A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm thế nào để biết mình nhiễm biến thể Omicron hay Delta? Chuyên gia gợi ý

Theo các chuyên gia, người nhiễm biến thể Omicron sẽ có các triệu chứng nhẹ hơn so với Delta. Tuy nhiên, nguy cơ chuyển nặng vẫn tiềm ẩn.

Sự khác biệt giữa Omicron và Delta

Theo báo cáo của TP. Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện, trong đó biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện mắc Covid-19 chủng Omicron.

Tại TP. HCM, theo kết quả triển khai lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên để giám sát sự lưu hành biến thể Omicron trong cộng đồng từ ngày 10-17/2/2022, trong 92 mẫu bệnh phẩm được kiểm tra thì có 70 mẫu có kết quả PCR sàng lọc dương tính với biến thể Omicron, chiếm tỷ lệ 76%.

TS Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT (ĐH Nguyễn Tất Thành), cho biết người nhiễm Delta và Omicron sẽ có những triệu chứng khác nhau. Rất nhiều người nhiễm biến thể Delta bị mất khứu giác (5-6 ngày sau phát bệnh sẽ mất mùi). Do vậy, trong một chuỗi lây nhiễm khoảng 10 ngày không ai mất mùi thì rất có thể 80-90% là nhiễm Omicron.

Làm thế nào để biết mình nhiễm biến thể Omicron hay Delta? Chuyên gia gợi ý - Ảnh 1.

Bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron sẽ nhẹ hơn Delta (ảnh minh hoạ)

Theo các nghiên cứu gần đây, triệu chứng nổi bật của Omicron là triệu chứng giống cảm kết hợp đau rát họng, chảy nước mũi và không ít người test nhanh vẫn âm tính dù có đủ các triệu chứng.

Nếu test nhanh âm tính, người bệnh cũng không nên vội mừng, nên chờ thêm 1, 2 ngày để test lại.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP. HCM cho biết 2 biến thể Delta và Omicron có những đặc điểm khác nhau. Người mắc biến thể Omicron sẽ có triệu chứng nhẹ so với Delta, tuy nhiên không thể chỉ dựa triệu chứng để có thể chẩn đoán mắc Omicron hay Delta.

"Các trường hợp mắc biến thể Omicron sẽ có một số triệu chứng giống cảm, ví dụ bệnh nhân bị sổ mũi, sụt sịt, khàn tiếng (viêm dây thanh quản)… Đặc biệt, các ca mắc Omicron rất ít bị mất khứu giác nhưng không có nghĩa là không có triệu chứng này. Nên việc dựa vào các triệu chứng để khẳng định mắc Omicron hay Delta là không chính xác. Muốn biết chúng ta phải giải trình tự gen", bác sĩ Khanh nói.

Bác sĩ Khanh cung cấp thêm thông tin rằng biến thể Omicron khi mắc sẽ nhẹ hơn Delta, kể cả với các đối tượng như người lớn tuổi, người có bệnh nền, nhưng vẫn cần phải lưu ý tới vấn đề chuyển biến nặng của bệnh nhân.

Để phòng ngừa Covid-19 và giảm nguy cơ phải nhập viện, việc quan trọng nhất vẫn là tiêm đầy đủ các mũi vắc xin và thực hiện biện pháp 5K.

Dù mắc biến thể Omicron hay Delta thì việc điều trị Covid-19 vẫn chủ yếu tập trung vào điều trị triệu chứng, ví dụ sốt trên 38.5 độ sẽ uống hạ sốt, ho uống thuốc ho… Với thuốc kháng virus cần tùy đối tượng người bệnh và do bác sĩ chỉ định.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết với biến thể Omicron, chúng ta có thể an tâm hơn một chút. Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy biến thể này chủ yếu gây ảnh hưởng ở đường hô hấp trên, tức là virus nhân bản và phát triển mạnh ở cổ họng và mũi. Điều đó phần nào giải thích việc biến thể này phát tán nhanh hơn biến thể Delta hay các biến thể trước đây - vốn xâm lấn nhiều ở phổi.

Trên thực tế, nghiên cứu dịch tễ tại một số quốc gia như ở Nam Phi, Anh… cho thấy mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron giảm 20-30%.

Đối với người đã tiêm vắc xin, khả năng bảo vệ trước việc nhiễm biến thể Omicron có thể giảm, nhưng mức độ bảo vệ tránh khỏi tử vong vẫn còn rất cao. Vì cơ thể con người có những tế bào ghi nhớ, nếu bị nhiễm virus thì miễn dịch của cơ thể có thể tạo kháng thể nhanh. Kết quả là bệnh nhân sẽ không bị nặng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...