Đừng ngại làm việc trái ngành
Trong bối cảnh thị trường lao động đang trải qua nhiều biến động như hiện nay, nhiều cử nhân phải đối mặt với khó khăn trong tìm kiếm việc làm theo đúng chuyên ngành, sở thích. Tuy nhiên, để dấn thân vào lĩnh vực khác cũng không quá khó như mọi người vẫn nghĩ.
Chị Nguyễn Hoàng Diệu Hiền (26 tuổi), tốt nghiệp năm 2019 với tấm bằng cử nhân ngành thiết kế công nghiệp. Sau 3 năm làm việc tại 2 doanh nghiệp khác ngành, chị bắt đầu nhận thấy lĩnh vực mình theo làm còn rất nhiều hạn chế. Tỉ lệ đào thải cao và tính chất đặc thù ưu tiên tuyển dụng nhân sự nam đã khiến chị Hiền "vỡ mộng".
Sau thời gian dài nghiên cứu thị trường, chị Hiền nhận thấy được tiềm năng vượt trội của ngành thiết kế đồ họa trong thời đại kỹ thuật số như hiện nay. Đó cũng là lý do khiến chị đưa ra quyết định tạm dừng công việc thiết kế công nghiệp để chuyển hướng phát triển. "Tôi không muốn giới hạn mình vào một lĩnh vực nhất định mà sẽ cố gắng mở rộng nhiều cơ hội khác cho bản thân" - chị nói.
Làm trái ngành cũng đồng nghĩa với việc người lao động phải chấp nhận bước chậm hơn so với các đồng nghiệp đã có kinh nghiệm. Vì thiếu kiến thức nền tảng, quá trình này đòi hỏi sự chủ động tìm tòi và trau dồi một cách nghiêm túc. Nhận thức được điều đó, sau mỗi giờ làm ở công ty chị Hiền đều dành 2 - 3 giờ đọc thêm các tài liệu để bổ trợ cho công việc. Đồng thời, chị cũng xem đây là thời cơ nâng cao khả năng tư duy, sẵn sàng cho sự nghiệp tương lai.
Là cựu sinh viên ngành xã hội học nhưng Vũ Ngô Hiếu Ngân (23 tuổi) từ sau khi ra trường lại quyết tâm đi theo lĩnh vực tiếp thị sản phẩm. Đối với Ngân, học đại học để trau dồi kỹ năng và khám phá thế mạnh cũng như sở trường của bản thân. Còn lựa chọn ngành nghề sau này thì lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Do đó, công việc không nhất thiết phải tương đồng với ngành mình học.
"Tôi thấy không có gì sai khi sinh viên học xong lại đi làm trái ngành. Đôi khi, việc theo đuổi một công việc khác là cơ hội để mở rộng tầm nhìn và khám phá năng lực của bản thân" - Ngân lập luận và cũng lưu ý khi chuyển hướng, nếu muốn gắn bó lâu dài với công việc thì vẫn cần nâng cao kiến thức chuyên ngành.
Vũ Ngô Hiếu Ngân đang làm việc tại công ty. Ảnh: MINH NH
Không đặt bản thân trong những định kiến truyền thống về việc làm trái ngành, Nguyễn Hoàng Vũ (21 tuổi) xem đây là quá trình "được nhiều hơn mất". Ban đầu, định hướng công việc của anh là tổ chức truyền thông và quản lý sự kiện. Nhưng vì tình hình kinh tế khó khăn, công việc này trở nên không ổn định. Để đáp ứng nhu cầu cuộc sống, Vũ bắt đầu tìm kiếm và được nhận việc tại một trung tâm dạy học trong thành phố.
Nhờ cơ duyên đến với công việc này, Vũ được dịp mở rộng phạm vi kiến thức chuyên ngành. Thông qua hoạt động trao đổi thường xuyên với học sinh và phụ huynh, anh đã rèn được khả năng giao tiếp đúng cách và xử lý khủng hoảng với những tình huống phát sinh. "Tôi không lo mất đi cơ hội trong thị trường mình theo đuổi vì tôi biết bản thân có thể học được gì từ công việc tay trái để quay lại hỗ trợ cho sự nghiệp ban đầu" - Vũ khẳng định.
Trước đây, anh Cao Minh Thuận (28 tuổi) cũng đã chọn ngôn ngữ Nhật là ngành học gắn bó với mình trong 4 năm đại học. Thế nhưng khi bước đến giai đoạn năm 3 - 4 anh mới nhận ra bản thân không thật sự thích nó. Kể từ sau khi tốt nghiệp, anh chuyển sang ngành thiết kế đồ họa và quyết định học thêm chứng chỉ để có thể làm việc tại các công ty liên quan đến lĩnh vực.
Việc làm trái ngành không có nghĩa là phải bỏ hết tất cả để bắt đầu từ con số 0. Những kiến thức đã học trong quá trình trước đó vẫn tận dụng được để tăng thêm lợi thế cạnh tranh cũng như mở rộng kiến thức trong công việc. Thị trường lao động ngày nay thay đổi rất nhanh chóng. Nếu nhìn nhận từ góc độ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, lựa chọn việc làm trái ngành sẽ góp phần tạo nên người lao động linh hoạt, sẵn sàng thích ứng với mọi hoàn cảnh. Bên cạnh đó, không nên ngần ngại thay đổi, trải nghiệm và cánh cửa mới sẽ mở ra khi theo một hướng khác thay vì cứ mãi chờ đợi.