May Thanh Trì điều chỉnh phương án dùng vốn: Hoãn nâng cấp nhà xưởng, ưu tiên trả lương và thuê mặt bằng
Từng lên kế hoạch cải tạo nhà xưởng bằng nguồn vốn phát hành riêng lẻ, May Thanh Trì (TTG) bất ngờ chuyển hướng sử dụng tiền sang chi phí thuê mặt bằng và trả lương do khó khăn tài chính và yêu cầu vận hành ổn định.
Cơ cấu lại kế hoạch dùng vốn, dồn lực cho vận hành
Công ty Cổ phần May Thanh Trì (mã chứng khoán: TTG – UPCoM) vừa thông báo điều chỉnh phương án sử dụng vốn từ đợt phát hành riêng lẻ năm 2024. Theo đó, khoản 14 tỷ đồng huy động được từ việc chào bán 1,4 triệu cổ phiếu sẽ không được dùng để cải tạo nhà xưởng như kế hoạch ban đầu, mà chuyển sang phục vụ vận hành – gồm chi trả lương và thuê mặt bằng.
Không còn tiền cải tạo nhà xưởng, May Thanh Trì dồn vốn lo lương và mặt bằng
Đợt chào bán được thực hiện vào cuối tháng 8/2024, với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Sau phát hành, vốn điều lệ của doanh nghiệp tăng từ 20 tỷ đồng lên 34 tỷ đồng. Kế hoạch phân bổ ban đầu bao gồm: thanh toán nợ bảo hiểm xã hội (3,4 tỷ đồng), lương quý III/2024 (4,3 tỷ đồng), cải tạo nhà xưởng (4 tỷ đồng), và tiền thuê mặt bằng trong 12 tháng (2,3 tỷ đồng).
Tuy nhiên, tính đến ngày 13/2/2025, công ty mới thực hiện hai khoản đầu tiên. Do vướng mắc về đàm phán với nhà cung cấp và áp lực dòng tiền cuối năm, TTG buộc phải hoãn cải tạo nhà xưởng và điều chỉnh phần còn lại sang chi lương quý III/2025 (4 tỷ đồng) và tiền thuê mặt bằng từ tháng 9/2024 đến 9/2025 (2,3 tỷ đồng), dự kiến giải ngân trong quý III/2025.
Trước đó, vào tháng 8/2024, TTG bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hành chính 115 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn và thiếu đầy đủ. Đây là một trong những yếu tố gây nghi ngại về tính minh bạch trong công bố thông tin và làm suy yếu lòng tin của nhà đầu tư trong thời gian gần đây.
Cắt giảm sở hữu công ty con, thu hẹp nhân sự
Cuối năm 2024, TTG đã giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty con là CTCP May Thanh Trì TTG từ 60% xuống 49%, do không thu xếp đủ vốn góp như cam kết ban đầu (5,94 tỷ đồng). Đây là động thái được đưa ra trong bối cảnh công ty cần giữ nguồn lực để chi thưởng Tết và duy trì hoạt động vận hành. Trước đó, TTG cũng đã rút vốn khỏi CTCP May Thanh Trì Phú Thọ vì không còn phù hợp định hướng.
Về kế hoạch kinh doanh, TTG đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt 60 tỷ đồng và lãi sau thuế 12 tỷ đồng – cao gấp 5,5 lần so với kết quả năm 2024. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa có kế hoạch chia cổ tức; lần gần nhất cổ đông nhận cổ tức là năm 2018.
Đến cuối năm 2024, TTG đã tất toán toàn bộ khoản vay tài chính (đầu năm còn 1,3 tỷ đồng). Tổng nợ phải trả chưa đến 3 tỷ đồng, chủ yếu là khoản phải trả người lao động (1,2 tỷ đồng), nghĩa vụ thuế và chi phí ngắn hạn khác.
Dù không còn nợ tài chính, TTG vẫn phải đối mặt với áp lực duy trì lực lượng lao động và hiệu suất hoạt động trong bối cảnh ngành dệt may Việt Nam đang chịu sức ép từ cạnh tranh quốc tế và đơn hàng suy giảm.
Đáng chú ý, số lao động của công ty giảm mạnh từ hơn 1.100 người thời điểm cổ phần hóa năm 2008 xuống chỉ còn 147 người tính đến cuối năm 2024.
Trên sàn UPCoM, cổ phiếu TTG đang giao dịch quanh mốc 10.900 đồng/cổ phiếu – giảm 30% từ đầu tháng 4/2025 và mất gần 60% so với đỉnh 27.000 đồng cuối tháng 11/2024. Trong một năm qua, mã này giảm gần 29% giá trị, thanh khoản bình quân chỉ khoảng 3.800 cổ phiếu/ngày.
May Thanh Trì, tiền thân là Xí nghiệp May xuất khẩu Thanh Trì (thành lập năm 1992), cổ phần hóa từ năm 2008, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh hàng may mặc, dệt, thêu ren.