A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng chống bạo hành, xâm hại phụ nữ và trẻ em: Cần nâng cao nhận thức trong cộng đồng

Sự lên tiếng và ủng hộ của cộng đồng sẽ là động lực để nạn nhân tìm đến sự hỗ trợ và dũng cảm đứng lên để đấu tranh chống lại nạn bạo hành, xâm hạ

Ngày 7-3, nhân kỷ niệm 112 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3.1910 - 8.3.2022), Báo Người Lao Động tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Phòng chống bạo hành, xâm hại phụ nữ và trẻ em".

Vì sao các vụ bạo hành, xâm hại vẫn xảy ra?

Tại buổi giao lưu trực tuyến đã có nhiều câu hỏi được bạn đọc đặt ra như: Vì sao số vụ bạo lực, bạo hành học đường tràn lan; công tác phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong phòng chống xâm hại trẻ em ra sao; làm gì để người dân hành động khi phát hiện trẻ bị bạo hành; khi gia đình phát hiện trẻ bị xâm hại tình dục, bị bạo hành thì cần làm gì để bảo vệ, củng cố chứng cứ tố cáo kẻ ác…

Theo bà Lê Thị Thu, nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, công tác bảo vệ trẻ em nhiều năm qua được nhà nước rất quan tâm, tuy nhiên mỗi năm cả nước có hơn 2.000 vụ bạo hành, xâm hại tình dục. Con số này rất đau lòng và nhức nhối nhưng mới chỉ là thống kê của Bộ Công an và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nên trên thực tế có thể còn nhiều hơn bởi rất nhiều vụ xâm hại, bạo hành không được báo cáo đến các cơ quan chức năng. Đau lòng hơn, nhiều vụ bạo hành, xâm hại là do người thân, người quen hoặc người thân không tố cáo mà là hàng xóm, người quen biết tố cáo.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP HCM - thành viên Câu lạc bộ Tư vấn, trợ giúp trẻ em Trung ương, cho rằng nguyên nhân là do trình độ nhận thức pháp luật của nhiều người còn thấp; lối sống bê tha; cha mẹ thiếu sự chăm sóc…Vấn đề cốt lõi là điều kiện kinh tế, đặc biệt trong dịch Covid-19, nhiều gia đình mất thu nhập dẫn đến bạo hành trẻ em và phụ nữ.

Nhìn nhận về vấn đề này, TS Trần Thị Huyền Thanh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM, cho rằng xét ở góc độ tâm lý, nhiều phụ nữ còn e ngại hoặc cho rằng việc bị bạo hành là chuyện của gia đình, gia đình tự giải quyết và để bảo vệ uy tín của người chồng, người thân nên chưa mạnh dạn lên tiếng với các cấp chính quyền địa phương để được sự hỗ trợ. Ở góc độ xã hội, các tệ nạn xã hội, thông tin xấu, độc trên internet đã hình thành nên tâm lý bạo lực ở một bộ phận người dân, nhất là các gia đình lao động có thu nhập không ổn định… Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận người dân thờ ơ trước những vụ bạo lực gia đình diễn ra xung quanh.

Trong khi đó, từ thực tiễn, luật sư Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM, cho biết có những người có hành vi bạo hành nhưng lại không biết mình vi phạm pháp luật.

Phòng chống bạo hành, xâm hại phụ nữ và trẻ em: Cần nâng cao nhận thức trong cộng đồng - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến Ảnh: TẤN THẠNH

Đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức

Theo TS Trần Thị Huyền Thanh, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục kỹ năng bảo vệ hạnh phúc gia đình cho tất cả các thành viên trong gia đình, cộng đồng. Tuyên truyền pháp luật, luật phòng chống bạo lực gia đình cho người dân, phụ nữ, trẻ em, nam giới. Đặc biệt là nhóm có hành vi nguy cơ cao như những gia đình lao động thu nhập không ổn định, có tệ nạn xã hội... Đổi mới cách thức tuyên truyền hướng đến đúng đối tượng; nâng cao kiến thức của người dân.

"Chị em phụ nữ cần chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng tự vệ trước những hành vi bạo lực, xâm hại. Đặc biệt, phụ huynh có con dưới 16 tuổi cần chủ động trang bị kiến thức phòng chống xâm hại cho trẻ" - TS Trần Thị Huyền Thanh nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Khánh Lương, quyền Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng việc phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nói chung và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cần sự chung tay vào cuộc của mỗi cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng. Khi có hành vi bạo lực xảy ra, mọi người đều phải có trách nhiệm ngăn chặn và thông báo cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền để xử lý và hỗ trợ nạn nhân. Sự lên tiếng và ủng hộ của cộng đồng sẽ là động lực để nạn nhân tìm đến sự hỗ trợ và dũng cảm đứng lên để đấu tranh chống lại bạo lực.

"Để làm được điều này, trước hết cần truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cá nhân, gia đình, cộng đồng về bình đẳng giới, từng bước xóa bỏ định kiến giới, tránh việc đổ lỗi cho nạn nhân. Người dân cần hiểu hành vi bạo lực là vi phạm pháp luật, cần phải công khai lên án và người gây bạo lực phải bị xử lý nghiêm minh…"- ông Lê Khánh Lương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Lê Khánh Lương cho rằng cần nâng cao năng lực cho cán bộ; xây dựng và mở rộng hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phụ nữ, trẻ em nói riêng và người bị bạo lực trên cơ sở giới nói chung bảo đảm dễ dàng tiếp cận, phục vụ chuyên nghiệp; tư vấn/tham vấn khủng hoảng dưới nhiều hình thức như trực tiếp, qua đường dây nóng, mạng xã hội hoặc thư điện tử, ở nhiều địa điểm, trong nhiều bối cảnh khác nhau, bởi 3 cơ quan thường tiếp xúc ban đầu như công an giải cứu, y tế cấp cứu, hoặc nơi trú ẩn an toàn (tách biệt với môi trường bạo lực)... Đặc biệt, cần truyền thông mạnh mẽ về các địa chỉ, cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ để người dân biết và tìm sự trợ giúp khi có nhu cầu.

Còn theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cần chú ý các nhóm giải pháp sau: Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực trẻ em trong gia đình; tăng cường phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về bảo vệ trẻ em, nhất là thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, quan niệm về bảo vệ trẻ em. Hướng dẫn kiến thức, kỹ năng cho trẻ em biết tự bảo vệ mình; trang bị các kiến thức về quyền trẻ em, thông tin về dịch vụ hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), đặc biệt là trách nhiệm lên tiếng, thông báo, tố cáo các hành vi xâm hại trẻ em; tăng cường nhân lực làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã và thúc đẩy sự tham gia của đoàn viên, hội viên thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và đơn vị có liên quan tham gia mạng lưới xã hội bảo vệ trẻ em…

Ban Tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến trân trọng cảm ơn đơn vị đồng hành: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Hiệp Phát.

Tiến sĩ Trần Thị Huyền Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP HCM:

Cần bổ sung xử phạt bằng hình thức lao động công ích

Hiện nay, chúng ta thực hiện góp ý dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi. Vì vậy, buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Phòng chống bạo hành, xâm hại phụ nữ và trẻ em" do Báo Người Lao Động tổ chức đóng góp giá trị rất lớn để chung tay tham gia phòng chống và phòng ngừa bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em trên địa bàn TP HCM cũng như cả nước. Qua đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP HCM cũng mong muốn đóng góp ý kiến về việc bổ sung hình phạt đối với hành vi bạo lực gia đình. Cụ thể, tại khoản 1 điều 4, Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt về vi phạm hành chính về an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và phòng chống bạo lực gia đình với mức phạt đối với cá nhân là 30 triệu đồng, đối với tổ chức là 60 triệu đồng. Theo Hội LHPN TP HCM, nên nghiên cứu bổ sung lao động công ích đối với hành vi bạo lực gia đình khi không có khả năng nộp phạt hành chính để nhằm bảo đảm tính răn đe, tính nghiêm minh của pháp luật.

Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố - Kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự, VKSND TP HCM:

Góp phần nâng cao nhận thức của người dân

Theo tôi, chủ đề "Phòng chống bạo hành, xâm hại phụ nữ và trẻ em" rất hay, được dư luận, những người tâm huyết quan tâm với mong muốn có sự thay đổi nhận thức trong toàn xã hội. Khi nói đến phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục là nỗi đau không chỉ riêng của gia đình nạn nhân mà còn là nỗi đau của toàn xã hội. Tâm lý của người Á Đông thì những chuyện này không muốn cho người ngoài biết, chỉ đến khi quá bức xúc, đưa ra dư luận thì lúc này việc chứng minh tội phạm là rất khó. Do đó, chúng ta cần chung tay góp sức để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề đưa các đối tượng phạm tội ra ánh sáng, đừng vì cả nể, lo sợ, xấu hổ.

Luật sư Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM:

Kịp thời, thiết thực

Buổi giao lưu trực tuyến với đề tài "Phòng chống bạo hành, xâm hại phụ nữ và trẻ em" rất phù hợp với thực trạng. Đây là chủ đề nóng, được dư luận đặc biệt quan tâm. Việc Báo Người Lao Động tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề này là rất kịp thời và có ý nghĩa thiết thực. Mong là buổi giao lưu hôm nay sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân cũng như trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em thoát khỏi nạn bạo hành, bị xâm hại.

Ý Linh ghi


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...