A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khẳng định vai trò tiên phong trong phát triển công nghệ chiến lược

Là một trong những cơ quan tư vấn hàng đầu của Nhà nước về hoạch định chính sách, chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội, những năm qua, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã có nhiều thành tựu được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Phát huy tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám thử, dám tiên phong" trong mọi hoạt động, Viện Hàn lâm tiếp tục phấn đấu đi đầu trong nghiên cứu cơ bản và làm chủ các công nghệ chiến lược, vượt qua mọi rào cản để tạo những bước đột phá quan trọng.

*Hướng tới thành trung tâm khoa học hàng đầu khu vực

Để hiện thực hóa chiến lược phát triển Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trở thành trung tâm khoa học hàng đầu khu vực, với một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến châu Á và quốc tế, đồng thời gắn với thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong 50 năm qua, Viện Hàn lâm đã chủ động, tích cực, thực hiện tốt các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ và sự phát triển chung của đất nước.

Theo đó, các định hướng nghiên cứu phát triển, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã được lãnh đạo Viện Hàn lâm và các đơn vị nghiên cứu trực thuộc đề xuất, thảo luận tại buổi làm việc về các lĩnh vực như: Công nghệ vũ trụ, hydro "xanh", hạt nhân nguyên tử, sinh học, bán dẫn, đường sắt tốc độ cao, công nghệ sinh học, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa, khoa học trái đất, khoa học biển, khoa học vật liệu, môi trường, công nghệ lưu trữ năng lượng (pin)…

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong bối cảnh khoa học, công nghệ đang phát triển rất nhanh, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống, Viện Hàn lâm đã chủ động bám sát xu thế phát triển khoa học, công nghệ của thế giới, xác định rõ các định hướng và trọng tâm nghiên cứu, các lĩnh vực có tính đột phá phù hợp với nhu cầu phát triển và điều kiện đặc thù của Việt Nam trong từng giai đoạn cụ thể.

Có thể kể tới một số trong nhiều thành tựu Viện Hàn lâm đã đạt được, đó là Viện luôn là đơn vị dẫn đầu về nghiên cứu cơ bản, tỷ lệ công trình công bố quốc tế là tương đương 2 bài quốc tế trên một Tiến sỹ tiệm cận được trình độ của các Viện nghiên cứu trình độ quốc tế. Viện Hàn lâm cũng được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao chủ trì nhiều chương trình nghiên cứu khoa học lớn, tầm quốc gia: Chương trình Tây Nguyên qua nhiều giai đoạn, Atlas quốc gia (Tập bản đồ quốc gia trong đó cung cấp rất nhiều các thông tin về điều kiện tự nhiên).

Nghiên cứu khoa học và công nghệ biển là một thế mạnh đa ngành, xuyên suốt từ khi thành lập đến nay, Viện Hàn lâm và các nhà khoa học của Viện được giao chủ trì nhiều chương trình biển quốc gia qua nhiều thời kỳ. Viện Hàn lâm cũng đi đầu trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ mũi nhọn như công nghệ vũ trụ: Từ chương trình Interkosmos (Chương trình vũ trụ do Nga khởi xướng) trong những năm 80 của thập kỷ trước, đến nay Trung tâm Vũ trụ Việt Nam của Viện Hàn lâm đã từng bước làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh nhỏ như NanoDragon, PicoDragon,…

Công tác nghiên cứu ứng dụng và triển khai công nghệ cũng được Viện Hàn lâm chú trọng. Trong nhiều năm, Viện Hàn lâm luôn là đơn vị dẫn đầu về các bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp, nhiều kết quả đã chuyển giao và ứng dụng vào thực tiễn. Trong 2 năm 2021 và 2022, Viện Hàn lâm được Tổ chức Clarrivate (Tổ chức chuyên thống kê về Khoa học công nghệ) vinh danh về đổi mới sáng tạo trong nhóm các Tổ chức thuộc Chính phủ. Viện Hàn lâm luôn dẫn đầu về tư duy đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, điển hình như Netnam là một trong những mạng Internet đầu tiên của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp có uy tín cũng xuất phát từ các nhà khoa học từ Viện Hàn lâm như: Doji, FPT,CMC....

Nguồn nhân lực khoa học trình độ cao cũng là yếu tố then chốt quyết định thành công trong việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, Đảng ủy và lãnh đạo Viện đã triển khai, thực hiện rất nhiều chính sách đãi ngộ, đề xuất nhiều cơ chế đột phá như tuyển dụng, bổ nhiệm đặc cách, kéo dài thời gian công tác đối với cán bộ giỏi và ưu tiên đào tạo cán bộ trẻ ở nước ngoài. Viện xác định, đào tạo nhân lực không chỉ phục vụ nhu cầu của Viện, mà còn là nhiệm vụ quan trọng góp phần xây dựng lực lượng khoa học chất lượng cao cho đất nước.

Giáo sư, Tiến sỹ Trần Tuấn Anh cho biết, hiện Viện đang xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về tăng cường năng lực Viện ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Tập thể lãnh đạo Viện chú trọng các nhóm nhiệm vụ về đổi mới, hoàn thiện cơ chế; nhóm nhiệm vụ phát huy, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ và phát triển các định hướng nghiên cứu khoa học.

Để phát triển đào tạo nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, Viện Hàn lâm đã xây dựng 3 cơ sở đào tạo: Trường Đại học USTH, Học viện Khoa học công nghệ, Viện Toán học nhằm tập trung đào tạo các cán bộ khoa học có trình độ cao.

Về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, Viện Hàn lâm tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, coi đây là cơ hội sàng lọc, sắp xếp lại một cách hợp lý, hiệu quả đội ngũ cán bộ theo yêu cầu của thực tiễn, lựa chọn được những nhà khoa học, trưởng nhóm nghiên cứu xuất sắc để định hướng, dẫn dắt các nhiệm vụ khoa học, công nghệ quan trọng, có giá trị thời đại, phù hợp với xu thế phát triển khoa học, công nghệ của khu vực và thế giới. Viện đã sớm hoàn thành việc sắp xếp từ 38 đầu mối xuống còn 24 đầu mối, giảm 35,6%. Các đơn vị sau sắp xếp đã sớm hoạt động ổn định.

*Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Để triển khai mạnh mẽ chương trình hành động và kế hoạch thực thi Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, theo Giáo sư, Tiến sỹ Trần Tuấn Anh, Viện Hàn lâm sẽ thực hiện chuyển đổi số toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý và nghiên cứu khoa học, công nghệ, góp phần xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Ngoài ra, Viện Hàn lâm cũng đẩy mạnh hoạt động đào tạo và thu hút các nhà khoa học trẻ, nhân lực có trình độ cao, để xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, đặc biệt là các hướng nghiên cứu trọng tâm, mũi nhọn như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Đồng thời, Viện Hàn lâm sẽ tiếp tục đề xuất, xây dựng các chính sách linh hoạt, phù hợp, tạo môi trường làm việc tốt nhằm thu hút, giữ chân các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các nhà khoa học là người Việt đang làm việc ở nước ngoài để tạo đòn bẩy cho hoạt động nghiên cứu; lưu ý thu hút, kết nối với các nhà khoa học thuộc Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, sử dụng hiệu quả "chất xám" của các chuyên gia, nhà khoa học người Việt vào công cuộc phát triển đất nước.

Về thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, Viện Hàn lâm sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu, thương mại hóa các sản phẩm khoa học, công nghệ; phát triển các khu thử nghiệm công nghệ và kết nối có hiệu quả với các trung tâm chuyển giao công nghệ trên cả nước; đặt các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, phấn đấu có ít nhất 10 sản phẩm từ nghiên cứu ra được thị trường mỗi năm trong vòng 5 năm tới.

Viện Hàn lâm cũng chủ động rà soát, đề xuất kinh phí từ nguồn vốn đầu tư công để đầu tư mới, nâng cấp, hiện đại hóa các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế và đầu tư trang thiết bị cho hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất thử; cân nhắc việc nâng cấp, xây mới trụ sở và các hạ tầng phục vụ nghiên cứu khoa học để tương xứng với vị thế của Viện Hàn lâm, có thể phân kỳ theo giai đoạn để thực hiện.

Về hợp tác quốc tế, Viện Hàn lâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế, các trường đại học, cơ sở nghiên cứu lớn trên thế giới; tranh thủ tối đa các nguồn lực, tri thức, công nghệ tiên tiến từ các đối tác quốc tế.

“Hiện Viện đang điều chỉnh các kế hoạch thực hiện để phù hợp với quy mô mới, tập trung nguồn lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Viện Hàn lâm, góp phần phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước”, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Tuấn Anh nhấn mạnh./.

Diệu Thúy


Tác giả: Trần Diệu Thúy
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...