Các thành viên WHO đạt được thỏa thuận ứng phó đại dịch toàn cầu
Ngày 19/5, tại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA78) ở Geneva, 124 quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bỏ phiếu ủng hộ một thỏa thuận toàn cầu nhằm chuẩn bị và ứng phó với các đại dịch trong tương lai.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau khi Slovakia yêu cầu tổ chức biểu quyết để thách thức việc thông qua thỏa thuận. Không có quốc gia nào phản đối, nhưng 11 nước, bao gồm Ba Lan, Israel, Ý, Nga, Slovakia và Iran, đã bỏ phiếu trắng.
Dù vậy, với 124 phiếu thuận, thỏa thuận đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Dự kiến, hiệp định sẽ được chính thức thông qua vào ngày 20/5 trong phiên họp toàn thể của WHA78.
Thỏa thuận sẽ chưa có hiệu lực ngay lập tức. Một phụ lục về chia sẻ dữ liệu mầm bệnh (Pathogen Access and Benefit-Sharing System - PABS) cần được đàm phán thêm, có thể kéo dài đến hai năm. Sau đó, các quốc gia thành viên phải phê chuẩn thỏa thuận để nó chính thức có hiệu lực.
Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus chia sẻ hình ảnh chụp selfie cùng với đại diện các nước. Ảnh: X/DrTedros
Thỏa thuận tập trung giải quyết các bất bình đẳng trong phát triển và phân phối thuốc, vắc-xin và các công cụ y tế, rút kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19 (2020–2022) khiến gần 7 triệu người thiệt mạng. Hệ thống PABS sẽ thúc đẩy chia sẻ dữ liệu mầm bệnh nhanh hơn giữa các công ty dược phẩm, giúp phát triển thuốc và vắc-xin kịp thời.
Ngoài ra, thỏa thuận yêu cầu các quốc gia giàu có chia sẻ thông tin và công nghệ y tế với các nước đang phát triển, đảm bảo tiếp cận công bằng hơn trong các cuộc khủng hoảng y tế.
Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, ca ngợi thỏa thuận là bước tiến lớn giúp “các quốc gia và cộng đồng toàn cầu trở nên công bằng, khỏe mạnh và an toàn hơn trước các mối đe dọa từ mầm bệnh và virus có nguy cơ gây đại dịch”. Ông nhấn mạnh rằng thỏa thuận thể hiện tinh thần hợp tác quốc tế trong bối cảnh các tổ chức đa phương như WHO đang đối mặt với nhiều thách thức.
Thỏa thuận là kết quả của hơn ba năm đàm phán căng thẳng, được khởi động từ tháng 12/2021 khi WHO thành lập Cơ quan Đàm phán Liên chính phủ (INB). Nhiều nhà ngoại giao và chuyên gia coi đây là chiến thắng của hợp tác toàn cầu, đặc biệt khi WHO chịu áp lực từ việc Mỹ - nhà tài trợ lớn nhất - cắt giảm tài trợ và tuyên bố sẽ rút lui khỏi tổ chức này.