A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Imexpharm kỳ vọng tăng trưởng cao trong năm 2024

Năm 2023 chứng kiến nhiều biến động của nền kinh tế, nhiều ngành có mức tăng trưởng âm nhưng ngành dược vẫn có sự tăng trưởng nhờ sự bứt phá của các công ty dược dẫn đầu.

Ngược dòng để tăng trưởng

Trong năm 2023, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dược phẩm phải đối mặt với nhiều khó khăn như cầu tiêu dùng giảm; biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào; cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành và sức ép từ tỉ giá gia tăng... Tuy nhiên, trong bối cảnh này Imexpharm lại ngược dòng và đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Kết thúc năm 2023, tổng doanh thu gộp của Công ty đạt 2,113 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với mức tăng trưởng chung của toàn thị trường khoảng 8%. Doanh thu thuần đạt 1,994 tỷ đồng tăng trưởng 21% so với cùng kỳ.

Tổng giám đốc Imexpharm (IMP), Thầy thuốc nhân dân, Dược sĩ Trần thị Đào, cho biết: “Thị trường dược phẩm Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng ổn định, sau đại dịch COVID-19, ngành dược phẩm vẫn giữ đà tăng trưởng dù một số ngành có dấu hiệu chững lại. IMP đạt được kết quả kinh doanh tốt khi đầu tư có chiều sâu cho chất lượng sản phẩm, đồng thời đảm bảo giá thành hợp lý đến tay người dùng. Đặc biệt, Công ty đã phát huy được lợi thế khi duy trì hệ thống sản xuất đạt chuẩn quốc tế, tập trung nguồn lực, đầu tư bài bản các nhà máy sản xuất đạt chuẩn EU-GMP và tiêu chuẩn quốc tế tiên tiến khác”.

Thực tế, IMP đang dẫn đầu thị trường thuốc kháng sinh và duy trì nhiều lợi thế để đạt được những kết quả ấn tượng trên. Đáng chú ý, Nhà máy EU-GMP IMP4 đưa vào khai thác hiệu quả năm đầu tiên với doanh thu đạt gần 80 tỷ đồng. Công ty có 11 MA EU (Số đăng ký sản phẩm tại Châu Âu) được cấp trong năm 2023 cho 6 sản phẩm, trong đó có những sản phẩm khó như Ampicillin/Sulbactam. Công ty cũng đang gặt hái nhiều kết quả tích cực từ chiến lược tái cơ cấu tổ chức theo mô hình quản trị chuyên nghiệp: Top các giải thưởng 2023 như Top 50 công ty niêm yết tốt nhất, Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất, Top 5 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam trong ngành dược phẩm, thiết bị y tế và chăm sóc sức khỏe…

Thành công của IMP cho thấy sự chuyển mình của các công ty dược phẩm Việt Nam trong một thị trường dược phẩm được đánh giá có tốc độ tăng trưởng tốt và tiềm năng trong khu vực. Tuy nhiên, bước sang năm 2024, nhiều dự báo cho thấy ngành dược nói chung và IMP nói riêng đối mặt với không ít thách thức với sức ép nặng nề của kinh tế tăng trưởng chậm và cầu tiêu dùng yếu. Đặc biệt là kênh OTC (thuốc không kê đơn) sẽ gặp nhiều rào cản trong việc duy trì tăng trưởng do tình hình phục hồi kinh tế vẫn chậm và chưa thể cải thiện trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, mặc dù dư địa phát triển lớn nhưng những trở ngại về hạn chế năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) và chuyển giao công nghệ mới... là những rào cản các doanh nghiệp ngành dược trong việc mở rộng thị trường nội địa. Mặt khác, cuộc cạnh tranh giữa các nhà đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp nội địa trong lĩnh vực y tế và dược phẩm ở Việt Nam sẽ tiếp tục quyết liệt khi bước sang năm 2024.

Các công ty dược nội địa vẫn có điểm yếu cố hữu như thị phần phân tán, quy mô nhỏ và tiềm lực tài chính còn mỏng, cạnh tranh trong phân khúc nhỏ của thị trường. Khả năng tăng đầu tư vào nghiên cứu và trang bị công nghệ sản xuất bị hạn chế, khó khăn trong đầu tư dự án quy mô lớn, trong việc mua các sáng chế về dược, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm…

“Trong năm 2024, tôi cho rằng các khó khăn và thách thức vẫn còn ở phía trước và đòi hỏi chúng ta phải liên tục đổi mới và thích ứng kịp thời. Với định hướng phát triển bền vững, năm tới, các chi nhánh bán hàng cần quan tâm vấn đề tuân thủ tính pháp lý, tăng cường việc thẩm định năng lực khách hàng, không chạy theo doanh số để dẫn đến rủi ro về công nợ. Đồng thời, cần quản lý tài chánh chặt chẽ, đặc biệt là trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay”, Tổng giám đốc Imexpharm nói.

Lực đẩy của 2024

Các công ty dược phẩm như IMP kỳ vọng Chiến lược của Chính phủ (Quyết định số 376/QĐ-TTg) ưu tiên phát triển, tiến đến tỷ lệ thuốc nội địa/nhập khẩu sẽ ở mức 75/25. Với cơ chế không còn chọn thuốc giá rẻ nhất, đây là thời cơ vàng cho các nhà sản xuất thuốc nội địa ở nhóm 2 & 3 có sản phẩm chất lượng cao, giá phù hợp.

Vì vậy, những năm gần đây, cuộc đua về tiêu chuẩn, đặc biệt là tiêu chuẩn EU-GMP diễn ra quyết liệt giữa các hãng dược trong nước. Nhất là khi Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dược phẩm. Hầu hết các doanh nghiệp hàng đầu đều có cổ đông chiến lược ngoại như: Dược Hậu Giang (DHG-Taisho), Domesco (DMC-Abbott), Traphaco (TRA-Daewoong), Imexpharm (IMP-SK), Pymepharco (PME-Stada)…

Trong đó, IMP đang có 11 dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn EU-GMP, nằm trong top 8% các nhà sản xuất thuốc nội địa đáp ứng được tiêu chuẩn đấu thầu vào nhóm 1 & 2 ở kênh ETC tại Việt Nam.

IMP có nhiều dư địa tăng trưởng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận trong giai đoạn 2023 - 2028. Đặc biệt, với sự tham gia của cổ đông lớn SK Investment Vina III Pte Ltd, IMP sẽ có sự hỗ trợ đáng kể về công nghệ, tài chính và nghiên cứu và phát triển, qua đó sẽ hoàn thiện các dòng sản phẩm dịch truyền, uống dạng viên hay lỏng,… đáp ứng đa dạng các nhu cầu điều trị.

Đứng trước sự thay đổi lớn về mô hình bệnh tật cũng như mức gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, Công ty Chứng khoán Mirae Asset dự phóng ngành dược phẩm sẽ tiếp tục duy trì CAGR 6% giai đoạn 2023 - 2028. Dự phóng giá trị ngành dược phẩm năm 2023 và 2024 lần lượt đạt 7.24 tỷ USD (+3.4% cùng kỳ) và 7.89 tỷ USD (+9.1% cùng kỳ). Trong đó, kênh ETC tăng trưởng mạnh hơn OTC nhờ sự bao phủ bảo hiểm toàn dân đã đạt 93%. Những quy định cụ thể của Luật Dược sửa đổi trong năm 2024 về việc áp dụng cơ chế mới, phù hợp với bối cảnh Việt Nam, cũng giúp đẩy nhanh quá trình phê duyệt thuốc mới để người dân tiếp cận được các loại thuốc mới và kỹ thuật y học hiện đại, ngang bằng với tốc độ của các nước trong khu vực. Đáng chú ý, đầu tư vào công nghệ hiện đại đang tạo nền tảng cho các công ty dược trong nước tự tin bước vào chuỗi cung ứng dược toàn cầu. Các thị trường xuất khẩu lớn tiềm năng của các hãng dược Việt Nam sẽ là các quốc gia láng giềng như Campuchia, Lào, Myanmar và các quốc gia trong khối ASEAN.

Chẳng hạn, IMP đang thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu như có gian hàng tham gia CPhI tại Thái Lan, Barcelona; các hoạt động khảo sát các thị trường xuất khẩu tiềm năng như Campuchia, Myanmar… Năm 2023, công ty đã xuất khẩu thành công lô hàng đầu tiên đi Mông Cổ qua đường hàng không.

Về kế hoạch của năm 2024, Tổng giám đốc IMP cho biết sẽ tiếp tục đầu tư và thực hiện các sáng kiến nhằm tăng năng suất của các dây chuyền, nhà máy hiện hữu. Ngoài ra, Công ty cũng đang nghiên cứu đánh giá khả thi một số dự án đầu tư nhà máy, dây chuyền mới nhằm ngày càng đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Việc mở rộng năng lực sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế và tăng cường khả năng sản xuất thuốc generics mới, có độ khó về kỹ thuật sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh của thuốc nội với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Đặc biệt, Công ty đã xây dựng đội ngũ phát triển hợp tác toàn cầu để thúc đẩy thực thi kế hoạch khai thác thị trường nước ngoài; nghiên cứu và đưa ra các đề xuất để có thể sản xuất gia công (CMO) cho các công ty dược phẩm đa quốc gia. Để tăng cường cho hoạt động này, IMP sẽ mở rộng thị trường với lĩnh vực trị liệu mới bằng cách hợp tác với các đối tác Hàn Quốc và quốc tế để chuyển giao công nghệ, hợp tác nhập khẩu, sản xuất và phân phối. Hiện, Công ty đang trao đổi đàm phán với một số đối tác hàng đầu thế giới và dự kiến ký kết MOU vào năm 2024.

Theo lãnh đạo của IMP, hoàn thiện mô hình quản trị, nâng cao mức độ chuyên nghiệp, tối ưu hóa hoạt động đã giúp biên EBITDA trong năm 2023 của IMP được cải thiện từ 22% lên 23% nhờ doanh thu tăng trưởng mạnh dẫn đến lợi thế kinh tế theo quy mô tốt hơn và đòn bẩy hoạt động cao hơn cũng như các sáng kiến ​​tiết kiệm chi phí. Xu thế và các hành động này sẽ được IMP tiếp tục phát huy và đẩy mạnh trong năm 2024. Ngay từ đầu năm, IMP đã chủ động triển khai các sáng kiến về liên quan đến mua sắm để kiểm soát dễ dàng hơn hoạt động mua hàng, giảm giá mua, giảm số lượng nhà cung cấp. Dự kiến, kế hoạch có thể kiểm soát chi phí đầu vào từ quý II, giúp tiết kiệm từ 15% trở lên so với giá mua trước đây.

Đánh giá chung cho thấy, những công ty dược như IMP đủ khả năng đảm bảo cung ứng thuốc ổn định, bền vững với giá cả hợp lý, chất lượng, vừa tạo ra một thị trường dược phát triển, tạo động lực cho doanh nghiệp không ngừng đưa các loại thuốc mới tiên tiến ra thị trường. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...