Mỹ - Trung muốn duy trì quan hệ ổn định
Mạng xã hội TikTok đối mặt sức ép gia tăng tại Mỹ trước khi Ngoại trưởng Antony Blinken đến Trung Quốc
Theo Reuters, ông Blinken gặp các lãnh đạo doanh nghiệp tại TP Thượng Hải trước khi tới thủ đô Bắc Kinh để hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị ngày 26-4. Trong chuyến thăm này, hai bên dự kiến thảo luận về nhiều vấn đề, từ thương mại toàn cầu cho đến liên lạc quân sự.
Tân Hoa Xã dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 23-4 cho rằng các mối quan hệ đã cho thấy xu hướng "ngừng suy giảm" và "đang ổn định" kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden hội đàm ở TP San Francisco - Mỹ vào tháng 11 năm ngoái.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gần đây cho biết chuyến thăm Trung Quốc vào đầu tháng này của bà đã đặt mối quan hệ song phương trên "một nền tảng ổn định hơn".
Nhận định về cuộc tiếp xúc cấp cao mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Alfred Wu, chuyên gia tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), cho rằng hai bên khó có thể đạt được tiến triển đáng kể nhưng đều muốn các kênh liên lạc tiếp tục mở để tránh kịch bản khó xử.
Trước thềm chuyến thăm của ông Blinken, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay Washington chuẩn bị có các bước đi nhằm vào những công ty Trung Quốc bị xem là gây tổn hại đến an ninh của Mỹ và châu Âu.
Số phận của mạng xã hội TikTok tại Mỹ cũng là vấn đề gây tranh cãi khác. Hôm 23-4, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật yêu cầu công ty mẹ ByteDance (Trung Quốc) thoái vốn trong vòng 1 năm, nếu không TikTok sẽ bị xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng tại Mỹ. Trước đó 3 ngày, dự luật này đã qua được ải Hạ viện Mỹ.
Phản ứng trước bước đi trên, TikTok tuyên bố sẽ kiện chính phủ Mỹ nếu dự luật được Tổng thống Biden ký ban hành thành luật. Trong trường hợp tòa án đưa ra lệnh hoãn tạm thời thực thi biện pháp nói trên, vụ kiện có thể kéo dài nhiều năm.
Trong khi đó, bất đồng thương mại giữa hai nước có nguy cơ leo thang hơn nữa sau khi Tổng thống Biden vào tuần rồi cho biết đã yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai xem xét tăng gấp 3 mức thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc, hiện ở mức 7,5%. Dự kiến Trung Quốc sẽ đáp trả mạnh mẽ bất kỳ khoản thuế bổ sung nào.
Theo tờ South China Morning Post, Mỹ cũng tăng cường chỉ trích những khoản trợ cấp của Trung Quốc dành cho doanh nghiệp trong nước và chuẩn bị biện pháp đáp trả.
Tuy nhiên, nền kinh tế số 1 thế giới cũng triển khai một trong những chương trình trợ cấp lớn nhất từ trước đến nay. Cụ thể, Đạo luật Khoa học và CHIPS sẽ trợ cấp khoảng 50 tỉ USD để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước. Trong khi đó, Đạo luật Giảm lạm phát cung cấp 370 tỉ USD để hỗ trợ ngành năng lượng xanh nội địa.
Đáp lại, Trung Quốc đã đệ đơn lên Tổ chức Thương mại thế giới, kiện các khoản trợ cấp "phân biệt đối xử" của Mỹ đối với phương tiện sử dụng năng lượng mới trong Đạo luật Giảm lạm phát.
Bắc Kinh cũng phản đối mạnh các khoản trợ cấp trong Đạo luật Khoa học và CHIPS. Không dừng lại đó, hồi tuần trước, Trung Quốc đã công bố mức thuế chống bán phá giá 43,5% đối với một loại hóa chất quan trọng nhập khẩu từ Mỹ.
Quan hệ thương mại trúng đòn
Giá trị hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc đạt mức 144,9 tỉ USD vào năm 2023, giảm 4,3% so với năm trước đó. Đó là thông tin được đưa ra trong báo cáo được Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc (USCBC) công bố hôm 23-4.
Cũng theo báo cáo này, sự suy giảm trong hoạt động xuất khẩu nông sản và bán dẫn đã góp phần dẫn đến kết quả nói trên. Quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc năm ngoái bị tác động bởi tình hình kinh tế Trung Quốc và những thách thức trong quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này, bên cạnh những rào cản lâu nay, như thuế quan.
Theo tờ South China Morning Post, USCBC là tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho hơn 270 công ty Mỹ. Ông Craig Allen, Chủ tịch USCBC, nhấn mạnh những thay đổi trong chính sách thương mại Mỹ - Trung cần được xem xét rất cẩn thận. "Thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đóng góp vào sự ổn định địa chính trị và phải được tính đến trong các quyết định chính sách liên quan đến tương lai của mối quan hệ song phương này" - ông nói thêm.
Theo báo cáo, giá trị xuất khẩu chất bán dẫn của Mỹ sang Trung Quốc trong năm ngoái là 6,8 tỉ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2016. Báo cáo nhận định một phần lý do dẫn đến sự sụt giảm này là Mỹ mở rộng kiểm soát xuất khẩu đối với các loại bán dẫn tiên tiến và thiết bị sản xuất chip. Ngoài ra, thương mại nông nghiệp giữa hai nước có thể gặp thêm thách thức trong trường hợp xuất khẩu của Mỹ bị nhắm đến trong một cuộc tranh cãi thuế quan thời gian tới.
Hoàng Phương