A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vị thế ngày càng cao của nhân lực Việt Nam trong nền kinh tế Nhật Bản

Nhân lực Việt Nam được Nhật Bản đánh giá cao, mong muốn tiếp tục tiếp cận. Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển, đóng vai trò ngày càng tích cực, quan trọng đối với nền kinh tế Nhật Bản.

Vị thế ngày càng cao của nhân lực Việt Nam trong nền kinh tế Nhật Bản

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ người lao động Việt Nam tại Nhật Bản trong chuyến công tác tại Nhật Bản ngày 16.12.2023. Ảnh: TTXVN

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu cho biết, cùng với sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian qua, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản cũng không ngừng lớn mạnh, hiện lên tới hơn 600.000 người, là lực lượng lao động nước ngoài lớn nhất tại Nhật Bản và là cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài đứng thứ 2 trên toàn thế giới.

Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản là cộng đồng trẻ, tham gia tích cực và ngày càng đóng góp quan trọng cho kinh tế xã hội Nhật Bản trong bối cảnh xã hội Nhật Bản già hóa, tỉ lệ sinh thấp, thiếu lao động trầm trọng. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã khẳng định: "Nguồn nhân lực Việt Nam là sự hiện diện không thể thiếu trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản".

Đại sứ Phạm Quang Hiệu cho biết, công tác phát triển cộng đồng người Việt tại Nhật Bản đã được thực hiện bài bản, kế thừa qua nhiều thế hệ, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Đại sứ quán luôn xác định cộng đồng người Việt tại Nhật Bản là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước.

Để phát huy tối đa sức mạnh của cộng đồng đông đảo người Việt Nam tại Nhật Bản, Đại sứ quán đã, đang và sẽ tiếp tục thúc đẩy 3 nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn kết cộng đồng, phát triển và củng cố các hội đoàn với phương châm "đoàn kết là sức mạnh"; ủng hộ hội người Việt phát huy sáng tạo trong tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, lễ hội ở địa phương với phương châm "lấy con người làm trung tâm"; phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong của lực lượng trí thức, chuyên gia người Việt Nam tại Nhật Bản để thúc đẩy giao lưu, hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực mới mang tính chiến lược như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ cao.

Thế hệ 7x, 8x Việt Nam sang Nhật Bản du học, được đào tạo bài bản từ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, sau đó tiếp tục làm công tác nghiên cứu và đến nay đã giữ những vị trí quan trọng như giáo sư, phó giáo sư, trưởng Lab nghiên cứu trong các trường đại học, viện nghiên cứu danh tiếng và doanh nghiệp lớn hàng đầu Nhật Bản.

Theo số liệu của Nhật Bản, hiện có khoảng 150 nhà nghiên cứu Việt Nam được Nhật Bản xếp loại là "nhà nghiên cứu người nước ngoài có trình độ cao". Trong đó, có nhiều người là giáo sư, phó giáo sư tại các trường đại học Nhật Bản.

Với vị thế và vị trí hiện có, đội ngũ chuyên gia, trí thức Việt Nam có điều kiện đóng góp tích cực cho sở tại và hướng về quê hương đất nước. Chẳng hạn, ngành IT, phần mềm tại Nhật Bản rất phát triển, đi đầu là FPT và hàng trăm công ty Việt Nam, doanh thu khoảng 700 triệu USD/năm, đóng góp tích cực vào chuyển đổi số của Nhật Bản. Đại sứ quán đã dẫn dắt, thúc đẩy thành lập Hiệp hội Chuyển đổi số Việt Nam - Nhật Bản vào ngày 7.72024, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, đào tạo đội ngũ kỹ sư chất lượng cao tại Nhật Bản, hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực bán dẫn, đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong tương lai.

Đại sứ Phạm Quang Hiệu chỉ ra, trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ tiếp tục chính sách mở cửa, tạo thuận lợi cho tiếp nhận nguồn nhân lực nước ngoài với việc thông qua luật mới về tiếp nhận lao động nước ngoài (tháng 6.2024). Dự kiến, Nhật Bản sẽ thiếu hụt hàng triệu lao động vào năm 2030, trong đó có các ngành công nghệ, kỹ thuật cao như IT, AI, bán dẫn. Nhân lực Việt Nam được Nhật Bản đánh giá cao, mong muốn tiếp tục tiếp cận.
Đại sứ khẳng định, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển, đóng vai trò ngày càng tích cực, quan trọng đối với nền kinh tế Nhật Bản.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...