festival
Chương trình nghệ thuật đêm bế mạc diễn ra trong không gian của ngôi điện có lối kiến trúc lộng lẫy, sang trọng. Khán giả đã có một đêm được thưởng thức "bữa tiệc" nghệ thuật là những gì tinh tuý nhất của các đoàn nghệ thuật trong nước, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp.
Festival Huế qua mỗi lần tổ chức đều để lại những ấn tượng mỗi khác, nhưng luôn đề cao sứ mệnh bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam và Thừa Thiên - Huế trong tiến trình hội nhập với thế giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó khẳng định Thừa Thiên - Huế xứng tầm là thành phố Festival đặc trưng, thành phố du lịch, thành phố di sản, một trong những trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của Việt Nam.
Một đất nước, một dân tộc, một quê hương với những truyền thống văn hiến trải theo diễn trình lịch sử để những gì còn lại hôm nay tiếp tục tỏa sáng và hội nhập. Và Huế luôn luôn mới trong mọi diễn trình để mãi mãi muôn sau trở thành nơi hội tụ, giao lưu văn hóa của khu vực và quốc tế.
Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định với chủ đề "Di sản văn hóa, hội nhập và phát triển", Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 đã hội tụ tinh hoa của hơn 30 đơn vị nghệ thuật đến từ những vùng miền của Việt Nam và 7 quốc gia trên thế giới.
Với lòng say mê, tâm huyết phục vụ công chúng, cùng tài năng diễn xuất của mình, các nghệ sĩ, diễn viên đã đem đến cho khán giả hàng chục suất biểu diễn nghệ thuật cũng như các hoạt động hưởng ứng, tạo nên bầu không khí lễ hội sôi động.
"Chính sự hội tụ của các nền văn hóa tại Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 với những nét riêng biệt của mỗi quốc gia đặt trong mối quan hệ giao lưu, đoàn kết, hội nhập và phát triển, đã đem lại cho cố đô Huế sức sống mới, khẳng định vị thế là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực" – ông Bình nói thêm.
Chương trình khép lại với bài hát Về Huế festival do NSUT Hoàng Trọng Cương sáng tác, được thể hiện qua giai điệu tiết tấu vui tươi, rộn rã nhưng vẫn mang được sắc thái trữ tình gắn với tâm hồn Huế. Đó là lời giã bạn đầy lưu luyến để Huế hẹn gặp lại mọi người trong chuỗi các sự kiện nghệ thuật trong lễ hội mùa thu và mùa đông của Festival Huế 2024.
7 ngày đêm sôi động
Trong 12 chương trình chính tại Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 thì có đến 6 chương trình được tổ chức trong Đại nội Huế. Đặc biệt, các chương trình như khai mạc, bế mạc lần đầu được tổ chức tại đây.
Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, tổng số du khách đến địa phương này trong Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 ước đạt 101.000 lượt, doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 159 tỉ đồng. Khách lưu trú ước đạt 49.000 lượt, trong đó có gần 9.310 khách quốc tế; công suất phòng khách sạn bình quân đạt 70%
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế 2024, khẳng định các sự kiện Festival Huế tổ chức trong Đại nội Huế không chỉ là một lựa chọn dựa trên giá trị lịch sử, văn hóa mà còn vì các yếu tố thuận lợi về không gian, vị trí và khả năng thu hút khách du lịch. Đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa truyền thống và hiện đại, góp phần tôn vinh và bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của cố đô Huế.
Và không khí lễ hội không chỉ tồn tại bên trong Đại nội mà còn lan tỏa ra khu vực xung quanh bởi các hoạt động như lễ hội đường phố, lễ hội bia, lễ hội hoa đăng, chương trình biểu diễn nghệ thuật cộng đồng ngoài trời…. Những chương trình đó được tổ chức ở nhiều địa điểm khác nhau trong TP Huế như quảng trường Bia Quốc học, công viên 3/2, Nghinh Lương Đình, nhà thi đấu tại số 1 Hà Huy Tập, trên đường phố Huế.
"Những hoạt động này không yêu cầu vé và mở rộng cho tất cả người dân cùng du khách tham gia, tạo cơ hội cho mọi người được sống trong không khí lễ hội. Đây là cách mà chính quyền và ban tổ chức nỗ lực để bao quát và mở rộng không gian lễ hội, nhằm giúp mọi người dân, bất kể điều kiện kinh tế, đều có thể trải nghiệm văn hóa và nghệ thuật" – ông Hoàng Việt Trung chia sẻ.
Mặt khác, nhiều sự kiện lễ hội quan trọng được truyền hình trực tiếp hoặc phát sóng trên các phương tiện truyền thông, giúp người dân có thể theo dõi và cảm nhận không khí lễ hội từ xa. Điều này đặc biệt hữu ích cho những người không có khả năng đến tham dự trực tiếp, cho phép họ vẫn được "sống trong không khí lễ hội".
Một số hoạt động của Festival Huế cũng được thiết kế để tạo ra sự tương tác với cộng đồng, như các trưng bày, triển lãm nơi mọi người có thể tham gia, giúp người dân cảm thấy mình là một phần của lễ hội và đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương.
"Mặc dù Đại nội Huế có những giới hạn về không gian và việc kiểm soát vé vào cửa, nhưng không khí lễ hội vẫn lan tỏa ra toàn TP Huế thông qua nhiều hoạt động ngoài trời và các chương trình văn hóa mở rộng. Người dân, dù có hay không có vé, đều có cơ hội sống trong không khí lễ hội nhờ vào sự đa dạng và phong phú của các chương trình, sự kiện diễn ra liên tục 7 ngày đêm" – ông Trung khẳng định.