A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công nhân vẫn mong doanh nghiệp tăng lương

Việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ tác động đến cả triệu lao động ở Bình Dương. Sau khi nghe tin quy định này có hiệu lực từ ngày 1.7, người lao động ở Bình Dương phấn khởi, hồi hộp chờ doanh nghiệp thông báo việc điều chỉnh lương. Mức tăng 6% so với cuộc sống của người lao động nhập cư ở tỉnh phát triển công nghiệp thì không cao, tuy nhiên nó cũng giúp người lao động có thêm một phần kinh phí để trang trải cuộc sống.

Công nhân vẫn mong doanh nghiệp tăng lương

Công nhân lao động làm việc ở Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Đỡ phần nào khó khăn cho người lao động xa quê

Những năm gần đây, giá cả nhiều mặt hàng tại Bình Dương tăng cao. Trong khi thu nhập chưa tăng, gây áp lực rất lớn đến đời sống công nhân lao động xa quê. Nhiều người vì lương thấp, công việc bấp bênh đã phải rời Bình Dương trở về quê để có cuộc sống ổn định hơn. Trong bối cảnh đó, một số doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh mức lương cơ bản trước để cải thiện cuộc sống của công nhân và giữ chân lao động.

Anh Trịnh Đình Thức (34, tuổi, quê Thanh Hóa, làm công nhân tại doanh nghiệp may mặc Khu công nghiệp Sóng Thần II, thành phố Dĩ An) cho biết, công ty vừa có đợt điều chỉnh tăng lương cơ bản cho người lao động. "Công ty đã chủ động tăng 1 triệu đồng trước khi quy định về điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng có hiệu lực. Tôi đã làm việc 15 năm trong công ty, là lao động có thâm niên, lương cơ bản của mình được trả 8,5 triệu đồng, công ty tăng thêm 1 triệu là 9,5 triệu đồng. Với mức lương này, cuộc sống của tôi ở Bình Dương cũng đỡ phần nào" - anh Thức chia sẻ.

Trong khi đó, đến đầu tháng 7.2024, hầu hết các công ty vẫn chưa điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng. Theo các doanh nghiệp, do chưa có quy định hướng dẫn cụ thể, nên doanh nghiệp đang còn chờ để thực hiện theo quy định. Người lao động thì đang mong chờ việc doanh nghiệp điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từng ngày.

Chị Nguyễn Thị Thanh Đào (37 tuổi, làm việc công ty sản xuất giày xuất khẩu tại phường An Thạnh, thành phố Thuận An) cho biết, công ty vẫn chưa có thông báo chính thức về việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng. "Lương cơ bản của tôi hiện tại được 7,2 triệu đồng. Để có thể trang trải sinh hoạt của ba mẹ con trong một tháng tôi phải làm tăng ca. Sắp tới con gái lớn vào lớp 11, con gái nhỏ vào lớp 5 sẽ có nhiều khoản đóng góp khiến tôi rất lo. Nghe tin quy định tăng 6% lương tối thiểu vùng tôi mừng lắm. Nếu doanh nghiệp điều chỉnh mức tăng này, mỗi tháng tôi có thể được thêm từ 200.000 - 280.000 đồng. Số tiền này với tôi rất quan trọng, giúp mẹ con tôi vơi đi phần nào khó khăn. Tôi mong công ty sớm áp dụng, điều chỉnh mức tăng cho người lao động" - chị Đào bày tỏ.

Trong khi đó, chị Trần Thị Hoa Lý (37 tuổi, làm việc công ty may tại KCN Đại Đăng, thành phố Thủ Dầu Một) cho biết, là công nhân mới, hiện lương cơ bản công ty chỉ trả khoảng gần 5,5 triệu đồng/tháng. "Mức lương này hai mẹ con ở trọ phải tằn tiện chi tiêu, cuộc sống rất vất vả. Tôi phải chi rất nhiều khoản, tiền ăn, tiền trọ, tiền học cho con, tiền thuốc khi đau bệnh. Nếu công ty áp dụng tăng lương tối thiểu vùng 6%, với tôi là rất quý. Mỗi tháng được thêm khoảng hơn 200.000 đồng, tôi cũng có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Mong công ty sớm áp dụng để người lao động đỡ phần vất vả".

Công nhân lao động làm việc ở Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Công nhân lao động làm việc ở Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Trường hợp sau khi tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2024 mà lương thỏa thuận trong hợp đồng của người lao động đang bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu đã tăng thì công ty không bắt buộc phải điều chỉnh tăng lương, lúc này người lao động sẽ được tăng lương chế độ tăng lương theo hợp đồng lao động (nếu có).

Mong doanh nghiệp điều chỉnh tăng lương

Chị Lê Thị Lam (38 tuổi, làm công nhân công ty điện tử tại KCN VSIP II, thành phố Thủ Dầu Một) chia sẻ: "Những năm gần đây giá cả nhiều mặt hàng tăng liên tục. Ví dụ, cách đây 3 năm một ổ bánh mì thịt chỉ 10.000 đồng, nhưng nay đã tăng lên 15.000 đồng. Tuy nhiên, lương lại tăng rất chậm. Công ty tôi, năm ngoái công nhân phản ứng, doanh nghiệp mới điều chỉnh tăng 200.000 đồng. Đến năm nay, vẫn chưa thấy công ty ra thông báo điều chỉnh lương cơ bản. Là người lao động xa quê, phải chi tiêu nhiều khoản, tôi mong doanh nghiệp áp dụng nhanh việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng và việc này cần được điều chỉnh hàng năm".

Các doanh nghiệp cung ứng lao động ở Bình Dương cũng cho biết, hiện nay rất khó thu hút lao động do mức lương doanh nghiệp sản xuất trả cho người lao động rất thấp so với chi tiêu cuộc sống hàng ngày. Theo ông Trần Ngọc Lương - Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng lao động Đức Lương, mức tăng lương đợt này không đáng kể ở Bình Dương, tuy nhiên cũng có tác động tích cực đến người lao động.

"Đã 2 năm rồi mới có một đợt điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu vùng, bắt đầu tháng 7.2022 thì mức lương tối thiểu vùng 1 ở Bình Dương là 4,68 triệu đồng. Nếu tăng 6% thì mỗi tháng người lao động được thêm khoảng 200.000-300.000 đồng/ tháng. Bên cạnh đó, tiền giờ tăng ca của người lao động cũng được tăng thêm.

Ở Bình Dương, tôi thấy mức tăng này là thấp so với việc nhiều mặt hàng sinh hoạt đã tăng cao trong những năm qua. Mặc dù vậy mức tăng này cũng có tác động tích cực đến cuộc sống người lao động. Công nhân có thêm tiền để trả được khoản điện, nước hoặc mua thêm thùng sữa cho con chẳng hạn. Ý kiến của tôi là đề nghị doanh nghiệp sớm áp dụng điều chỉnh việc tăng lương cho người lao động. Đồng thời, kiến nghị Nhà nước đưa ra quy định điều chỉnh tăng lương hàng năm" - ông Trần Ngọc Lương đưa ra quan điểm.

Công đoàn tăng cường kiến nghị và giám sát
Theo ghi nhận, ở nhiều doanh nghiệp có CĐCS, cán bộ Công đoàn đã thông tin và kiến nghị đến chủ doanh nghiệp về việc thực hiện điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng. Hiện các doanh nghiệp cũng đang xem xét điều chỉnh. Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị đã ban hành văn bản đề nghị các cấp Công đoàn phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp tổ chức thực hiện mức lương tối thiểu từ ngày 1.7.2024 đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Các cấp Công đoàn ở Bình Dương sẽ chủ động phối hợp với ngành quản lý để tuyên truyền, giải thích đến các doanh nghiệp hiểu và thực hiện đúng các quy định về điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Đồng thời, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo CĐCS đề xuất, giám sát người sử dụng lao động có trách nhiệm triển khai và thực hiện quy định này.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết