Đồng USD vẫn giữ vị trí ổn định trong dự trữ ngoại hối của nhiều nước
Khảo sát của IMF cho thấy tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ ngoại hối của các nước tăng 0,2 điểm phần trăm, lên 58,4% trong năm 2023, tuy khiêm tốn nhưng là mức tăng đầu tiên kể từ năm 2015.
Đồng tiền mệnh giá 100 USD. (Ảnh: AFP/ TTXVN) |
Theo báo cáo của ING Bank, tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ ngoại hối của toàn cầu tăng nhẹ trong năm 2023, dù có những cảnh báo rằng các ngân hàng trung ương đang giảm dự trữ bằng đồng bạc xanh.
Khảo sát về cơ cấu dự trữ ngoại hối của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ ngoại hối của các nước tăng 0,2 điểm phần trăm, lên 58,4% trong năm ngoái.
Theo nhà kinh tế trưởng, Dmitry Dolgin, mức tăng đó là khiêm tốn, nhưng đánh dấu lần tăng đầu tiên kể từ năm 2015.
Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng nhu cầu lớn của các ngân hàng trung ương đối với vàng là bằng chứng rõ ràng hơn về quá trình phi đôla hóa. Tuy nhiên, ING cho rằng nhu cầu vàng ổn định trong khoảng một thập kỷ qua.
Mặc dù tỷ trọng vàng tăng từ 14,4% lên 15,9% trong tổng dự trữ ngoại hối của toàn cầu trong năm 2023, sự gia tăng này là do hiệu ứng tái định giá. Với việc giả định giá vàng cố định vào cuối năm 2023, tỷ trọng của vàng không đổi.
Trong khi đó, tỷ trọng của đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong dự trữ của các ngân hàng trung ương giảm, do Ngân hàng trung ương Nga bán ra.
Trước năm 2022, Nga nắm 1/3 lượng dự trữ bằng đồng nhân dân tệ của toàn cầu, nhưng đã buộc phải bán ra khi đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách./.