A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

DN cho thuê máy bay duy nhất tại Việt Nam: Madame Nga ngồi vào ghế Chủ tịch, được loạt "ông lớn" hậu thuẫn, thu 3 đồng lãi 1 đồng

Các cổ đông Nhà nước hiện vẫn chiếm đa số cổ phần tại VALC khi Vietnam Airlines, BDIV và PVComBank nắm giữ tổng cộng 63,38% vốn.

 

Báo cáo thường niên năm 2022 của Vietnam Airlines (mã chứng khoán: HVN) cho biết năm 2022, CTCP Cho thuê Máy bay Việt Nam (VALC) ghi nhận doanh thu đạt 72 triệu USD (khoảng 1.700 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế 21,8 triệu USD (khoảng 512 tỷ đồng), đều tăng trưởng so với năm 2021. Tỷ suất ROE ở mức 28%.

Theo dữ liệu của chúng tôi, trong bối cảnh ngành hàng hàng không gặp khó khăn lớn do đại dịch Covid-19, doanh nghiệp này vẫn đều đặn có lãi trong khi các hãng hàng không của Việt Nam đều lỗ đậm. Trước khi đại dịch xảy ra, doanh thu và lợi nhuận của VALC tăng trưởng đều đặn qua từng năm. Tuy vậy, công ty này cũng gặp khó khăn trong năm 2020 và 2021 trước khi lấy lại "phong độ" vào năm 2022. 

VALC là công ty duy nhất cho thuê máy bay tại Việt Nam. Bên cạnh việc cho thuê, công ty này còn bảo dưỡng và cung cấp phụ tùng cho máy bay. Doanh nghiệp chỉ thực hiện mua lại các máy bay sau đó cho hãng hàng không quốc gia thuê lại và đưa vào sử dụng, bản thân VALC không thực hiện các chuyến bay.

Năm 2007, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cùng Vietnam Airlines - Tổng công ty Hàng không Việt Nam quyết định lập nên công ty cho thuê máy bay tại Việt Nam mang tên VALC.

Tại thời điểm thành lập, đại diện cổ đông sáng lập, ông Trần Bắc Hà - nguyên Giám đốc điều hành BIDV cho biết ý tưởng thành lập công ty cho thuê máy bay đã được BIDV báo cáo Chính phủ vào tháng 4/2007 và được nhanh chóng được Thủ tướng xác định là một trong những dự án trọng điểm cần tập trung triển khai. BIDV và Vietnam Airlines cùng các cổ đông khác trong công ty mất gần 6 tháng để hoàn thành công tác chuẩn bị, đến tháng 9/2007, với số vốn điều lệ là 640 tỷ đồng, Chính phủ phê duyệt cho thành lập công ty. 

Đến năm 2017, công ty đã có sự góp mặt của các cổ đông tư nhân. Vốn điều lệ của doanh nghiệp hiện tại ở mức 1.520 tỷ đồng. Các cổ đông có gốc quốc doanh hiện vẫn chiếm đa số khi Vietnam Airlines, BDIV và PVComBank nắm giữ tổng cộng 63,38% vốn. Tuy nhiên, tập đoàn BRG - một trong những tập đoàn đa ngành lớn tại Việt Nam mới là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này khi thông qua các đơn vị thành viên nắm giữ 34,57% vốn. Eurowindows thông qua công ty con là CTCP Đại Siêu thị Mê Linh cũng tham gia đầu tư vào VALC. 

Cuối tháng 10 vừa qua, VALC đã có những sự thay đổi lớn ở mặt ở các vị trí lãnh đạo cấp cao. Theo đó, bà Nguyễn Thị Nga được bầu là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật VALC thay cho ông Trần Thanh Hiền - Kế toán trưởng của Vietnam Airlines kể từ ngày 30/10. Bà Nga là một gương mặt quen thuộc trong giới doanh nhân Việt Nam. 

Bà Nguyễn Thị Nga sinh năm 1955 tại Hà Nội, là cử nhân kinh tế tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Vị nữ doanh nhân này được biết đến là Chủ tịch tập đoàn BRG - Doanh nghiệp cung cấp những sản phẩm và dịch vụ trong các lĩnh vực như: Golf; bất động sản; khách sạn - nghỉ dưỡng; vui chơi giải trí; thương mại – bán lẻ và sản xuất. 

Ngoài ra, bà Nga còn là Phó Chủ tịch thường trực của Seabank (SSB) và nắm giữ hơn 86 triệu cổ phiếu SSB với giá trị hiện tại là 2.000 tỷ đồng. Nữ doanh nhân này cũng từng lọt Top 50 người phụ nữ quyền lực nhất Châu Á vào năm 2019 theo bình chọn của Forbes. Bà đã tham gia HĐQT của VALC kể từ năm 2018. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết