A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cách giới trẻ tồn tại giữa cơn "bão giá": Hạn chế hẹn hò, từ chối tụ tập, chỉ ở trong nhà

Giá cả tăng phi mã đã khiến nhiều người trẻ hiện nay buộc phải thay đổi cuộc sống để thích ứng với tình hình hiện tại.

Cô Beth đang hồi tưởng lại cuộc sống nhộn nhịp của mình trước khi đại dịch xuất hiện. Cô tham gia vào vô số bữa tiệc vui vẻ, những cuộc hẹn đi xem phim hay tụ họp bạn bè ăn trưa ngày Chủ nhật.

Nữ y tá 28 tuổi đến từ East Midlands luôn có một lịch trình bận rộn nhưng khi Covid-19 xuất hiện mọi thứ đã thay đổi chóng mặt. Tuy nhiên, ngay cả khi các quy định được nới lỏng, cuộc khủng hoảng về giá cả tiếp tục giáng một đòn mạnh mẽ vào cuộc sống của nữ y tá này.

Tiết kiệm nhất có thể

Tài chính của cô Beth ngày càng eo hẹp, giờ đây cô chỉ có thể gặp bạn bè một hoặc hai lần mỗi tháng. Một phần vì cô phải tăng ca để trang trải các tờ hóa đơn đang tăng vọt một phần vì cô còn trả tiền nhà cho căn hộ một phòng ngủ đang ở.

Ngay cả khi không làm việc, có thời gian rảnh rỗi, cô Beth buộc phải từ chối những lời mời của bạn bè vì nữ y tá không còn đủ khả năng chi trả cho các cuộc vui ngoài xã hội như trước kia. Do đó, mối quan hệ bạn bè của cô cũng thay đổi. Cô ấy phải đưa ra sự lựa chọn nhiều hơn về việc ai mới thực sự là người để Beth bỏ thời gian và tiền bạc ở bên.

Cách giới trẻ tồn tại giữa cơn bão giá: Hạn chế hẹn hò, từ chối tụ tập, chỉ ở trong nhà - Ảnh 1.

Giá cả leo thang khiến cuộc sống của người trẻ thay đổi.

"Với những người bạn hiểu tôi, họ sẽ biết được tôi thường chỉ gọi ít món hoặc hủy bỏ vào phút chót vì lý do tài chính. Nhưng khi bạn từ chối nhiều lần, họ sẽ không mời bạn tham gia cùng nữa.

Giờ đây tôi đang ngừng giao tiếp xã hội khi cần thiết, cho dù đó chỉ là gặp gỡ một người bạn. Tôi phải tiết kiệm nhiên liệu để đi làm. Tôi cũng không thể đi ra ngoài ăn tối nữa", nữ y tá chia sẻ tình cảnh hiện tại.

Beth nói thêm rằng công việc của cô đang gặp nhiều khó khăn: "Nếu công việc của tôi thuận lợi hơn, điều đó cho phép tôi cảm thấy lạc quan và vui vẻ hơn".

Hiện tại, mức lạm phát ở Anh đã tăng vọt trong khi lương của người lao động thì không tăng đáng kể là bao. Kết quả là cứ 5 người thì có 2 người nói rằng họ phải cắt giảm việc đi ăn ngoài, đi du lịch và giao lưu ngoài xã hội.

Chi phí nhiên liệu tăng cao cũng khiến việc đi gặp gỡ bạn bè trở nên khó khăn hơn, nhất là đối với những người sống bên ngoài thành phố, họ khó có thể sử dụng phương tiện giao thông công cộng thường xuyên. Quan trọng là các quán rượu và nhà hàng cũng đang tăng giá, mọi khó khăn đều chất chồng.

Cách giới trẻ tồn tại giữa cơn bão giá: Hạn chế hẹn hò, từ chối tụ tập, chỉ ở trong nhà - Ảnh 2.

Việc tụ tập bạn bè thường xuyên đang trở nên xa xỉ với giới trẻ.

Những mối nguy hại tiềm ẩn

Cô Beth không phải là người duy nhất dần đánh mất cuộc sống xã hội đầy sôi động thời trước kia. Anna, 33 tuổi chia sẻ rằng: "Tôi bắt đầu công việc mới vào tháng 9 năm ngoái và chưa một lần tham gia cuộc họp mặt nào vào cuối tuần vì không đủ khả năng chi trả. Tôi chắc chắn vòng tròn bạn bè của mình đang bị thu hẹp dần".

Kate Pickett, một nhà dịch tễ học cho hay, việc mọi người không đủ khả năng để hòa nhập xã hội là một vấn đề nghiêm trọng cần được quan tâm.

Người phụ nữ cho biết: "Mối liên hệ giữa con người với nhau đóng vai trò rất lớn trong sức khỏe tinh thần và thể chất của chúng ta. Có những nghiên cứu dài hạn cho thấy việc không có bạn bè cũng gây hại sức khỏe như việc bạn hút thuốc".

Các dịp quan trọng như sinh nhật hay đám cưới cũng gây khó khăn cho việc chi tiêu. Nữ y tá Beth không thể đến dự tiệc sinh nhật của cháu gái vì cô ấy không đủ tiền cho chuyến hành trình tới đây. Người phụ nữ cũng phải bỏ lỡ bữa tối tổng duyệt trước hôn lễ của em gái mình vì không đủ tiền thuê phòng nghỉ khách sạn.

Theo một cuộc khảo sát mới đây, gần 1/3 người Anh đã từ chối lời mời tham dự đám cưới vì chi phí sinh hoạt leo thang. Cô Beth chia sẻ nỗi khổ của mình: "Em gái rất giận tôi. Con bé không hiểu tại sao tôi lại vắng mặt như vậy".

Đối với Connor Pope, một nhiếp ảnh gia tự do 23 tuổi, chi phí tăng cao đồng nghĩa với việc anh bỏ lỡ những bữa tiệc kỷ niệm tốt nghiệp trong năm nay: "Không giống như một số người bạn, tôi không nhận bất kỳ khoản hỗ trợ nào từ cha mẹ. Do đó, tôi đã từ chối tất cả. Tôi biết chọn lọc hơn cho các cuộc vui mình sẽ tham gia".

Cách giới trẻ tồn tại giữa cơn bão giá: Hạn chế hẹn hò, từ chối tụ tập, chỉ ở trong nhà - Ảnh 3.

Người trẻ đang phải vật lộn với tình hình bão giá hiện nay.

Việc phải trải qua thời sinh viên khi Covid xuất hiện rồi sau đó là giá cả tăng cao đã khiến nhiều người trẻ tuổi bị hạn hẹp đời sống xã hội.

Nhà dịch tễ học Kate Pickett cho hay: "Chúng ta nên thực sự quan tâm đến thanh thiếu niên và thanh niên hiện nay, những người phải trải qua thời gian cách ly với xã hội trong đại dịch. Quá trình chuyển đổi của họ sang tuổi trưởng thành sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, nhất là trong điều kiện khủng hoảng giá cả hiện tại".

Đối với nhiều người, thời tiết nóng hơn trong những tháng mùa hè lại là điều tốt. Mohammad, một nhà tư vấn 38 tuổi, cho biết: "Trước đây, tôi thường gặp bạn bè một hoặc hai lần mỗi tháng để xem phim hay nghe ca nhạc hoặc tham gia một số hoạt động khác như ăn tối chẳng hạn. Thời tiết nóng lên khiến chúng tôi hạn chế ra bên ngoài mà thường mang đồ về nhà nấu và mua đồ uống giá rẻ".

Người đàn ông này giờ đây cũng phải điều chỉnh thời gian dành cho bạn bè và thường tụ tập họ thành một nhóm để tiết kiệm chi phí hơn khi gặp gỡ. Tuy nhiên, Mohammad lo ngại về mùa đông sắp tới không chỉ vì lạm phát có khả năng tăng nữa: "Tất cả chúng tôi đều sống ở những nơi nhỏ hẹp rất khó để ai đó ở lại được. Tôi sợ tác động của nó tới những người sống cô lập và nội tâm".

Trước thực trạng mọi người ưu tiên thực phẩm và việc sưởi ấm hơn là chuyện giao lưu thì việc cô đơn hơn có thể trở nên tồi tệ rất nhiều. Bên cạnh đó, khi bản thân không thể chia sẻ với bạn về chuyện khó khăn tài chính cũng có thể làm tăng thêm sự cô đơn này.

Connor, giống như nhiều người, thường sẽ viện đủ mọi lý do nếu anh không đủ khả năng để trả tiền: "Tôi chỉ chia sẻ sự thật với những người bạn đang trong tình trạng tương tự. Còn với những người khác, nó khá là khó xử".

Natasha Portman, một nhà tâm lý học giải thích rằng: "Tiền nổi tiếng là thứ mà con người khó nói đến một cách công khai. Nó mang lại cảm xúc phức tạp. Khi bạn lo lắng về tiền bạc thì sẽ có cảm giác tội lỗi và xấu hổ, tự ti về bản thân".

Hẹn hò cũng trở nên xa xỉ

Hẹn hò cũng là hoạt động tốn kém khác mà một số người buộc phải hạn chế vì lạm phát tăng cao. Rachel, một công chức 31 tuổi chia sẻ: "Một buổi hẹn hò có thể khiến ngân sách của bạn bị thâm hụt rất lớn. Và sau đó, nó trở nên không còn phù hợp nữa. Thật khó để xây dựng mối quan hệ khi bạn luôn phải cân đong đo đếm chuyện tiền bạc".

Thông thường, ngân sách của Rachel sẽ chi trả cho việc gặp gỡ bạn bè trong tuần hoặc đi hẹn hò nhưng giờ cô chỉ được lựa chọn một thứ. Người phụ nữ nói thêm rằng: "Tôi đang ở độ tuổi mà cần sớm ổn định cuộc sống. Tài chính ảnh hưởng rất lớn đến điều đó, do vậy nó hạn chế sự lựa chọn của bạn. Tôi chắc rằng cũng nhiều người rơi vào hoàn cảnh giống như tôi khi buộc phải ở nhà nhiều hơn nếu không muốn bị phá sản".

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã dẫn đến việc nhiều người nói thẳng thắn về vấn đề tài chính với những đối tượng hẹn hò. Amit, một giáo viên 30 tuổi đến từ London kể lại câu chuyện của mình: "Tôi từng hẹn hò với một luật sư và cô ấy liên tục gợi ý các bữa ăn ngoài trời hay nhưng quán bar xa xỉ. Tôi buộc phải nói rằng tôi không có đủ khả năng và chúng tôi sẽ lựa chọn đi dạo trong công viên cho buổi hẹn hò tiếp theo".

Cách giới trẻ tồn tại giữa cơn bão giá: Hạn chế hẹn hò, từ chối tụ tập, chỉ ở trong nhà - Ảnh 4.

Việc hẹn hò giữa thời 'bão giá' cũng trở nên căng thẳng.

Amit không đơn độc khi làm như vậy. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, rất nhiều người thích hẹn hò ở các địa điểm bình dân để tránh áp lực hay căng thẳng về chuyện tiền bạc. Đối với những người khác, đang phải vật lộn về tài chính, họ đã từ bỏ hoàn toàn việc hẹn hò.

Cô Anna đã xóa tất cả các ứng dụng hẹn hò khỏi điện thoại của mình vào đầu năm nay sau một cuộc hẹn không thành công khiến cô mất hơn 100 bảng Anh (2,5 triệu đồng) chỉ riêng cho đồ uống.

Khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tiếp tục tăng, việc đi chơi sẽ ngày càng bị coi là một điều xa xỉ. Mặc dù vậy, theo nhà dịch tễ học Pickett thì mọi thứ đang diễn ra khá tiêu cực.

"Giao tiếp xã hội không phải là một thứ phù phiếm. Đó là cách chúng ta hoạt động và phát triển như một con người", Pickett nhấn mạnh.

Nguồn: The Guardian


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...