Đủ kiểu chèn ép người lao động
Nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở pháp luật để chèn ép, gây thiệt thòi quyền lợi người lao độn
Mới đây, bà T.T.H.G đã bị Công ty TNHH A.S (quận 3, TP HCM) điều chuyển công việc từ vị trí trưởng phòng chăm sóc khách hàng sang làm nhân viên lập trình tại bộ phận IT. Nguyên nhân của việc điều chuyển này là do trước đó bà G. không đồng ý với đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) mà doanh nghiệp (DN) đưa ra.
Giở chiêu trò o ép
Bà G. cho hay tháng 2-2023, bà và công ty đã ký HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm với công việc là trưởng phòng chăm sóc khách hàng. Trong suốt quá trình làm việc, bà G. luôn hoàn thành tốt công việc được giao. Ngày 26-5-2023, công ty đột ngột thực hiện thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn với một số nhân sự, trong đó có bà. Khi thỏa thuận, công ty đề xuất sẽ hỗ trợ 1 tháng lương đối với những người chấp nhận nghỉ việc ngay trong ngày, trường hợp không đồng ý sẽ bị điều chuyển sang làm công việc khác với HĐLĐ đã giao kết.
Do không đồng ý với đề nghị của công ty, chiều cùng ngày bà G. đã nhận được quyết định điều chuyển sang làm nhân viên lập trình trong thời gian 60 ngày. Lý do DN đưa ra là do nhu cầu sản xuất kinh doanh. Hành vi của công ty khiến bà G. bức xúc bởi lẽ bộ phận chăm sóc khách hàng vẫn còn nên cần người quản lý. Hơn nữa, với chuyên môn được đào tạo là quản trị kinh doanh, bà G. sẽ không thể thực hiện công việc của một nhân viên lập trình. Khi đó, công ty sẽ dễ dàng sa thải nếu bà không hoàn thành công việc.
Người lao động đến Báo Người Lao Động nhờ can thiệp bảo vệ quyền lợi
"Thiệt thòi khác là mức lương thực tế của tôi khi thỏa thuận nhận việc là 60 triệu đồng/tháng nhưng trong HĐLĐ được chia thành 2 khoản, gồm lương 15 triệu đồng/tháng và thưởng hiệu suất công việc 45 triệu đồng/tháng. Khi đảm nhận vị trí mới, mức lương tôi được nhận chỉ 15 triệu đồng/tháng. Như vậy, việc điều chuyển của công ty chỉ là cớ nhằm ép tôi phải nghỉ việc" - bà G. bức xúc.
Nhiều lần gợi ý để bà H.T.Q tự xin nghỉ việc không thành, Công ty TNHH D.V (quận Bình Thạnh, TP HCM) không dùng "chiêu" điều chuyển mà cho người lao động "ngồi chơi, xơi nước". Bà Q. có 9 năm làm nhân viên phát triển mẫu cho công ty với mức lương 40 triệu đồng/tháng. Giữa năm 2021, sau khi phản ánh việc bao cát tập boxing mà vợ chồng bà mua tại một cửa hàng của công ty bị lỗi và yêu cầu bảo hành, bà Q. bị công ty quy lỗi quấy rối, làm ảnh hưởng uy tín DN.
Từ sự việc đó, công ty nhiều lần thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ nhưng bà Q. không đồng ý. Sau đó, bà Q. bị buộc dừng tất cả công việc đang làm và không được phân công công việc mới. Hằng ngày, bà Q. vẫn đến văn phòng công ty "ngồi chơi xơi nước" và vẫn được trả lương đầy đủ. "Công ty không phân công công việc cho tôi là vi phạm thỏa thuận trong HĐLĐ đã ký. Hành vi chèn ép của công ty khiến tôi ức chế tâm lý và bị trầm cảm nặng" - bà Q. cho biết.
Gậy ông đập lưng ông
Pháp luật hiện hành cho phép DN thực hiện điều chuyển người lao động (NLĐ) sang làm công việc khác với HĐLĐ đã giao kết. Tuy nhiên, việc DN lạm dụng quy định này nhằm buộc NLĐ tuân thủ theo ý chí chủ quan của mình mà bỏ qua thủ tục, quy trình luật định sẽ khiến DN chịu hậu quả.
Đơn cử như sự việc xảy ra tại Công ty TNHH N.D (TP Thủ Đức, TP HCM) cách đây không lâu. Ông T.H.T được công ty này ký HĐLĐ không xác định thời hạn từ tháng 12-2015 với công việc là trợ lý giám sát tại bộ phận khuôn mẫu. Năm 2018, ông T. bị điều chuyển công việc 2 lần qua bộ phận cắt gọn và bộ phận ép nhựa (do ông N.T.D làm quản lý) mà không được báo trước và cũng không có quyết định của công ty.
Ngày 16-4-2020, ông N.T.D tiếp tục điều chuyển ông T. qua vị trí đóng gói nhưng ông không đồng ý mà yêu cầu phải có văn bản điều chuyển của công ty. Chiều cùng ngày, trên đường đi làm về, giữa ông D. và ông T. xảy ra va quệt xe và cự cãi. Từ sự việc trên, cho rằng ông T. đã vi phạm nội quy lao động, ngày 13-5-2020, công ty tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động và ra quyết định kỷ luật ông T. với hình thức cách chức từ vị trí trợ lý giám sát xuống làm công nhân. Ấm ức, ông T. khởi kiện ra tòa.
Tại phiên tòa do TAND TP Thủ Đức, TP HCM xét xử mới đây, phía công ty trình bày do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn hàng công ty không ổn định dẫn đến một số công đoạn tạm thời hết việc làm, một số công đoạn khác cần phải xuất hàng gấp. Khi đó, bắt buộc công ty phải có sự phân công nhân sự tạm thời ngay lập tức. Việc ông T. không tuân thủ sự phân công đã tạo ra tiền lệ xấu nên việc công ty xử lý kỷ luật là đúng quy trình.
Tuy nhiên, Hội đồng Xét xử nhận định khi yêu cầu ông T. chuyển sang làm công việc mới, công ty đã không thực hiện đúng quy định trong nội quy lao động (phải báo trước ít nhất 3 ngày). Bên cạnh đó, công ty cũng không chứng minh được lỗi vi phạm của ông T. Do vậy, tòa đã tuyên hủy quyết định xử lý kỷ luật, buộc công ty khôi phục lại công việc và quyền lợi liên quan cho ông T.
Luật cần chặt chẽ
Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, nhìn nhận "do nhu cầu sản xuất, kinh doanh" là lý do đang được nhiều DN sử dụng để điều chuyển NLĐ sang làm công việc khác với HĐLĐ đã giao kết. Lý do của sự lựa chọn này là vì pháp luật lao động hiện hành không có khái niệm hay liệt kê các trường hợp "do nhu cầu sản xuất, kinh doanh" cụ thể mà người sử dụng lao động được phép tự quy định trong nội quy lao động nên sẽ thuận theo ý chí chủ quan của DN, giúp DN linh hoạt hơn trong việc bố trí, sắp xếp lao động trong một thời điểm nhất định. Tuy nhiên, quy định này đang bị nhiều DN lạm dụng với mục đích không trong sáng, gây thiệt thòi cho NLĐ. Do vậy, luật cần có quy định chặt chẽ hơn để tránh thiệt thòi quyền lợi cho NLĐ.