A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đăng ký sang Hàn Quốc làm việc tăng kỷ lục

Có trên 23.000 người đăng ký dự thi năng lực tiếng Hàn để tìm kiếm cơ hội việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS trong năm 2023

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đưa 48.363 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam.
Số lượng tăng gấp 3 lần

Anh Nguyễn Văn Chung (30 tuổi, quê Quảng Bình) đang dự thi năng lực tiếng Hàn và tay nghề tại TP Đà Nẵng, cho biết số lượng người dự thi rất đông, song anh khá tự tin vì đã có hơn 8 tháng học tiếng Hàn.

Anh Chung có 3 năm làm việc tại Đài Loan nhưng thấy thu nhập không cao nên giữa năm 2023 anh về nước học tiếng Hàn cùng với 2 người em để tìm cơ hội mới. "Tôi chọn Hàn Quốc vì bạn bè làm bên đó khá nhiều, thu nhập cao mà công việc cũng phù hợp. Tuy phải thi đậu mới đi được nhưng chi phí hợp lý, không phải vay mượn nhiều, chỉ 100 triệu đồng để đóng ký quỹ - khoản này cũng được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho vay" - anh Chung nói.

Tại điểm thi Thanh Hóa, vợ chồng anh Dương Ngọc Trụ và chị Lê Thị Điển cũng bày tỏ sự quyết tâm sớm sang Hàn Quốc làm việc. Chị Điển cho biết hai vợ chồng làm công nhân nhiều năm ở Bình Dương nhưng cũng chỉ đủ ăn, đủ mặc. Giờ con đã tới tuổi đến trường, anh chị quyết định gửi cho ông bà để cùng sang Hàn Quốc làm việc, có tiền lo các con ăn học sau này.

Thí sinh đăng ký dự thi năng lực tiếng Hàn đợt 1 năm 2024 tại TP Đà Nẵng

Thí sinh đăng ký dự thi năng lực tiếng Hàn đợt 1 năm 2024 tại TP Đà Nẵng

Ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab), Bộ LĐ-TB-XH, cho hay trong kỳ thi năng lực tiếng Hàn đợt 1 năm 2024 cho người lao động (NLĐ) muốn sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS, số lượng đăng ký cao kỷ lục. Trong đợt tuyển chọn đầu tiên năm nay, Hàn Quốc dành cho Việt Nam gần 15.400 lao động sang nước này làm việc trong các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng và sản xuất chế tạo, nhưng thống kê cho thấy số người đăng ký tăng cao gấp 3 lần.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, kỳ thi năng lực tiếng Hàn và tay nghề dành cho lao động theo chương trình EPS được tổ chức rất công phu, minh bạch và công bằng. Công tác tổ chức, giám sát kỳ thi, điểm thi đều được phối hợp chặt chẽ giữa Colab và Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea).

Cảnh giác với "bao đỗ"

Ông Phạm Minh Đức, Trưởng Văn phòng EPS tại Hàn Quốc, cho rằng sức hút của thị trường Hàn Quốc trong thời gian gần đây đến từ những nỗ lực thu hút lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc. Thu nhập tại Hàn Quốc tốt hơn một số thị trường trọng điểm khác, điều kiện làm việc cũng được cải thiện sau khi các tổ chức bảo vệ NLĐ tại Hàn Quốc lên tiếng. Những chính sách ân xá cho lao động bất hợp pháp tự nguyện về nước trong thời gian qua cũng góp phần giảm tỉ lệ lao động cư trú không hợp pháp, tăng niềm tin của giới chủ, nhà tuyển dụng.

Văn phòng EPS cũng thường xuyên tổ chức gặp gỡ, tư vấn, cập nhật, nâng cao kiến thức pháp luật cho NLĐ Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Hàn Quốc. Các lễ hội văn hóa ở địa phương Hàn Quốc và tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao quy mô lớn cũng được Văn phòng liên tục thực hiện. 

Từ đó cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, động viên cùng nhau thực hiện tốt hợp đồng lao động, tuân thủ pháp luật Hàn Quốc và về nước đúng quy định. Qua các hoạt động đó, Văn phòng cũng nắm thông tin về điều kiện, môi trường làm việc, đời sống, sinh hoạt, nguyện vọng của NLĐ, có biện pháp hỗ trợ kịp thời các tình huống khẩn cấp khác.

Bên cạnh đó, chương trình EPS có đặc thù chủ doanh nghiệp Hàn Quốc chọn lao động trên hồ sơ được giới thiệu ngẫu nhiên, không chỉ định, không ai tác động được tới quy trình ký kết hợp đồng. "NLĐ vượt qua hai vòng thi tiếng Hàn và tay nghề sẽ nộp hồ sơ dự tuyển với giới chủ, họ sẽ quyết định chọn hay không. Do đó, NLĐ nộp xong hồ sơ vẫn nên duy trì công việc bình thường, khi có kết quả, Colab sẽ thông báo cụ thể" - ông Đức nói.

Colab là cơ quan duy nhất được Bộ LĐ-TB-XH giao phối hợp với HRD Korea triển khai tuyển chọn và phái cử lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Vì vậy, NLĐ cần cảnh giác để tránh nguy cơ bị lừa gạt đóng tiền "bao đỗ" trái quy định. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...