A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đầu tư nguồn nhân lực

Hằng năm, ngoài đào tạo tại chỗ do cấp quản lý hoặc chuyên gia từ Nhật sang, Công ty TNHH Fuji Impulse (KCX Linh Trung I, TP Thủ Đức, TP HCM) còn cử nhiều kỹ sư và công nhân (CN) sang Nhật học tập nâng cao trình độ.

Tại Nhật Bản, người lao động (NLĐ) không chỉ được cập nhật kiến thức, tiếp cận máy móc, thiết bị hiện đại mà còn được trau dồi kỹ năng mềm, nhất là cách giải quyết vấn đề khi gặp khó khăn, tác phong công nghiệp, ý thức xây dựng và bảo vệ môi trường. Ông Huỳnh Kim Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Fuji Impulse Việt Nam, cho biết việc đào tạo kỹ năng làm việc, giao tiếp, ứng xử luôn được ban giám đốc quan tâm. Nhờ chính sách có định hướng này, công ty đã sở hữu một thế hệ CN có trình độ, ý thức trong công việc.

Tiêu biểu là anh Đặng Văn Nhơn (SN 1977), hiện là Trưởng Phòng Quản lý chất lượng Công ty TNHH Fuji Impulse Việt Nam. Năm 2012, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) mở khóa đào tạo quản lý cho CN Việt Nam tại Nhật Bản, anh được công ty cử đi học một tháng. Tại Nhật, anh Nhơn và các đồng nghiệp được tiếp cận nhiều mô hình sản xuất tiên tiến của các doanh nghiệp (DN) nổi tiếng, đặc biệt là cách sắp xếp, quản lý sản xuất và vận hành máy móc…

"Tuy chỉ có một tháng nhưng tôi học được rất nhiều điều từ người Nhật, nhất là sự chặt chẽ trong quản lý. Một người có thể đứng 2-3 máy nhưng mọi việc vẫn rất gọn gàng, nhanh chóng và hầu như không có sai sót. Tinh thần làm việc của người Nhật nghiêm túc và rất đúng giờ" - anh Nhơn nói.

Đầu tư nguồn nhân lực - Ảnh 2.

Anh Đặng Văn Nhơn, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng Công ty TNHH Fuji Impulse (giữa), được đào tạo tại Nhật Bản

Tại Công ty TNHH Meinan Việt Nam (KCX Linh Trung II, TP Thủ Đức, TP HCM), mỗi năm, ban giám đốc chọn 10 CN có tay nghề cao để gửi sang Nhật Bản đào tạo chuyên sâu ở các vị trí như: quản lý chất lượng, kỹ thuật, sản xuất, kho lạnh… Trước khi ra nước ngoài, những CN này được học tiếng Nhật miễn phí tại chỗ và tham dự các khóa học nâng cao bên ngoài.

Là một trong những CN được DN gửi đi đào tạo, anh Bùi Minh Hải cho hay khi vào công ty làm, anh chỉ là một CN bình thường với khả năng ngoại ngữ hạn chế. Nhờ sự nỗ lực, anh được công ty cử đi học và làm việc ở Nhật Bản 3 năm. Qua đó, anh không chỉ nâng cao kiến thức chuyên môn, trình độ ngoại ngữ mà còn học được tác phong làm việc chuyên nghiệp của các chuyên gia người Nhật. Từ một CN trực tiếp, sau khi về nước anh Hải được công ty bố trí làm quản lý sản xuất và còn là phiên dịch cho tổng giám đốc khi có khách đến tham quan nhà máy.

 

Anh Vũ Văn Đức, Phó Phòng Chế tạo sản xuất Công ty TNHH Mtex (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM), cũng là người không biết ngoại ngữ khi vào công ty làm CN trực tiếp. Để thuận lợi cho công việc, anh đã học tiếng Nhật từ các chuyên gia, đồng nghiệp và ở trung tâm Nhật ngữ vào buổi tối. Năm 2010, anh được công ty cử sang Nhật học các kỹ năng sắp xếp, quản lý, xử lý tài liệu… trong 3 tháng. Nhờ vậy, từ một CN trực tiếp, anh Đức được đưa lên làm trưởng bộ phận, trưởng ban rồi phó phòng chế tạo và sản xuất.

Ông Nobuyuki Takakuwa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Meinan Việt Nam, khẳng định hầu hết NLĐ được công ty cử sang Nhật đào tạo trở về đều rất giỏi nên được bố trí vào các vị trí quản lý quan trọng. Điều đó chứng tỏ việc đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có lợi cho cả DN lẫn NLĐ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...