A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá nguyên liệu thô toàn cầu tăng nhanh, nguy cơ lạm phát "tăng nhiệt"

Sau đợt suy giảm kéo dài 18 tháng, giá hàng hóa nguyên liệu thô sử dụng cho hoạt động sản xuất và vận tải trên toàn cầu đang tăng nhanh hơn. Điều đó phản ánh niềm tin của giới đầu tư về sức mạnh bền bỉ của nền kinh tế toàn cầu nhưng đồng thời có nguy cơ đẩy lạm phát tăng cao trở lại.

Giá của một số mặt hàng nguyên liệu thô bao gồm ca cao, dầu thô, đồng tăng mạnh trong năm nay. Ảnh: iStock

Tăng giá nhanh hơn chứng khoán Mỹ

Chỉ số S&P GSCI, một thước đo giá cả nguyên liệu thô toàn cầu, tăng 12% trong năm nay, nhanh hơn so với mức tăng 9,1% của chỉ số S&P 500 trên thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ số này theo dõi giá của khoảng 24 mặt hàng từ tất cả các lĩnh vực hàng hóa nguyên liệu thô từ năng lượng, kim loại công nghiệp, nông sản, cho đến sản phẩm chăn nuôi và kim loại quý.

Kể từ đầu năm đến hôm 8-4, đồng và dầu lần lượt tăng giá 10% và 17%. Ngay cả vàng cũng đang lập kỷ lục mới, tăng giá 13%, lên 2.332 đô la/ounce.

Các nhà phân tích lý giải, đà tăng giá hàng hóa bắt nguồn từ kỳ vọng rằng tăng trưởng kinh tế sẽ thúc đẩy nhu cầu từ Mỹ và Trung Quốc. Báo cáo của S&P Global về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tuần trước cho thấy sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giúp khơi dậy một làn sóng mua hàng hóa nguyên liệu mới. Điều đó củng cố đà tăng giá vốn thúc đẩy cổ phiếu của các công ty sản xuất năng lượng và vật liệu trong thời gian gần đây, đồng thời đe dọa đẩy tăng giá xăng ở Mỹ ngay trước mùa hè.

Các nhà phân tích dự báo, giá cả hàng hóa nguyên liệu thô có thể tăng tiếp trong thời gian tới. Theo báo cáo của nhóm chiến lược hàng hóa ở Macquarie Group, tăng trưởng thu nhập thực tế của người lao động đã giúp nhu cầu hàng hóa toàn cầu tăng trở lại. Điều đó có khả năng đẩy giá cả nguyên liệu thô tăng lên cao hơn nữa.

Chỉ số S&P GSCI, một thước đo giá cả nguyên liệu thô toàn cầu, tăng 12% trong năm nay, nhanh hơn so với mức tăng 9,1% của chỉ số S&P 500 trên thị trường chứng khoán Mỹ. Ảnh: WSJ

Kịch bản Fed không giảm lãi suất

Giới đầu tư bắt đầu nghi ngờ về triển vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất vào nửa cuối năm nay khi họ nhận thấy lạm phát có thể tăng trở lại.

“Hàng hóa nguyên liệu thô có thể là một yếu tố có thể cản trở việc cắt giảm lãi suất của Fed”, Francisco Blanch, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa và phái sinh toàn cầu của ngân hàng Bank of America, nhận định.

Tuần trước, Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực Minneapolis, cho biết Fed có thể đối mặt kịch bản không giảm lãi suất trong năm nay nếu lạm phát tiếp tục đi ngang.

Thậm chí, trong thư gửi cho cổ đông công bố hôm 8-4, Jamie Dimon, CEO của ngân hàng JPMorgan Chase, cảnh báo lãi suất của Mỹ có thể tăng lên 8% hoặc hơn trong những năm tới, do thâm hụt chi tiêu của Mỹ tăng cao kỷ lục cũng như căng thẳng địa chính trị đang làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát của Fed.

“Chi tiêu tài khóa khổng lồ với hàng nghìn tỉ đô la cần thiết mỗi năm cho nền kinh tế xanh, tái vũ trang thế giới và tái cơ cấu thương mại toàn cầu, tất cả đều gây ra lạm phát”, ông viết.

Đà tăng giá nguyên liệu thô hiện nay đảo ngược đợt suy giảm kéo dài 18 tháng từ mức đỉnh đạt được sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến giá dầu, khí đốt tự nhiên, ngũ cốc và kim loại công nghiệp tăng vọt.

Trong năm 2022 và 2023, triển vọng ảm đạm của kinh tế Mỹ bao gồm rủi ro suy thoái kinh tế, lãi suất cao và kinh tế Trung Quốc chật vật phục hồi ở thời kỳ hậu Covid-19, tất cả đều ảnh hưởng đến hợp đồng tương lai của hàng hóa nguyên liệu thô.

Nhưng, suy thoái đã không diễn ra và nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ ngay cả khi lạm phát đã hạ nhiệt. Thị trường lao động của Mỹ thường xuyên tăng trưởng vượt dự báo. Tuần trước, Ngân hàng Dự trữ liên bang khu vực Atlanta của Mỹ, nâng ước tính tăng trưởng của Mỹ đã điều chỉnh theo lạm phát trong quí đầu tiên thêm nửa điểm phần trăm, lên 2,8%.

Giờ đây, giao dịch sôi động trên thị trường dầu mỏ cho thấy nhu cầu dầu toàn cầu ngày càng tăng, có nguy cơ làm tăng chi phí của các mặt hàng quan trọng khác.

Triển vọng kinh tế tươi sáng hơn khiến các nhà phân tích của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nâng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay. Nhu cầu mạnh mẽ về xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay cũng thúc đẩy giá cổ phiếu của các công ty lọc dầu ở Mỹ, bao gồm Valero Energy, Marathon Petroleum và Phillips 66, đạt mức cao kỷ lục.

Giá đồng tăng, tín hiệu tốt cho sức khỏe của kinh tế toàn cầu

Các động lực tương tự đã khiến giá đồng tăng vọt. Nhu cầu đồng được xem là một phong vũ biểu về sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu. Kim loại này được sử dụng phổ biến trong các hoạt động kinh tế quan trọng bao gồm xây dựng và sản xuất hàng điện tử. Hợp đồng tương lai của đồng tăng hơn 16% trong hai tháng qua lên 4,28 đô la Mỹ/ pound (0,453 kg), mức cao nhất kể từ tháng 6-2022. Goldman Sachs báo cáo rằng nhu cầu từ Trung Quốc, chiếm hơn một nửa tổng nhu cầu của thế giới, đang tăng cao hơn 12% so với năm ngoái.

Theo một số nhà phân tích, giao dịch của các nhà đầu cơ cũng tiếp sức thêm cho đà phục hồi của hàng hóa nguyên liệu thô. Theo TD Securities, các vị thế đặt cược đồng tăng giá trên Sàn giao dịch kim loại London tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2021.

Bob Elliott, CEO của Unlimited, công ty sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi hoạt động giao dịch trong thời gian thực, cho biết đợt tăng giá gần đây của dầu được khuếch đại bởi lực mua từ các quỹ phòng hộ vĩ mô đang chạy đua đóng các vị thế bán khống dầu.

Dana Grigg, Chủ tịch Công ty quản lý tài sản Camelotta Advisors, cho biết, đầu năm nay, ông đặt một phần tiền của khách hàng vào dầu và vàng như một biện pháp phòng ngừa lạm phát cũng như đặt cược vào triển vọng tăng trưởng kinh tế. Các khoản đầu tư đó đã có lợi nhuận nhưng ông vẫn chưa bán.

“Chúng tôi muốn đón làn sóng tăng giá và không muốn ‘xuống tàu’ quá sớm”, ông nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...