A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công ty bán vàng mã thất thu 2023, chờ cú hích mùa cao điểm Tết Nguyên đán

Nguồn thu từ sản phẩm vàng mã của CAP chỉ đạt 39 tỷ đồng trong năm 2023, kém xa mức kỷ lục 99 tỷ đồng năm 2022 và là mức thấp nhất 11 năm qua. Nhiều ý kiến cho rằng đây là kết quả của việc hạn chế, dần dần bỏ hủ tục đốt vàng mã của người dân. 

Ảnh minh họa

Theo BCTC quý 1 niên độ 2023-2024 (từ ngày 01/10-31/12/2023), CTCP Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái (HNXCAP) đạt lãi sau thuế hơn 20 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ, trong khi doanh thu thuần tăng 18% lên hơn 186 tỷ đồng. 

Nguyên nhân do chi phí giá vốn đội lên cao khiến biên lãi gộp giảm mạnh từ mức 24% xuống 16%, không đủ bù cho các chi phí hoạt động chiếm tỷ trọng lớn.

Về từng mảng kinh doanh chính, tinh bột sắn là mảng duy nhất tăng trưởng dương, còn giấy vàng mã và giấy đế lại đi lùi. Theo đó, doanh thu giấy vàng mã giảm 53% so với cùng kỳ, chưa đầy 12 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2023, nguồn thu từ sản phẩm vàng mã gần 39 tỷ đồng, kém xa mức kỷ lục 99 tỷ đồng năm 2022 và là mức thấp nhất trong 11 năm qua của CAP, từ 2013.

Doanh thu sản phẩm giấy vàng mã của CAP từ năm 2013-2023
(Đvt: Tỷ đồng)

Nguồn: CAP, người viết tổng hợp

Hiện, Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái (CAP) là doanh nghiệp duy nhất kinh doanh vàng mã đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Tiền thân là nhà máy giấy Yên Bài, CAP chuyên sản xuất và bán tinh bột sắn, giấy đế và vàng mã mang nhãn hiệu YFACO.

Tuy "xương sống" là mảng tinh bột sắn, CAP vẫn thu về hàng chục tỷ đồng hàng năm từ giấy vàng mã. Trước đó, doanh thu của sản phẩm này đạt kỷ lục hơn 99 tỷ đồng vào năm 2022, tương đương thu bình quân hơn 8 tỷ đồng/tháng từ bán giấy vàng mã.

Niên độ 2023-2024, CAP đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng với doanh thu 560 tỷ đồng và lãi sau thuế tối thiểu đạt 70 tỷ đồng, giảm lần lượt 8% và 39% so với niên độ trước. Sau quý đầu tiên, Công ty thực hiện được hơn 33% chỉ tiêu doanh thu và 29% mục tiêu lợi nhuận cả niên độ.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của CAP là 322 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu tháng 10 (đầu niên độ). Tiền và các khoản tương đương tiền đi ngang mức 81 tỷ đồng; hàng tồn kho (chủ yếu là thành phẩm) tăng mạnh từ 31 tỷ đồng lên hơn 150 tỷ đồng; trong khi đó, Công ty không còn ghi nhận khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn hơn 117 tỷ đồng như đầu tháng 10.

Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả gần 49 tỷ đồng, tăng 81% so với đầu niên độ, chiếm phần nhiều là phải trả người bán ngắn hạn và phải trả người lao động. Công ty không có nợ vay tài chính. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...