A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công nhân thuê trọ nơm nớp lo tài sản bị mất cắp

Với giá thuê trọ chỉ khoảng 600.000 - 800.000 đồng/phòng/tháng, ngoài phải sống trong căn phòng xuống cấp, công nhân còn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ tài sản "bỗng dưng"... biến mất. 

Nhiều đêm mất ngủ… vì trộm

Căn trọ của nữ công nhân KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) Lường Thị Mến (quê ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) –  có giá thuê 600.000 đồng/tháng. Trong phòng chỉ có chiếc xe đạp điện là tài sản đáng giá.

Cách đây 1 tháng, trở về phòng trọ sau ca làm việc hết công suất trong nhà máy, chị Mến mệt nhoài chìm vào giấc ngủ. Nghe tiếng động lạ, chị hoảng hốt tỉnh giấc khi thấy chiếc khóa cửa phòng đã gãy, bóng người vụt qua...

“Tôi giật mình tỉnh giấc, nhìn quanh phòng vẫn chưa thấy mất đồ đạc gì. Nhưng ngay hôm sau tôi phải đi mua thêm khóa xích nữa về khóa cửa phòng cho yên tâm”, chị Mến nhớ lại.

Để bảo vệ tài sản trong phòng trọ, công nhân chỉ có cách khóa cửa bằng những ổ khóa đơn sơ. Ảnh: Lương Hạnh.

Để bảo vệ tài sản trong phòng trọ, công nhân chỉ có cách khóa cửa bằng những ổ khóa đơn sơ. Ảnh: Lương Hạnh.

Đây không phải là lần duy nhất nữ công nhân này hoảng sợ khi rơi vào cảnh đối tượng có ý định xấu tìm đến phòng trọ. Nhiều lần khác, chị cũng giật mình giữa đêm bởi tiếng động lạ như vậy. Chị Mến đã làm công nhân 10 năm trong khu công nghiệp này, tuy nhiên thời gian gần đây do không được tăng ca, thu nhập giảm sút, chị buộc phải chuyển sang phòng trọ giá rẻ. 

“Phòng trọ cũ có giá thuê đắt hơn, điều kiện vật chất đều tốt hơn nơi thuê trọ mới này. Hiện tại, lương của tôi phải dành để gửi về quê nuôi 2 con nhỏ. Bớt được tiền trọ thì có thêm tiền gửi về chăm lo cho các con”, nữ công nhân tâm sự.

Mất điện thoại - mất gần 1 tháng lương

Chị Bàn Thị Thu (quê Sơn Dương, Tuyên Quang) đã có 5 năm làm công nhân tại công ty về linh kiện điện tử trong KCN Thăng Long.

Tay vừa thoăn thoắt vò quần áo, chị Thu vừa kể về công việc, những kỉ niệm gắn bó với khu trọ này. Chị không thể nào quên được ngày bị kẻ trộm đột nhập vào phòng, lấy đi chiếc điện thoại thông minh của mình. 

Chị Bàn Thị Thu đã từng bị mất cắp điện thoại - tài sản có giá trị duy nhất của nữ công nhân này. Ảnh: Thư Hạnh.

Chị Bàn Thị Thu đã từng bị mất cắp điện thoại - tài sản có giá trị duy nhất của nữ công nhân này. Ảnh: Thư Hạnh.

Chị Thu chia sẻ: “Cách đây 1 tháng, tôi đã bị mất điện thoại - giá trị bằng cả tháng lương của tôi. Thú thực, công nhân đi làm ăn xa, trong nhà chỉ có chiếc thoại điện là tài sản lớn nhất. Đây là công cụ liên lạc về quê, cũng như giải trí của nhất của người lao động”.

Nữ công nhân này nhớ lại, hôm trước đã đi làm ca 2, đến 22 giờ mới bước chân đến cửa phòng. Sau khi ăn uống, tắm giặt, chị Thu đi ngủ lúc 12 giờ đêm.

“Đến sáng hôm sau tỉnh dậy, theo thói quen tôi tìm điện thoại xem giờ. Nhưng tìm mãi không thấy, tôi vội vã sang nhà chị hàng xóm mượn điện thoại để gọi thử. Không thấy tiếng chuông đổ thì mới biết chiếc điện thoại duy nhất của mình đã bị mất” - chị Thu kể.

Phòng trọ cũ kĩ, cửa chỉ có chiếc then cài, vì vậy, lợi dụng việc phòng bị sơ sài của nữ công nhân, kẻ trộm đã vào nhà trọ và nẫng đi chiếc điện thoại. Sau lần đó, chị Thu rút kinh nghiệm mua thêm khoá cho chắc chắn.

Bà Nguyễn Thị Liên - chủ nhà trọ ở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) - cho biết, gia đình bà có 12 phòng trọ được xây dựng từ năm 2001 cho công nhân thuê. Do không có điều kiện sửa chữa, cải tạo nên dãy trọ của bà đã xuống cấp. Vì vậy, giá của các phòng trọ chỉ vào khoảng từ 600.000 - 800.000 đồng/tháng. 

"Tôi cũng thấy công nhân thuê báo mất trộm điện thoại cách đây vài tháng nhưng hiện tượng này không nhiều. Việc bảo quản tài sản cá nhân phải do mỗi người, tôi chỉ có thể nhắc nhở người thuê trọ chứ khó có giải pháp cụ thể", bà Liên cho hay.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết