A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bấp bênh làm việc tự do

Làm việc tự do tiềm ẩn nhiều rủi ro mà người lao động gặp phải trong quá trình làm việc và nghề nghiệp không bền vững cho tương la

Khảo sát mới đây của một công ty về giải pháp thương hiệu nhà tuyển dụng toàn diện tại Việt Nam cho thấy xu hướng chuyển từ làm việc cố định sang làm việc tự do tại Việt Nam đang gia tăng. Có 14% nguồn nhân lực trí thức Việt Nam hiện là lao động tự do toàn thời gian, 26% làm tự do bán thời gian, 13% làm song song công việc cố định và bán thời gian bên ngoài.

Nhiều rủi ro

Tốt nghiệp loại khá chuyên ngành tâm lý học, anh Hồng Đức Duy (26 tuổi, quê Tiền Giang) đi xin việc nhiều nơi nhưng chưa tìm được công việc đúng chuyên ngành. Sau gần 1 năm làm tư vấn tâm lý học đường cho một trường THPT ở TP HCM, anh xin nghỉ và bắt đầu trở thành tài xế xe ôm công nghệ.

 

Sau 3 năm làm nghề tự do, anh Duy cảm thấy phí công sức 4 năm đèn sách và chịu tiếng "cử nhân đại họ chạy xe ôm" nên mỗi lần về quê, đối diện với ba mẹ là cả một áp lực. "Riết rồi tôi ít về nhà dù khá gần. Ba mẹ luôn động viên tôi tìm việc đúng chuyên môn mà làm nhưng bây giờ đi xin việc rất khó. Chẳng còn cách nào khác, tôi chạy GrabBike kiếm sống qua ngày" - anh Duy nói. Không may, mới đây anh bị tai nạn khi đang giao đồ ăn cho khách và phải nằm viện hơn 1 tháng với chi phí điều trị 75 triệu đồng. Không có bảo hiểm, nên ba mẹ phải mượn tiền để trả viện phí.

Bấp bênh làm việc tự do - Ảnh 2.

“Văn phòng” của những người làm việc tự do thường là quán cà phê

Chị Lê Nguyệt Ánh (25 tuổi, quê Hậu Giang) quyết định nghỉ công việc kế toán để trở thành một TikToker. Sau 1,5 năm kiên trì theo đuổi, kênh của chị đã có gần 1 triệu người theo dõi, những video đăng tải cũng hút hàng triệu views. Mỗi buổi livestream, Ánh thu về từ 500.000 - 1 triệu đồng tiền quà tặng. Hằng tháng, chị nhận quảng cáo cho vài cuốn sách, một số sản phẩm làm đẹp cũng bỏ túi được vài chục triệu đồng. Mọi việc đang êm đẹp thì mới đây, kênh TikTok của chị bị mất quyền kiểm soát, các video bị xóa và kênh được một đối tượng ẩn danh rao bán. Mất kênh TikTok, chị Ánh gần như mất trắng công việc.

Còn Hồ Quốc Dũng (27 tuổi, TP HCM) chọn trở thành một lập trình viên tự do chuyên nhận dự án về làm. Sau khi khá thành công với các dự án làm cho các công ty trong nước, anh nhận dự án từ các công ty nước ngoài nên thu nhập khá cao, có tháng hơn 5.000 USD. Mới đây, anh nhận một lúc 3 dự án lập trình game cho một công ty ở Singapore, tổng giá trị hơn 7.000 USD. Với thời gian khá ngắn, anh Dũng buộc phải tìm thêm người làm. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành dự án, công ty không trả tiền thù lao. "Phải trả lương cho 2 bạn làm cùng mỗi người 20 triệu đồng, nên tôi làm không công mà còn âm 40 triệu đồng. Đây cũng là bài học khi làm tự do cho đối tác nước ngoài" - anh Dũng thở dài.

Cần được bảo đảm quyền lợi

Bà Phạm Lan Khanh, sáng lập và điều hành FreelanceViet, cho rằng xu hướng thích làm việc tự do đã bùng nổ trong nhiều năm nay, nhất là ở các nước phát triển. Trong đó, ngành nghề phổ biến nhất là viết, thiết kế và lập trình. Đây là những ngành đòi hỏi phải có năng khiếu, có kỹ năng cao và khẳng định được thương hiệu cá nhân trong ngành mới làm được.

Tại Việt Nam, hiện nhiều sinh viên ra trường không kiếm được việc làm thì làm tự do, phổ biến nhất là chạy xe công nghệ, bán hàng online. Đó chưa hẳn là nghề nghiệp bền lâu bởi tất cả đều phụ thuộc vào công nghệ kết nối. Một khi công nghệ này thay đổi chính sách, mất kết nối hoặc bị cấm hoạt động thì cơ hội việc làm tự do cũng mất đi. Hệ lụy là một lực lượng lao động lớn thất nghiệp.

 

"Thật ra chạy xe công nghệ hay buôn bán online đều có thể làm thêm khi người lao động có một nghề chính. Vừa tận dụng được thời gian, vừa cải thiện thu nhập trong khi công việc chính vẫn tiến triển tốt, được mạng lưới an sinh của hệ thống bảo hiểm bảo vệ mọi rủi ro" - bà Khanh nói. Theo bà, sự tự do trong công việc tạo ra một lực lượng lao động thiếu sự dẫn dắt, đào tạo của tổ chức để vươn lên trong tương lai.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Trưởng Văn phòng Luật sư Đắc Nhân Tâm (Đoàn Luật sư TP HCM), cho rằng khi làm tự do, tất nhiên người làm phải tự chịu trách nhiệm với công việc của mình. Đơn cử những người kinh doanh online, họ phải chịu trách nhiệm với chất lượng sản phẩm, dịch vụ nhưng ở góc độ thuế hàng hóa và thuế thu nhập, họ vẫn chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ khiến thất thoát thuế rất lớn.

Mặt khác, cũng rất khó trong việc xử lý theo pháp luật khi có tranh chấp hay khiếu kiện xảy ra trong quá trình làm tự do. Đó là ngọn nguồn của các hình thức lừa đảo đang rất phổ biến hiện nay. Do vậy, ở góc độ quản lý nhà nước, cần đưa tất cả loại hình kinh doanh, các dạng làm việc tự do vào luật để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng và người làm việc, nhà nước cũng dễ quản lý.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...