NASA tung tàu vũ trụ săn sự sống đến "hành tinh băng" y hệt Trái Đất
Điểm đến của tàu vũ trụ Europa Clipper sẽ là mặt trăng băng giá Europa của Sao Mộc, tuy là mặt trăng nhưng lại lớn hơn cả "hành tinh thứ 9" trước đây của hệ Mặt Trời và có rất nhiều điểm tương đồng với Trái Đất.
Theo NASA, các thiết bị khoa học và các bộ phận chính của tàu vũ trụ đang được kết hợp với nhau trong công đoạn cuối cùng để chuẩn bị lên đường vào năm 2024.
Khi được lắp ráp hoàn chỉnh, Europa Clipper sẽ to cỡ một chiếc SUV nhưng được gắn nhiều mảng gương năng lượng mặt trời đủ để xếp dài hết một sân bóng rổ. Mọi chi tiết của tàu vũ trụ đều được chế tác thủ công.
Tàu vũ trụ săn sự sống Europa Clipper - Ảnh: JPL/NASA
Theo tiến sĩ Jan Chodas từ JPL, người đứng đầu dự án, tàu vũ trụ này sẽ bay quanh sao Mộc ở cự ly gần để thu thập dữ liệu về bầu khí quyển, bề mặt và "nội thất" của thiên thể bí ẩn, điều tra độ sâu và độ mặn của đại dương ngầm dưới vỏ băng đến những chùm tia đưa nước từ đại dương ngầm lên bề mặt băng giá.
Europa được NASA mệnh danh là "mặt trăng sự sống", "bản sao của Trái Đất" do sở hữu nhiều đặc điểm tương đồng: đại dương, vật liệu hữu cơ, hệ thống thủy nhiệt... rất phù hợp để nuôi dưỡng sự sống. Tuy mang "thân phận" là mặt trăng của Sao Mộc nhưng nó lớn hơn cả Sao Diêm Vương - "hành tinh thứ 9" bị giáng cấp của hệ Mặt Trời và đang được NASA đấu tranh để khôi phục trạng thái hành tinh.
Kết cấu của Europa bao gồm lõi kim loại rắn, một lớp phủ dày, đại dương ngầm được sưởi ấm bởi núi lửa và hệ thống thủy nhiệt, cùng một lớp vỏ băng giá bao bọc bên ngoài, giống với nhiều hành tinh khác từng được nghiên cứu.