A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xung đột Nga - Ukraine: Sức ép tăng về giải pháp ngoại giao

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố tiếp tục duy trì đối thoại với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để ngăn xung đột thêm lan rộn

Nỗ lực ngoại giao nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn được xúc tiến ngay cả khi chiến sự tiếp diễn. Sau cuộc gặp đầu tiên hôm 28-2, hai nước này nhất trí tiếp tục vòng đàm phán tiếp theo. Hãng tin Belta (Belarus) dẫn lời một nhà thương thảo Nga cho biết cuộc gặp mới nhất diễn ra trong ngày 3-3.

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 2-3 tuyên bố tiếp tục duy trì đối thoại với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để ngăn xung đột thêm lan rộng. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington vẫn để ngỏ cánh cửa ngoại giao với Moscow nhằm chấm dứt chiến sự nhưng trước hết Nga phải rút quân khỏi Ukraine.

Theo đài CNN, ông Blinken nói thêm Mỹ sẽ giúp Ukraine về mặt ngoại giao nếu Kiev tin rằng vẫn có khả năng có giải pháp chấm dứt xung đột.

Sức ép lên Nga về việc ngưng chiến dịch quân sự đặc biệt và rút quân lập tức khỏi Ukraine còn đến từ cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 2-3. Cụ thể, nghị quyết có nội dung như thế đã nhận được 141 phiếu thuận, 35 phiếu trắng và 5 phiếu chống.

Xung đột Nga - Ukraine: Sức ép tăng về giải pháp ngoại giao - Ảnh 1.

Một tòa nhà bị hư hại tại TP Kharkiv - Ukraine ngày 2-3Ảnh: Reuters

Nghị quyết này dù không mang tính ràng buộc thực thi nhưng chứa sức nặng chính trị trong lời kêu gọi tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng. Là một trong những nước bỏ phiếu trắng, Trung Quốc kêu gọi không nên có hành động làm leo thang tình hình ở Ukraine.

Ông Zhang Jun, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, cảnh báo "việc mù quáng gây sức ép, áp đặt trừng phạt, gây chia rẽ và đối đầu sẽ chỉ khiến tình hình thêm phức tạp" và khiến cuộc khủng hoảng ảnh hưởng ngày càng nhiều nước.

Một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Nga - Ukraine càng thêm cần thiết trong bối cảnh chiến sự đang đe dọa đến sự hồi phục của nền kinh tế thế giới sau khi bị trúng đòn từ đại dịch Covid-19.

Trong diễn biến đáng chú ý, giá dầu Brent giao sau có lúc đạt 119,84 USD/thùng ngày 3-3, mức cao nhất kể từ tháng 5-2012. Theo Reuters, giá dầu tăng sau khi Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt mới nhất nhằm vào lĩnh vực lọc dầu của Nga, làm dấy lên nỗi lo hoạt động dầu khí của Moscow sẽ là mục tiêu tiếp theo.

Một số chuyên gia dự báo về mức giá 125 USD/thùng trong ngắn hạn, nhất là khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, trong đó có Nga, bác bỏ lời kêu gọi tăng thêm sản lượng khai thác để hạ nhiệt giá dầu. Nga hiện là nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới và là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới - theo Cơ quan Năng lượng quốc tế.

Xung đột Nga - Ukraine còn khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu thêm hỗn loạn, đồng thời đẩy nhiều công ty vào thế khó do chi phí tăng, thời gian giao hàng kéo dài… Đáng chú ý, giao thông đường biển và đường hàng không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt qua lại giữa Nga và nhiều nước châu Âu, làm tăng phí vận chuyển hàng hóa từ châu Âu đến châu Á.

Đoàn xe quân sự Nga tiếp tục chôn bánh gần Kiev

 Ngoài ra, theo tờ The New York Times, chiến sự cũng đe dọa đến nguồn cung toàn cầu của những sản phẩm như nhôm, thép, dầu hướng dương… trong lúc khiến không ít nhà máy tại châu Âu, Ukraine và Nga ngưng hoạt động.

Một số chuyên gia cảnh báo trong bối cảnh các chuỗi cung ứng toàn cầu đã chịu thiệt hại từ dịch bệnh, tác động của cuộc khủng hoảng sẽ ngày một lớn và ảnh hưởng cả thế giới. Trong trường hợp xung đột kéo dài, nó có thể ảnh hưởng đến việc thu hoạch lúa mì tại Nga và Ukraine, từ đó đe dọa làm tăng giá lương thực vốn đang ở mức cao do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Giao tranh trên nhiều mặt trận

Trong bối cảnh giao tranh tiếp diễn trên nhiều mặt trận khắp Ukraine, Bộ Quốc phòng Anh ngày 3-3 cho biết thành phố cảng Mariupol đã bị lực lượng Nga bao vây. Trong khi đó, số phận của Kherson, một thành phố cảng chiến lược quan trọng khác, vẫn chưa rõ ràng. Lực lượng Nga tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn Kherson, được xem là thành phố lớn nhất bị thất thủ cho đến giờ tại Ukraine. Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ bác bỏ thông tin trên.

Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với hãng tin AP rằng họ không thể bình luận về tình hình ở Kherson trong khi giao tranh vẫn đang diễn ra. Riêng tuyên bố của quân đội Ukraine chỉ nói các lực lượng Nga "không đạt được mục tiêu chính là chiếm Mariupol" nhưng không đề cập Kherson.

Cũng trong ngày 3-3, lực lượng Nga tiếp tục bắn phá TP Kharkiv, thành phố lớn thứ 2 của Ukraine. Dù vậy, giới chức quốc phòng Mỹ cho biết đoàn xe quân sự gồm hàng trăm xe tăng và các phương tiện khác của Nga hiện vẫn cách thủ đô Kiev khoảng 25 km và dường như không di chuyển thêm trong vài ngày qua.

Trước đó một ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết 498 binh sĩ thiệt mạng và gần 1.600 binh sĩ bị thương khi tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Theo đài RT (Nga), đây là lần đầu tiên Moscow công bố con số thương vong của chiến dịch và nó thấp hơn nhiều so với thông tin được Ukraine đưa ra (hơn 5.800 binh sĩ Nga thiệt mạng cho đến giờ). Theo ước tính của quân đội Nga, phía Ukraine có ít nhất 2.870 binh sĩ thiệt mạng và 3.700 quân nhân bị thương.

Huệ Bình


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...