Những người phụ nữ vạn năng và câu chuyện mang "cơm nhà' đến với thực khách
Chị Đoàn Lê Yến Vy và Trần Phương Hiền là những người bạn thân từ thuở nhỏ, sinh ra và lớn lên tại thành phố Đà Nẵng. Sau nhiều năm tích góp, với số vốn trong tay là 800 triệu đồng, hai chị đã bắt tay vào khởi nghiệp năm 2017 để tạo nên mô hình quán ăn mang âm hưởng Retro thời bao cấp độc đáo với các món “cơm nhà”, đem về lợi nhuận lên tới 100 triệu đồng/tháng.
Nghỉ công việc quản lý để khởi nghiệp và những thử thách ban đầu
Được biết, câu chuyện bắt đầu khi nhân một dịp chị Vy nói “muốn nghỉ việc và mở một quán cơm thật đặc biệt.”
Kể về lý do đưa ra quyết định quan trọng này, chị Vy chia sẻ: “Mình muốn tự chủ về tài chính, không muốn bị phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ công việc “làm công ăn lương” ở công ty. Hơn nữa đây cũng là sở thích nên thời điểm đó mình đã xin nghỉ việc để hoàn toàn tập trung lên kế hoạch và set-up quán. Vì mình quan niệm, khi muốn làm việc gì thì phải dành 100% thời gian, năng lượng cũng như tâm huyết của mình vào đó thì mới mong đạt được kết quả”.
Chị Đoàn Lê Yến Vy: “Tôi muốn nghỉ việc và mở một quán cơm thật đặc biệt.” (Ảnh: NVCC).
Ý tưởng về quán ăn mang phong cách thời bao cấp bắt nguồn từ việc năm sinh của hai chị cùng là 1986, và là một cột mốc rất đặc biệt của đất nước. Đó là năm chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường. Đây cũng là lý do mà cái tên “Mậu Dịch 1986" ra đời.
Bắt tay vào khởi nghiệp, mặc dù gặp phải rất nhiều khó khăn, nhưng khó khăn lớn nhất đối với hai chị lúc đó không phải làm thế nào để có được nhiều khách hàng hay làm thế nào để quán nhanh chóng được biết đến, mà là làm thế nào để xây dựng được một đội ngũ bếp chuyên nghiệp với tay nghề ổn định. Điều quan trọng nhất là nấu được các món ăn thuần Việt với hương vị đậm đà, mà không cần dùng mì chính để đảm bảo sức khỏe cho người thưởng thức chúng.
“Mỗi ngày bọn mình đều hầm một nồi nước dùng to từ xương cùi để sử dụng trong việc nấu nướng thay cho việc sử dụng mì chính. Chính vì yêu cầu đặc biệt này nên các bạn đầu bếp rất khó hợp tác. Mình không thể quên được những ngày đầu, có lúc bếp vì không thể đáp ứng được yêu cầu này nên liên tục xin nghỉ việc khiến bọn mình rất đau đầu. Tuy nhiên bọn mình vẫn kiên trì theo đuổi phương châm “nói không với mì chính”, và may mắn là sau một thời gian loay hoay, bọn mình đã có thể tìm được một đội bếp hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu “khó nhằn” đó”, chị Hiền kể lại.
Kết quả xứng đáng cho những người phụ nữ vạn năng
Sau 6 tháng đi vào hoạt động, tình hình kinh doanh dần ổn định nhờ đội ngũ Quản lý – Nhân viên chuyên nghiệp, tận tình nên quỹ thời gian rảnh nhiều hơn, chị Vy quyết định quay trở lại với công việc Quản lý dự án, còn chị Hiền cũng đang đảm nhiệm vị trí Quản lý hành chính nhân sự trong một doanh nghiệp toàn cầu về lĩnh vực công nghệ thông tin. Việc làm song song hai công việc đối với một người vợ, người mẹ trong gia đình là một điều vô cùng vất vả và mất nhiều thời gian. Song nhờ những kỹ năng và kinh nghiệm tích lũy được, hai chị đã sắp xếp, phân bổ thời gian hợp lý để vừa hoàn thành tốt các công việc vừa có thể chăm lo cho gia đình, con cái.
Các chị quan niệm, đối với con cái, chất lượng thời gian quan trọng hơn số lượng nên mặc dù không có nhiều thời gian dành cho con nhưng mà khi đã ở với con thì sẽ toàn tâm toàn ý, dành 100% năng lượng và tâm huyết.
“Khi mà mình dành nhiều tâm huyết, trò chuyện cùng con thì con cũng sẽ chia sẻ với mình như một người bạn. Cho nên dù mình không thể làm một người mẹ “full time” được nhưng sợi dây gắn kết giữa 2 mẹ con vẫn luôn bền chặt, con lúc nào cũng gần gũi và sẵn sàng chia sẻ với mình”, chị Hiền tâm sự.
Mặc dù làm một lúc ba công việc nhưng những kết quả mà các chị đạt được trong việc khởi nghiệp rất đáng ngưỡng mộ. Với số vốn ban đầu khoảng 700 – 800 triệu đồng, chỉ sau 3 tháng các chị đã thu được những đồng lợi nhuận đầu tiên. Sau 1-2 năm, lợi nhuận bình quân mỗi tháng lên tới 100 triệu đồng. Quán ăn của các chị thu hút rất nhiều thực khách và nằm trong top 10 quán ăn ngon nhất Đà Nẵng được bình chọn trên Toplist.
Các bàn khách tại “Mậu Dịch” luôn kín chỗ vào giờ cao điểm (Ảnh: Fanpage).
Theo các chị, kết quả đó có được là nhờ có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về thị trường cũng như sở thích của khách hàng. Đồng thời hai chị cũng nghiên cứu rất kỹ các quán ăn khác trong cùng phân khúc hoặc cùng phong cách, từ đó tạo nên những điểm nhấn, điểm khác biệt của riêng mình.
Thêm vào đó là sự dày công nghiên cứu ra một hương vị đặc biệt có thể đáp ứng được khẩu vị đa dạng của thực khách. Bởi Đà Nẵng là một thành phố du lịch, là nơi đón du khách từ mọi miền đất nước, và thậm chí là những người nước ngoài đến thăm Việt Nam. Nhờ tất cả những yếu tố đó mà ngay từ thời điểm mới đi vào hoạt động, nhà hàng của các chị đã rất thuận lợi trong việc đến với khách hàng và nhận được rất nhiều sự quan tâm, yêu thích của thực khách sau khi thưởng thức hương vị của những món “cơm nhà” nơi đây.
“Phục vụ khách hàng bằng trái tim, tất cả phải đặt vào chất lượng món ăn và sức khỏe của người tiêu dùng đầu tiên”
“Tụi mình luôn nhập nguyên liệu tươi hàng ngày, thực đơn của quán cũng được đổi mới liên tục để lúc nào cũng mang đến sự mới mẻ cho thực khách. Bên cạnh đó tụi mình luôn mong muốn khách hàng nhận được dịch vụ chất lượng tốt nhất, đó là điều rất quan trọng”, chị Vy chia sẻ.
Giá trị mà các chị luôn hướng đến khi kinh doanh đó chính là “cơm nhà”. Coi khách hàng là người nhà, nấu cho khách hàng như nấu cho chính người nhà của mình và đặt mọi tâm huyết vào món ăn, sử dụng nguyên liệu và gia vị tốt nhất, đảm bảo nhất. Đây cũng là cách để giới thiệu, truyền bá tinh hoa ẩm thực Việt đến với bạn bè năm châu, thể hiện niềm tự hào dân tộc.
Những món “cơm nhà” làm ấm lòng người con đất Việt và chiếm được cảm tình của rất nhiều du khách nước ngoài (Ảnh: Fanpage).
Thông qua đây, các chị mong muốn lan tỏa đến những người con đất Việt: Dù có đi đến đâu, khám phá ẩm thực trên toàn thế giới thì mọi người hãy luôn nhớ về một bữa cơm thuần Việt – bữa cơm của người Việt. Cho dù xã hội có phát triển đến đâu, mọi thứ có hiện đại tới đâu, văn hóa có thay đổi thì chúng ta cũng luôn luôn phải trân trọng những giá trị của lịch sử, của một thời đã qua.
Trong công việc kinh doanh, bên cạnh những thành công đạt được luôn có cả sự hiện diện của những giọt mồ hôi và nước mắt. Nhưng nếu được quay lại thời điểm 5 năm trước, các chị cho biết sẽ vẫn tiếp tục lựa chọn con đường khởi nghiệp này. Bởi đó không chỉ là sở thích, là niềm vui của các chị mà còn là “kế sinh nhai” của các bạn trẻ đang đồng hành, gắn bó cùng với quán.
Trong cuộc sống, các chị luôn tâm niệm: “Cái gì được đánh đổi bằng sự yên bình của mình, thì cái đó quá đắt giá”. Vậy nên khi bắt tay làm việc gì hai chị cũng luôn làm bằng niềm vui và nỗ lực, cố gắng hết mình cho nó, sống vui vẻ nhất có thể. “Làm những việc mình thích, thích những việc mình làm” và cho đi nhiều hơn là thông điệp mà các chị muốn gửi gắm đến tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ mang trong mình nhiều hoài bão, đam mê