Founder thương hiệu thời trang SBHN: Bắt đầu từ những sản phẩm bị nói là “kỳ cục”, làm kinh doanh bằng “bản năng”, chọn 90% nhân sự trẻ vì họ trong sáng, chân thành!
Hơn một thập kỷ say mê với thời trang, Founder SBHN - NTK Hòa Nguyễn đã có một hành trình đầy kiên trì, tạo nên cái tôi riêng. Từ những thiết kế khởi đầu ai cũng nói là “kỳ cục”, chị đã chinh phục được tệp khách hàng cao cấp nhờ “cái tôi riêng” đó của mình.
13 năm trước, chị Hòa Nguyễn quyết định từ bỏ công việc ngành ngân hàng, bất động sản dù đang kiếm được nguồn thu nhập tốt để khởi nghiệp thời trang với mong muốn khiến cuộc sống của mình thú vị hơn. Ngay từ ngày đầu tiên bắt đầu với thời trang, NTK Hòa Nguyễn đã lựa chọn tệp phân khúc khách hàng cao cấp, làm những sản phẩm đặc biệt, “kén” khách hàng.
Hiện tại, chị Hòa Nguyễn sở hữu 5 thương hiệu SHEBYHOANGUYEN, MA CHÉRIE, SO YOUNG, SBHN Flowers Gifts, HITR. Trong đó, thương hiệu đầu tiên SHEBYHOANGUYEN thuộc phân khúc luxury local brand Việt Nam, các sản phẩm giao động khoảng 15 triệu đồng. Những thiết kế của thương hiệu này được đánh giá rằng khá đặc biệt, có dấu ấn riêng, “không lẫn” với thương hiệu thời trang nào khác trên thị trường.
Sự nghiệp học hành về thời trang của tôi cũng không có gì đáng tự hào lắm vì tôi đang học thì bỏ dở (cười). Năm ấy, tôi tốt nghiệp ngành ngân hàng, ra trường đi làm ngân hàng. Tình cờ tôi được một người bạn rủ đi học thời trang. Mặc dù ở thời điểm đó, tôi cũng kiếm được nhiều tiền từ công việc mình đang làm, nhưng tôi luôn cảm thấy cuộc sống mình hơi nhàm chán nên thử thêm một điều gì đó cho thú vị.
Sau khi đi học, tôi nhận ra, nếu mình làm nghề này, cuộc sống của mình sẽ thú vị hơn. Thời điểm ấy, tôi cũng không có khái niệm yêu thích hay đam mê lớn gì với thời trang. Tôi chỉ biết mình thích mua quần áo. Thời sinh viên, mỗi tháng mẹ gửi cho 10 triệu đồng, thậm chí có lần tôi sẽ tiêu hết vào việc mua quần áo, chỉ để lại 300.000 đồng tiền ăn. Nếu hết tiền thì sẽ xin các bạn mì tôm. Khi ấy, tôi cũng không ngại làm vậy miễn là được mua quần áo đẹp để mặc (cười). Có lẽ dấu mốc khởi đầu của tôi là bắt đầu may những chiếc váy cho khách hàng bất động sản rồi mở cửa hàng đầu tiên trong hẻm nhỏ, chồng tôi phụ giúp sửa sang lại căn nhà đó.
Tôi chọn tệp khách hàng này vì nhiều lý do. Khi còn làm bất động sản và ngân hàng, tôi quen làm việc với tệp khách hàng cao cấp và cũng rất thích lối sống, giá trị mà họ đang tạo ra. Lúc ấy, tôi không thích sự tính toán của họ lắm. Nhưng khi tiếp xúc đủ nhiều, tôi hiểu rằng, nếu họ không toan tính thì không thể lo được cho công ty, nhân viên của mình. Tôi cảm thấy rất trân trọng họ khi họ không chỉ làm giàu cho mình mà còn tạo được công ăn việc làm cho nhiều người khác.
Hồi tôi mới làm, quần áo của tôi cũng bị nhiều người nhận xét là hơi kỳ. Nên khách hàng của tôi tư duy khác thì họ mới có cảm xúc với đồ của mình làm được. Thật ra, do khách hàng chọn mình nữa, mình đâu phải muốn là được (cười).
Mới đầu, tôi làm ra một chiếc váy mà không ai hỏi mua, rất nhiều người chê. Nhưng có một khách hàng thấy rất thích chiếc váy này và chưa thấy ai có bao giờ nên quyết định mua. Lúc ấy, tôi vui đến phát khóc. Và đây chính là đơn hàng đầu tiên của tôi, tự tay tôi làm rồi đi giao. Và khách hàng đầu tiên lại là người lạ. Chị ấy nói rất nhiều về chiếc váy và ra sức động viên tôi là phải làm những sản phẩm đặc biệt, những thứ mà ngoài kia đang thiếu. Tôi thấy đồng điệu với suy nghĩ của mình.
Khi ấy, những người tôi quen biết hay khách hàng đều nhận xét rằng thiết kế của SBHN kỳ cục, khác biệt so với những thời trang đang thịnh hành tại Việt Nam. Vốn là người sống nhờ niềm tin, tôi luôn tin vào bản thân và sự nỗ lực của mình nên tôi chưa bao giờ nản chí hay nghi ngờ về định hướng của SBHN. Có lẽ đó cũng là yếu tố mạnh mẽ nhất để giữ cho những giá trị ban đầu của SBHN được duy trì và phát triển sau hành trình 10 năm tới hiện tại. Những vị khách đáng quý dành nhiều cảm xúc cho từng thiết kế tôi sáng tạo ra cũng là chất xúc tác cho tôi tiếp tục lao động. Tôi biết ơn họ rất nhiều.
Cái hay khi làm những sản phẩm như vậy là gì thưa chị?
Cái hay là tôi được thỏa mãn cái tôi của mình. Cái khó là hơi kén khách hàng, không phải ai cũng chọn mình. Làm sản phẩm khác biệt với phân khúc cao, chúng tôi phải sáng tạo liên tục, từ ý tưởng tới các công đoạn làm ra sản phẩm đều đặc biệt hơn. Như vậy khách hàng mới công nhận sự sáng tạo và sẵn lòng mua sản phẩm với mức giá đó. Làm ra những sản phẩm như vậy, cảm giác rất tuyệt. Có một điều rất hay khi làm ra những sản phẩm khác biệt hẳn đó là nhìn vào sản phẩm, khách hàng sẽ nhớ đến mình.
Tôi nghĩ mình rất may mắn. Tôi thấy chưa ai làm kinh doanh mà như tôi. Tôi không phải là người giỏi kinh doanh. Tôi trụ được đến bây giờ một phần cũng nhờ may mắn, trí tuệ và cảm xúc về mặt sáng tạo. Tôi cảm thấy thời trang chọn mình và mình sinh ra để làm thời trang.
Làm mọi thứ bằng sở thích, bản năng đã giúp tôi được như bây giờ. Nhiều người đã “out khỏi ngành” và cũng có nhiều người mới vào. Tôi không thấy ai sống được trong ngành thời trang mà không nỗ lực, chăm chỉ cả. Những năm qua, tôi cũng làm việc không biết mệt. Tôi thường xuyên làm việc khoảng 20 tiếng/ngày để thương hiệu của mình “sống” được đến bây giờ.
Làm thời trang, tôi cảm giác được là mình. Có thể, rất nhiều người ở vị trí như tôi, sẽ chọn đi giao lưu với những người “xịn” ngoài kia, nhưng tôi lại rất thích có những niềm vui nhỏ bé với nhân viên, người thợ, với sản phẩm mình làm ra hàng ngày.
Tôi tin rằng bất cứ ai cũng vậy, được chọn nghề mà mình yêu thích, sống được với nghề và có được một chỗ đứng nào đó là điều hạnh phúc vô cùng.
Tôi may mắn khi có một người bạn rủ đi học thời trang trong khi tôi chẳng biết, chưa có cảm xúc gì về nghề. Tôi may mắn khi có một người mẹ rất chiều mình. Tôi may mắn khi mỗi một chặng trong sự nghiệp của mình, lại gặp được những nhân viên đến với mình với một tâm thế rất ngây thơ và trong sáng. Bản thân tôi nỗ lực, nhưng cũng gặp rất nhiều may mắn. Tôi gặp may mắn như vậy thì nỗ lực là đương nhiên. Nếu không nỗ lực thì không xứng đáng với may mắn đó.
90% nhân sự trong công ty của chị đều là nhân viên trẻ, lý do vì sao chị lại lựa chọn đội ngũ trẻ như vậy?
Vì ở họ luôn có sự trong sáng, chân thành. Tôi luôn dặn các bạn nhân viên, khi đến đây, các bạn phải luôn giữ được sự trong sáng và chân thành, điều này không bao giờ được thay đổi.
Ngay bên cạnh cửa hàng của tôi, có rất nhiều thương hiệu đồ hiệu nổi tiếng, sang trọng, có những nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản nhưng vì sao có khách hàng vẫn chọn chúng tôi? Tôi có một người khách hàng, chị ấy là VIP của các thương hiệu đồ hiệu nổi tiếng. Chị ấy để tấm ảnh chụp với sản phẩm ở store của chúng tôi khoảng 3 tháng mới thay. Và có điều chị ấy nói khiến chúng tôi rất vui: “Có thể đồ của các em chị không mặc được nhiều nhưng khi đến đây, chị có cảm giác nhận được sự chân thành và trẻ trung, chị được trẻ ra”. Khi chị ấy nói câu ấy, tức là các bạn trẻ công ty tôi đã phải nỗ lực đến mức độ nào.
Tôi luôn dặn các bạn nhân viên: “Em có thể không chuyên nghiệp, bài bản nhưng nhất định phải có cảm xúc chân thành với khách hàng. Khi khách hàng đến đây, em phải mong muốn những điều tốt đẹp đến với họ chứ không phải muốn kiếm tiền từ họ. Vì em chẳng là gì so với những người ngoài kia để mà kiếm được tiền từ người ta cả. Có thể cạnh tranh được với các thương hiệu mới nổi ở Việt Nam nhưng với các thương hiệu lớn, em không là gì cả. Điều quan trọng là em phải chân thành, yêu công việc của mình”.
Với những trường hợp bị nhái, ban đầu tôi còn thấy bàng hoàng, bây giờ thì tôi quen rồi. Có người họ còn làm cả một cái xưởng chỉ để làm nhái cúc của SBHN rồi rao bán. Thậm chí thương hiệu hoa của tôi bây giờ còn bị nhái nhanh và nhiều hơn. Quần áo họ làm nhái trong 2 ngày còn hoa thì họ nhái luôn trong ngày.
Thường thì các sản phẩm, chúng tôi bán gần hết mùa rồi mới đăng một vài tấm ảnh lên nền tảng MXH. Thời gian trước, các sản phẩm ra mắt được 2 tuần thì nhiều người mới nhái xong. Nhưng bây giờ, chỉ đăng sản phẩm được 2 ngày là đã thấy có đồ nhái.
Đây cũng chính là điều tôi luôn phải nỗ lực, dùng trí tuệ và sự sáng tạo của mình để sản xuất, sáng tạo liên tục. Thực sự, nếu không dùng bản năng, cùng lúc sáng tạo cho 4 thương hiệu, sức lực của tôi đã kiệt quệ từ lâu.
Càng ngày, càng nhiều thách thức. Với tôi, thời điểm này, bắt buộc phải có tư duy. Tôi có thể bắt đầu sáng tạo từ con số 0, làm như chưa bao giờ được làm. Khối lượng công việc rất nhiều, mình cần có sự nỗ lực để phát triển và rất may là sự nỗ lực của mình cũng được đền đáp xứng đáng.
Có thể do mình kể câu chuyện về sản phẩm chưa đủ để khách hàng thấy được họ đang nhận được mức giá hời. Điều quan trọng là đến bây giờ chúng tôi đã tạo ra được một cộng đồng khách hàng hiểu những giá trị của SBHN. Chúng tôi cũng không thể đưa một giá “đắt” so với giá trị của sản phẩm được. Một ekip như thế nào, sự sáng tạo như thế nào mới tạo ra được sản phẩm để mọi người nhận xét là “khác biệt” và có nhiều hàng nhái như vậy.
Tôi chia sẻ thẳng thắn, trong lúc người ta ngủ thì tôi thức, những lúc người ta đang ăn cơm, tôi đang làm. Sản phẩm được tạo ra bởi giá trị lao động của mình và đội ngũ, tôi vẫn phải cố gắng hơn nữa để chinh phục trái tim của khách hàng, nhưng vẫn phải tin vào giá trị của mình.
Việc vận hành cùng lúc 5 thương hiệu với chị có gì khó khăn?
Tôi phải điều tiết tư duy của mình trong ngày để phù hợp với 5 thương hiệu khác nhau. Tôi cũng phải điều phối giữa việc kinh doanh, sản xuất và sáng tạo. Ban này lo kinh doanh, sản xuất, đêm về nghĩ ra những ý tưởng mới, sáng tạo. Nhiều người nói rằng tôi một mình làm mấy thương hiệu phải vượt qua khó khăn này, khó khăn kia nhưng tôi không cảm thấy điều gì khó khăn cả. Tôi cũng chưa bao giờ thấy mệt mỏi khi làm công việc này.
Mỗi lúc tôi thích, tôi lại làm một thương hiệu mới. Tôi là một người nhiều ý tưởng và tham lam, lại thích thử thách thế nên là tôi thích thì tôi mở. Hôm nay tôi nghĩ ra ý tưởng và muốn mở một thương hiệu thì ngay hôm sau đã có một thương hiệu mới rồi. Sau đó thì tôi phải rất bận rộn để trả giá cho sự thích là làm của mình.
Nhưng mỗi lần như vậy, mình sẽ làm nghề một cách tươi mới hơn, nhìn được rất nhiều khía cạnh ở trong nghề của mình. Tất cả các thương hiệu tôi làm đều khác nhau, đều bắt đầu từ con số 0. Thương hiệu mới cũng không hề dễ hơn chút nào.
Thậm chí là thương hiệu mới, tôi còn áp lực hơn. Nếu mình không làm khác, không giỏi hơn vì mình có kinh nghiệm thì chẳng ai chấp nhận mình cả.
Được biết, trong tương lai, chị đặt ra mục tiêu phát triển 50 thương hiệu. Chị có thể chia sẻ chi tiết thêm về điều này?
50 thương hiệu đó sẽ không phải hoàn toàn do tôi mở ra, mà tôi sẽ đầu tư cho những bạn đã đồng hành cùng mình. Vì tất cả các bạn khi đến đây, tôi đều nói với bạn rằng, hãy làm công việc này như công việc của em chứ không phải là một người làm thuê. Trừ những vị trí nhỏ còn cấp leader có tư tưởng làm thuê thì chắc chắn không hợp với tôi. Khi làm việc, tôi rất tin tưởng các bạn và trao quyền tối đa. Tôi là một người khó có thể khóc được vì một điều gì đó nhưng khi nhắc đến nhân viên, sự lao động, đồng hành với nhau thì chưa cần câu thứ 2 tôi đã rơi nước mắt.
Nên nếu đến một thời điểm, trừ khi các bạn không dũng cảm, không muốn, chứ chắc chắn tôi sẽ đều tư cho các bạn. Điều này cũng hoàn toàn đúng thôi. Tuổi thanh xuân của các bạn dành cho công ty, dành cho tôi thì tôi sẵn sàng trả lại các bạn những điều xứng đáng.