A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung Quốc tiếp tục hứng chịu thời tiết cực đoan

Trung Quốc đã trải qua 13 đợt thời tiết đối lưu khắc nghiệt, hay còn gọi là bão mạnh hoặc bão cực mạnh.

Trung Quốc tiếp tục hứng chịu thời tiết cực đoan

Lốc xoáy ở Quảng Châu, Quảng Đông, Trung Quốc ngày 27.4.2024. Ảnh: Xinhua

Cơ quan dự báo thời tiết tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc cho biết, thời tiết đối lưu ở tỉnh này tiếp tục diễn biến phức tạp trong những ngày tới sau khi một cơn lốc xoáy mạnh hôm 27.4 tấn công một huyện ở thủ phủ Quảng Châu khiến 5 người chết và 33 người bị thương. Các nhà khí tượng học cho rằng thời tiết đối lưu là do tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Xiaoli, một người dân sống ở quận Haizhu, Quảng Châu, nói với Hoàn cầu Thời báo: “Trong những ngày gần đây, khi có mưa lớn, bầu trời luôn đột nhiên tối sầm, giống như ban đêm giữa ban ngày. Thật đáng sợ”.

Ngày 29.4, Đài quan sát khí tượng Quảng Châu dự đoán trong những ngày tới, Quảng Châu sẽ thường xuyên hứng chịu thời tiết đối lưu khắc nghiệt, bao gồm mưa đá và lốc xoáy, mưa như trút nước, giông bão mạnh và gió giật.

Hiện tại, thành phố Mai Châu và khu vực phía đông Quảng Đông vẫn đang hứng chịu lượng mưa lớn. Cảnh báo bão màu cam vẫn có hiệu lực đối với 14 thành phố và huyện, bao gồm Shanwei, Shantou và Jieyang.

Lượng mưa lớn ở tỉnh Quảng Đông đã gây chú ý trên toàn quốc sau khi một cơn lốc xoáy mạnh hôm 27.4 tấn công một huyện ở Quảng Châu. Khoảng 15h ngày 27.4, cơn lốc xoáy tấn công huyện Baiyun, ảnh hưởng đến một khu vực rộng khoảng 1km và ảnh hưởng đến 4 ngôi làng.

Các clip ghi lại được khoảnh khắc lốc xoáy đánh trúng đường dây điện khiến đường dây tóe lửa.

5 người thiệt mạng và 33 người bị thương khi cơn lốc xoáy mạnh tấn công Quảng Châu, thủ phủ Quảng Đông, Trung Quốc hôm 27.4. Gió giật trong lốc xoáy lên đến 20,6 m/s (74 km/h). Đánh giá ban đầu cho thấy lốc xoáy mạnh cấp độ và di chuyển gần 1km. Nguồn: Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Đông/The Star

Trong những bức ảnh chụp từ trên không được Tân Hoa Xã đăng tải, có thể thấy thiệt hại nghiêm trọng ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nơi các tòa nhà xen lẫn giữa đống đổ nát.

Trận lốc xoáy hôm 27.4 cũng làm mất điện trong khu vực. Theo nhà chức trách, cơn lốc xoáy xảy ra vào buổi chiều kèm theo mưa đá, đã làm hư hại 141 nhà xưởng.

Nhiều nơi ở Quảng Châu có mưa đá, theo ảnh được cư dân mạng đăng tải, mưa đá lớn nhất bằng quả trứng.

Hậu quả sau trận lốc xoáy ở làng Guangming, thị trấn Zhongluotan, huyện Baiyun, Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, ngày 28.4.2024. Ảnh: Xinhua

Hậu quả sau trận lốc xoáy ở làng Guangming, thị trấn Zhongluotan, huyện Baiyun, Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, ngày 28.4.2024. Ảnh: Xinhua

Quảng Đông, tỉnh đông dân nhất Trung Quốc, là nơi sinh sống của 127 triệu người và hàng nghìn nhà máy cung cấp năng lượng cho ngành xuất khẩu của cả nước.

Đầu tuần trước, mưa xối xả ở Quảng Đông đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng, khiến 4 người thiệt mạng. Đây được cho là trận lũ lụt tồi tệ nhất mà một số khu vực trong tỉnh từng chứng kiến kể từ những năm 1950.

Kể từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã trải qua 13 đợt thời tiết đối lưu khắc nghiệt, hay còn gọi là bão mạnh hoặc bão cực mạnh ở phương Tây. Sun Shao, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Khí tượng Trung Quốc, cho biết tần suất và cường độ ngày càng tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể là do nhiệt độ toàn cầu tăng lên.

Hậu quả sau trận lốc xoáy ở làng Guangming, thị trấn Zhongluotan, huyện Baiyun, Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, ngày 28.4.2024. Ảnh: Xinhua

Hậu quả sau trận lốc xoáy ở làng Guangming, thị trấn Zhongluotan, huyện Baiyun, Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, ngày 28.4.2024. Ảnh: Xinhua

Các quan sát lịch sử cho thấy nhiệt độ nước biển cứ tăng lên 1 độ C thì tần suất xảy ra các hiện tượng đối lưu nghiêm trọng sẽ tăng thêm 20%. Một mô hình do Sun tạo ra chỉ ra rằng khi nhiệt độ tiếp tục tăng trong tương lai, tần suất các hiện tượng đối lưu nghiêm trọng sẽ tiếp tục tăng.

Những thay đổi trong hệ thống khí hậu của Trái đất tác động đến hàm lượng hơi nước trong khí quyển. Khí hậu ấm lên làm tăng sự bốc hơi trên bề mặt và đại dương, làm tăng lượng hơi nước và tạo điều kiện cho thời tiết đối lưu khắc nghiệt.

Theo Sun, biến đổi khí hậu cũng có thể làm thay đổi hoàn lưu khí quyển, có khả năng thúc đẩy sự hình thành của bão và lốc xoáy.

Cục Khí tượng khuyến cáo cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống mưa lớn và các thiên tai thứ cấp như lũ quét, lở đất, lở đất, sập đổ, lũ lụt đô thị, nông thôn và lũ sông vừa và nhỏ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết