A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NHỮNG PHỤ NỮ TRUYỀN CẢM HỨNG: Khát vọng về thời đại mới của y học Việt

Không chỉ là bác sĩ trẻ có nhiều thành tựu nghiên cứu y khoa, Đỗ Phạm Nguyệt Thanh còn nuôi dưỡng khát vọng đóng góp cho "cuộc cách mạng" về chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh tại Việt Na

Bác sĩ (BS) Đỗ Phạm Nguyệt Thanh là một trong 108 cá nhân thuộc lực lượng y tế của TP HCM được Thủ tướng tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Nữ BS sinh năm 1995 này không phải là gương mặt xa lạ gì với tuổi trẻ TP HCM, người từng được mệnh danh là "Công dân toàn cầu", biết nhiều thứ tiếng, đi qua 18 quốc gia giao lưu với thanh niên thế giới. Năm 2020, cô được tôn vinh "Công dân trẻ tiêu biểu TP HCM".

NHỮNG PHỤ NỮ TRUYỀN CẢM HỨNG: Khát vọng về thời đại mới của y học Việt - Ảnh 1.

Bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Từ ước mơ bảo vệ gia đình...

Ước mơ trở thành BS của Đỗ Phạm Nguyệt Thanh đến rất tự nhiên. Từ nhỏ, Thanh đã nhiều lần chứng kiến cả bố và mẹ phải thường xuyên đi cấp cứu vì bệnh tình trở nặng. "Nguy hiểm nhất là mẹ bị tim bẩm sinh. Mỗi lần mẹ được đưa đi cấp cứu cứ như đứng trước lằn ranh sinh tử. Lúc đó, BS phải dùng đến máy kích tim để phá các cơn rung cho tim đập chậm lại. Mẹ thường xuyên phải đi cấp cứu như vậy cho đến khi gặp được BS mổ tim thành công, mẹ như được tái sinh" - Thanh nhớ lại.

Năm Thanh học lớp 9, mẹ mang bầu lần thứ 2 khi tuổi đã lớn nên quá trình này chẳng dễ dàng. Là người đầu tiên bế em gái nhỏ từ tay BS, Thanh vỡ òa hạnh phúc; ước mơ trở thành BS để bảo vệ cho cả gia đình càng thêm sâu sắc. Để rồi ước mơ ngày nào của Thanh đã thành hiện thực.

Từ một cô bé rụt rè, Thanh chủ động "săn" các suất trở thành tình nguyện viên quốc tế. Nhờ đó, từ thời sinh viên y khoa, nữ "Công dân toàn cầu" này đã được biết đến là gương mặt nổi trội trong các chương trình giao lưu thanh niên, sinh viên quốc tế. Khép lại thời sinh viên, Thanh đã đi qua 18 quốc gia với suy nghĩ "muốn phát triển bằng thế giới, phải biết thế giới đang làm gì".

Ngoài thông thạo tiếng Anh, để nắm bắt những thời cơ hội nhập, Thanh còn trau dồi thêm tiếng Pháp và Đức. Nhờ đó, cô gái này thường xuyên được tin tưởng giao nhiệm vụ trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tại các chương trình giao lưu thanh niên, sinh viên quốc tế.

Không chuyến đi nào giống chuyến đi nào nên nữ "Công dân toàn cầu" này luôn đón nhận mọi điều mới, ở môi trường mới bằng sự hứng khởi, sẵn sàng trải nghiệm, đón nhận thử thách để hoàn thiện bản thân hơn.

Có vẻ chính hiểu biết sâu rộng về thế giới và con người đã giúp Thanh biết cách làm nên những điều ý nghĩa cho chính mình và mọi người xung quanh.

Chia sẻ về chuyến đi giúp Thanh học được nhiều nhất là lần được giao nhiệm vụ trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tham gia giao lưu thanh niên, sinh viên Nhật Bản - Đông Á năm 2018.

Thanh và các tình nguyện viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau được học tại một trường đại học lớn ở Tokyo - Nhật Bản. Tại đây, các bạn được nghe về các chính sách y tế công cũng như mục tiêu phát triển y tế toàn cầu của nước ngoài, mô hình xây dựng và chăm sóc sức khỏe cộng đồng của các nước phát triển.

... đến khát vọng cống hiến cho cộng đồng

BS Đỗ Phạm Nguyệt Thanh hiện công tác tại Trung tâm Nghiên cứu y khoa - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Nói về chuyên môn, BS Thanh ví quyết định chọn học và theo đuổi con đường BS cận lâm sàng của mình giống như đi vào "khe cửa hẹp". "Ngành không chỉ khô khan, hàn lâm mà xã hội cũng chưa nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò của BS cận lâm sàng. Khi mình chọn học ngành này, nhiều người nói rằng "làm BS mà không chữa bệnh được cho ai hết, không mở phòng mạch". Có lẽ đây cũng là lý do hướng đi này rất ít người chọn. Thú thật trong năm học đầu tiên, tôi cũng có chút hoang mang với quyết định của mình" - Thanh bày tỏ.

Như duyên lành, kết thúc năm thứ nhất đại học, nhờ giỏi ngoại ngữ, Thanh được hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thời điểm này giới thiệu làm trợ lý cho giáo sư Dominique Bron (Viện Jules Bordet, Trung tâm Ung bướu, Đại học Libre de Bruxelles - Bỉ) trong thời gian tham dự hội nghị huyết học châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Việt Nam.

NHỮNG PHỤ NỮ TRUYỀN CẢM HỨNG: Khát vọng về thời đại mới của y học Việt - Ảnh 2.

Bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 với vai trò là trưởng nhóm thông tin hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Sau một tuần, vì được đánh giá cao, Thanh được giáo sư Dominique Bron tài trợ chuyến thực tập tại Bỉ trong vòng 1 tháng. Đó là một trải nghiệm không phải sinh viên học y khoa nào cũng có được.

"Có đi, tôi mới thấy được y học thế giới đang phát triển ở tầm rất khủng khiếp. Tôi cũng gặp được các anh chị người Việt Nam đang làm nghiên cứu sinh; được các anh chị hỗ trợ vào bệnh viện, quan sát các BS làm việc và may mắn còn được tham gia khóa học miễn phí 3 ngày phẫu thuật bằng robot mà chi phí cho một người tham gia tới 2.500 euro/buổi" - BS Nguyệt Thanh kể.

Từ chuyến đi này, Thanh đã tự tin hơn để theo đuổi đam mê của mình với lĩnh vực huyết học nói riêng và con đường trở thành BS cận lâm sàng nói chung.

"Cũng nhờ chuyến đi ấy, tôi mới nhìn nhận được giá trị của BS cận lâm sàng cao lắm, nhất là ở các nước khoa học chứng cứ phát triển. Tức là phải có bằng chứng về nghiên cứu, vì các ca bệnh là cá thể hóa thì BS mới áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Chứ không phải là chữa bệnh bằng kinh nghiệm, ca này giống ca kia. Nếu BS cận lâm sàng có chuyên môn không tốt, chẳng khác nào đưa cho bệnh nhân bản án tử. Chính BS cận lâm sàng mới là người biết bệnh nhân mắc bệnh ung thư hay đái tháo đường... Chẩn đoán đúng thì cứ thế mà điều trị. Thế hệ mới của y học tại Việt Nam, không phải chữa bệnh trên triệu chứng mà phải đi vào gốc, thậm chí thay thế gien" - BS Nguyệt Thanh kỳ vọng. 

(Còn tiếp)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết