Người sang Hàn Quốc làm việc bỏ trốn còn cao
Hàng chục ngàn người lao động các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đi làm việc tại Hàn Quốc đã thoát nghèo nhưng số người bỏ trốn cũng cao
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa tổ chức hội thảo phân tích nhiều vấn đề xung quanh các hoạt động đưa người lao động (NLĐ) các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đi làm việc ở Hàn Quốc thông qua chương trình cấp phép việc làm của Chính phủ Hàn Quốc (chương trình EPS).
Giảm nghèo hiệu quả
Theo Bộ LĐ-TB-XH, từ năm 2004 đến nay, cả nước có gần 126.900 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Trong đó, số lượng NLĐ các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên chiếm 40%. Từ năm 2017 đến nay, các tỉnh tại khu vực này có gần 66.800 người đăng ký dự thi tiếng Hàn (chiếm 61,6% cả nước), lao động được xuất cảnh là 22.480 (chiếm 70% cả nước).
Ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, đánh giá chi phí xuất cảnh thấp, mức thu nhập cao, môi trường làm việc tốt nên những năm gần đây, thị trường lao động Hàn Quốc đã thu hút nhiều NLĐ tham gia đăng ký và thi tuyển. Những chương trình đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài như EPS đã mang lại nhiều giá trị của từng địa phương, nhất là vùng nông thôn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Nhiều lao động tỉnh Quảng Bình ứng tuyển theo chương trình ESP sang Hàn Quốc làm việc
Theo ông Hoan, lực lượng lao động này sau khi về nước trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Nhiều NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, thuộc đối tượng chính sách đã được tiếp cận và tham gia chương trình đã đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội theo chính sách của Đảng và Nhà nước. "Ở Hàn Quốc, ngoài thu nhập cao, NLĐ còn được nâng cao tay nghề, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công việc, cũng như trình độ ngoại ngữ" - ông Hoan nhấn mạnh.
Bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Bình, cho biết hiện toàn tỉnh có hơn 12.000 NLĐ làm việc tại nước ngoài. Từ năm 2007 đến nay, Quảng Bình có khoảng 3.600 người sang Hàn Quốc làm việc thông qua chương trình EPS. Riêng năm 2023, địa phương đã có trên 500 lao động xuất cảnh và hơn 1.500 người đăng ký.
Theo bà Lan, do điều kiện kinh tế của người dân trong tỉnh còn nhiều khó khăn nên việc đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc là phương án giảm nghèo hiệu quả, nhất là với thanh niên. "NLĐ sang Hàn Quốc làm việc trong ngành ngư nghiệp chiếm hơn 50% mỗi năm. Với thu nhập từ 25 - 45 triệu đồng/người/tháng sẽ mang về khoản ngoại tệ lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh" - bà Lan nói.
Xây dựng cơ chế ràng buộc
Miền Trung - Tây Nguyên là khu vực có số lượng NLĐ tham gia các chương trình phi lợi nhuận nhiều nhất, nhất là chương trình EPS. Tuy nhiên, tỉ lệ NLĐ hết hạn hợp đồng lao động không về nước, bỏ trốn ở lại làm việc bất hợp pháp còn cao so với các địa phương khác. Đây là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tiến trình hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, kéo theo nhiều hệ lụy khiến hàng ngàn NLĐ mất cơ hội.
Nghệ An là một trong các tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng NLĐ đi làm việc ở Hàn Quốc với hơn 13.000 người xuất cảnh theo chương trình EPS. Nhưng đây cũng là địa phương có tỉ lệ lao động không về nước đúng quy định ở mức cao. Đại diện Sở LĐ-TB-XH tỉnh Nghệ An cho biết thời gian qua, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền cho NLĐ nhằm hạn chế tình trạng này. Tuy nhiên, ngoài tuyên truyền, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với NLĐ cư trú bất hợp pháp không về nước theo quy định.
Còn đại diện Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Bình cũng thừa nhận NLĐ của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài khi hết hạn hợp đồng hoặc còn thời hạn hợp đồng đã tự ý bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp là vấn đề nổi cộm. Riêng Hàn Quốc, năm 2022 số người ở lại bất hợp pháp chiếm 46%, lao động theo hợp đồng thời vụ là 80%.
Lý giải nguyên nhân, lãnh đạo các sở LĐ-TB-XH cho rằng có nhiều lý do, nhưng đáng chú ý nhất là sự chênh lệch lớn về thu nhập giữa lao động chính quy và bất hợp pháp. Bà Đinh Thị Ngọc Lan lấy ví dụ ở Hàn Quốc, lao động chính quy thu nhập khoảng 40 triệu đồng/tháng nhưng lao động bất hợp pháp kiếm được gấp rưỡi hoặc gấp đôi.
Ngoài ra, có nguyên nhân từ ý thức chấp hành của NLĐ kém; chế tài xử phạt khó; việc tạo việc làm khi NLĐ về nước chưa tốt nên họ muốn ở lại… "Do đó, thời gian tới, tỉnh Quảng Bình sẽ xây dựng cơ chế ràng buộc với NLĐ trong ký quỹ, thế chấp, để xử lý hành chính khi NLĐ vi phạm; tăng cường giám sát doanh nghiệp đưa NLĐ ra nước ngoài; chú trọng đào tạo kỹ năng nghề, tiếng, pháp luật lao động… cho NLĐ.
Thúc đẩy đào tạo nghề
Bộ LĐ-TB-XH cho biết NLĐ sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS có 4 ngành (sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp) được hưởng đầy đủ các chế độ về lương, bảo hiểm như NLĐ bản địa, với mức lương tối thiểu hiện hơn 2 triệu won/tháng (khoảng 36 triệu đồng), chưa tính tiền làm thêm giờ.
Những năm gần đây, Hàn Quốc đã triển khai thí điểm tuyển chọn lao động ngành hàn xì và có xu hướng mở rộng về ngành nghề nên sẽ tăng số lượng tuyển. Trong năm 2023, Hàn Quốc có nhu cầu tiếp nhận 300 người nhưng chỉ tuyển chọn được 196 lao động. Vì vậy thời gian tới, việc cần làm là tiếp tục thúc đẩy đào tạo nghề gắn với nhu cầu tuyển dụng.