A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội: Công nhân mong an cư lạc nghiệp

TP Hà Nội sẽ tạo quỹ đất và khởi công một số dự án nhà ở xã hội để giải quyết chỗ ở cho công nhân

Nhân dịp Tháng Công nhân năm 2024, sáng 23-5, LĐLĐ TP Hà Nội phối hợp với UBND TP tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội với công nhân lao động (CNLĐ) thủ đô.
"Món nợ" phải trả!

Tại hội nghị, ông Nguyễn Huy Khánh, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội, cho biết nhà ở cho CNLĐ còn thiếu so với sự gia tăng nhanh của lực lượng lao động và đó là yêu cầu bức xúc hiện nay của đoàn viên - lao động. Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị thành phố quan tâm đầu tư nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở cho công nhân; có cơ chế, chính sách hỗ trợ về điều kiện mua, thuê mua NƠXH, hỗ trợ về chính sách vay vốn...

Giải đáp vấn đề này, ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết hiện nay thành phố đang triển khai 58 dự án phát triển NƠXH với 60.000 căn hộ.

Thành phố cũng lập chủ trương đầu tư 5 khu NƠXH tập trung, quy mô khoảng 270 ha. Hiện sở cũng đã trình sang Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định được 4/5 dự án. Khi các dự án này triển khai, sẽ có thêm NƠXH đáp ứng nhu cầu của CNLĐ.

Hà Nội: Công nhân mong an cư lạc nghiệp- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao quà cho công nhân, người lao động

Trao đổi về điều kiện được mua, thuê mua NƠXH, ông Phong cho biết thành phố sẽ sớm ban hành cơ chế chính sách để giải quyết triệt để về thủ tục đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư, đấu thầu, thủ tục thuê, thuê mua... NƠXH.

Chia sẻ với trăn trở của đội ngũ CNLĐ thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng vấn đề nhà ở với CNLĐ rất quan trọng, bởi có an cư mới lạc nghiệp. Đây là vấn đề được Đảng, Nhà nước và chính quyền TP Hà Nội rất quan tâm. "Chúng ta phải hết sức thẳng thắn, nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại. Rõ ràng Hà Nội triển khai việc này còn chậm" - ông Thanh nêu, đồng thời nhấn mạnh trong năm 2024 và thời gian còn lại của nhiệm kỳ phải khởi công được các khu NƠXH theo đúng quy hoạch.

Các sở, ban, ngành phải xác định đây là "món nợ" với CNLĐ trên địa bàn thành phố. Để tình trạng này xảy ra, ngoài một số nguyên nhân khách quan, còn là lỗi của lãnh đạo thành phố. UBND thành phố, các sở ngành, các quận huyện, bởi kế hoạch, chương trình có rồi nhưng triển khai rất chậm. 

"Nhu cầu của người lao động (NLĐ) mua, thuê mua cách xa với cung ứng của thành phố, xa lắm. Tôi đề nghị Sở Xây dựng và các sở, ngành khác phải đau đáu vấn đề này, với tinh thần xử lý nhanh nhất, quyết liệt nhất để có quỹ nhà cung ứng cho CNLĐ… Cần phải xác định đây là món nợ với CNLĐ của thành phố" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội bày tỏ.

TP Hà Nội phấn đấu năm 2024 sẽ có những dự án khởi công và hoàn thành, từ đó tạo ra quỹ nhà cho CNLĐ. Bên cạnh đó, sẽ thực tế hơn quá trình tiếp cận, hồ sơ, thủ tục quy trình thực hiện; có chính sách hỗ trợ để người đáng được hưởng sẽ được hưởng; quan tâm đến một loạt thiết chế khác, như là thiết chế văn hóa...

Lo tín dụng đen và lừa đảo qua mạng

Nhiều CN cho biết hiện có một số đối tượng cho vay tín dụng đen và các đối tượng lừa đảo tự nhận là công an, cán bộ quận thường xuyên gọi điện thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đã có trường hợp bị lừa đảo hàng trăm triệu đồng…

Đại diện Công an TP Hà Nội cho biết về tình trạng lừa đảo qua không gian mạng và tín dụng đen là vấn đề hết sức nan giải. Các đối tượng phạm tội lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân. Dù đã tuyên truyền nhiều nhưng tình trạng người dân mắc phải vẫn phổ biến.

Trong thời gian qua, Công an TP Hà Nội đã tập trung lực lượng để xử lý các vụ vi phạm, bắt giữ 19 vụ liên quan đến tín dụng đen…

Liên quan đến thực trạng này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị các cơ quan liên quan tạo cơ chế thuận lợi để người dân vay vốn, tránh tìm đến các đối tượng xấu; yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phải lập các trang mang tính chất cảnh báo, phòng ngừa để người dân nâng cao nhận thức qua các kênh này. 

Vận động công nhân không rút BHXH một lần

Liên quan đến tình trạng NLĐ rút BHXH một lần, ông Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội, cho hay khi không tham gia BHXH nữa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội. Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội, người rút BHXH một lần không nhiều như các tỉnh phía Nam nhưng có xu hướng tăng lên.

"Thành phố đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của NLĐ. BHXH là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn sâu sắc, giúp NLĐ ổn định cuộc sống khi về già. Do vậy, NLĐ cân nhắc rời bỏ hệ thống an sinh" - ông Vũ Đức Thuật nói.

 


Tác giả: Bài và ảnh: Huy Thanh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...