A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhân rộng mô hình giảm nghèo, trợ giúp pháp lý

Theo UBND tỉnh Long An, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh thời gian qua luôn được quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, các cấp, các ngành luôn xác định rõ việc đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững là một nhiệm vụ quan trọng. Các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các chính sách về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, khuyến nông và khuyến công, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, trợ giúp pháp lý.

Các cấp, các ngành, các địa phương kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân trong, ngoài tỉnh ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” để có điều kiện giúp đỡ người nghèo trong tỉnh phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Cụ thể, trong năm 2023, Long An đã hỗ trợ hơn 5.200 lượt với kinh phí gần 3,2 tỷ đồng tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội; cấp gần 11.000 lượt thẻ bảo hiểm y tế đối với người nghèo, hơn 28.800 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo và 216.200 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội, người cao tuổi, trẻ em... Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã xây dựng 276 căn nhà Đại đoàn kết với số tiền trên 14,4 tỷ đồng; sửa chữa 80 căn nhà Đại đoàn kết với số tiền trên 1,5 tỷ đồng nhằm thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo.

Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, trong năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng chính sách xã hội Long An đã cho vay trên 68.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số đạt gần 3.000 tỷ đồng; trong đó doanh số cho vay hộ nghèo đạt 25,4 tỷ đồng; hộ cận nghèo đạt 168 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo 536 tỷ đồng.

Ngoài ra, các đơn vị, địa phương tổ chức các lớp tập huấn về trồng trọt chăn nuôi và lĩnh vực thủy sản cho các đối tượng là người nghèo, người cận nghèo và những người mới thoát nghèo; tăng cường tuyên truyền xây dựng các tổ hợp tác liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ dân; tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người cận nghèo...

Nhờ đó, công tác giảm nghèo trên địa bàn đạt được nhiều kết quả khả quan. Đầu năm 2024, tổng số hộ nghèo của tỉnh Long An chỉ còn hơn 3.600 hộ, chiếm 0,75%; tổng số hộ cận nghèo hơn 9.000 hộ, chiếm 1,86%.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh Long An, công tác giảm nghèo hiện vẫn chưa bền vững, đời sống của một bộ phận người nghèo còn khó khăn, chưa bảo đảm mức tối thiểu các dịch vụ xã hội cơ bản. Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 còn chậm.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa, thời gian tới, các đơn vị, địa phương trong tỉnh sẽ tập trung xây dựng các mô hình giảm nghèo phù hợp với từng địa bàn; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo bền vững. Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên người nghèo sinh sống tại khu vực vùng sâu, vùng xa; tập trung đầu tư và kết nối đến các địa phương nghèo; đáp ứng nhu cầu của người dân về sử dụng các dịch vụ xã hội cơ bản; khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của người nghèo. Đồng thời, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng, từng bước tạo nguồn thu nhập cho các hộ nghèo để nâng cao đời sống của người dân. Các địa phương, đơn vị tập trung nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Long An chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, khuyến khích hộ nghèo vươn lên “Thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no”..../.

Bùi Giang


Tác giả: Bùi Như Trường Giang
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết