A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Mối đe dọa âm thầm

Khó phát hiện, khó điều trị, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đe dọa sức khỏe người dân toàn cầu khi tỉ lệ người hút thuốc lá không giảm, trong khi ô nhiễm môi trường ngày càng tăn

Theo các chuyên gia, số người tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) trên thế giới đến năm 2030 được dự đoán khoảng 5,8 triệu ca/năm. Tại Việt Nam, người COPD từ 40 tuổi trở lên chiếm 7,1% ở nam và 1,9% ở nữ.

Đừng đi khám khi bệnh đã nặng

COPD là bệnh xảy ra ở đường hô hấp. Khi mắc COPD, phế quản của bệnh nhân sẽ bị tắc nghẽn gây khó thở. Ở giai đoạn bệnh nặng, bác sĩ chỉ điều trị cho bớt tắc nghẽn chứ không thể hết hẳn. Thuốc chỉ giúp diễn tiến của bệnh chậm lại. Theo thời gian, bệnh sẽ nặng dần và bệnh nhân tử vong.

Bệnh nhân COPD thường chiếm 25% số giường trong các khoa hô hấp của bệnh viện và trong phòng chăm sóc tích cực lúc nào cũng có bệnh nhân COPD thở máy. Chi phí điều trị một ca COPD nặng trung bình có thể từ 2-10 triệu đồng/tháng.

Bác sĩ Nguyễn Như Vinh, Trưởng Khoa Thăm dò chức năng hô hấp - Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, cho biết nguyên nhân hàng đầu dẫn đến COPD tăng, tỉ lệ tử vong cao là số người hút thuốc lá ở các nước đang phát triển rất cao cùng với tình trạng ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó còn các nguyên nhân khác như: sự già hóa dân số, người có dung tích phổi nhỏ bẩm sinh.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Mối đe dọa âm thầm - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Như Vinh, Trưởng Khoa Thăm dò chức năng hô hấp - Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, thăm khám cho bệnh nhân có vấn đề hô hấp. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)

Bệnh nhân COPD ở thể nhẹ sẽ ho dai dẳng, nặng hơn một chút là khạc đờm thường xuyên, tiếp đến là khó thở trong những hoạt động sử dụng nhiều sức. Cuối cùng, họ sẽ khó thở khi thực hiện những động tác sinh hoạt thông thường như thay quần áo, tắm rửa, ăn uống...

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ Nguyễn Như Vinh ghi nhận rất nhiều bệnh nhân COPD nặng vì chủ quan. Có người hút thuốc lá lâu năm, khi ho họ nghĩ không sao. Đến thời điểm khạc đờm, họ cũng tưởng không có gì nghiêm trọng. Khi bắt đầu khó thở, họ lại nghĩ bản thân có tuổi, làm việc nhanh mệt nên không đi khám. Chỉ đển khi khó thở nhiều hơn nữa, họ mới đến bệnh viện. Lúc này, đường thở đã nghẹt nhiều, chữa trị rất khó. Bệnh nhân đến khám trễ là nguyên nhân khiến tỉ lệ tử vong ở người mắc COPD cao.

"Những người hút thuốc lá thường ho, khạc đờm nên đi khám sớm để đo chức năng phổi. Ngay khi phát hiện bệnh thì họ phải bỏ thuốc lá, kết hợp điều trị theo thuốc của bác sĩ mới có thể hồi phục. Để trễ quá thì chức năng hô hấp cũng hồi phục nhưng không hoàn toàn" - bác sĩ Vinh khuyến cáo.

Theo bác sĩ Lê Thị Thu Hương, Trưởng Khoa Hô hấp - Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM), số ca COPD đến điều trị tại bệnh viện năm 2022 đã tăng so với năm trước. Bệnh nhân COPD thường được phát hiện ở giai đoạn nặng hoặc rất nặng. COPD thường xảy ra ở người lớn tuổi, hút thuốc lá. Giai đoạn sớm thường khó được nhận biết vì các triệu chứng COPD ở người lớn tuổi có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

"Nhiều người lớn tuổi hút thuốc lá hay làm việc trong môi trường ô nhiễm nhưng lại ít có thói quen khám sức khỏe định kỳ nên không được phát hiện COPD sớm" - bác sĩ Hương cho biết.

Điều trị khó khăn

Ở Việt Nam, việc kiểm soát COPD còn nhiều trở ngại. Bác sĩ Nguyễn Như Vinh nhìn nhận chương trình cai thuốc lá đã triển khai nhiều năm nay nhưng thuốc để hỗ trợ cai thì rất ít. "Không có thuốc hỗ trợ thì tỉ lệ cai thuốc lá thành công rất thấp" - bác sĩ Vinh nhận xét.

Việc chẩn đoán và điều trị COPD cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, để chẩn đoán chính xác COPD, cần sử dụng máy đo chức năng hô hấp, xem phổi có nghẹt hay không. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ một số bệnh viện ở các thành phố lớn mới có máy đo chức năng hô hấp. Do đó, có trường hợp bệnh nhân đi khám cũng không chẩn đoán bị COPD.

Bác sĩ Vinh cho hay đến nay, trên thế giới chưa có loại thuốc nào điều trị dứt điểm COPD. Những thuốc điều trị hiệu quả lại không phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là tại các tỉnh.

"COPD đòi hỏi điều trị lâu dài, mua thuốc xịt tương đối tốn kém nên bệnh nhân thường trông chờ vào BHYT. Thế nhưng, BHYT chỉ có một vài loại thuốc cơ bản chứ không có những loại bác sĩ mong muốn điều trị theo hướng dẫn. Bản chất COPD đã khó điều trị mà thuốc điều trị lại không đủ thì hiệu quả càng kém" - bác sĩ Vinh lo ngại.

Bác sĩ Lê Thị Thu Hương cho rằng COPD nếu phát hiện trễ sẽ gây nhiều khó khăn trong điều trị, điều trị tốn kém vì phải kết hợp nhiều loại thuốc và các biện pháp hỗ trợ khác. Bên cạnh đó, tỉ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam còn cao. Nhiều người đã được chẩn đoán bị COPD, đang trong quá trình điều trị vẫn tiếp tục hút thuốc lá nên bệnh càng nặng thêm.

Để phòng chống COPD, các bác sĩ cho rằng cần tuyên truyền để "cắt" yếu tố nguy cơ lớn gây bệnh là hút thuốc lá và ô nhiễm môi trường. Song song đó, người dân cần có thói quen đi khám sớm, nhất là những người hút thuốc lá kèm theo ho, khạc đàm. 

Gây nhiều biến chứng

Bác sĩ Phan Thanh Thủy, Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết ngoài việc làm khó thở, COPD còn gây ra những biến chứng tại phổi như tràn khí màng phổi, các biến chứng về tim mạch như suy tim.

Bác sĩ Thủy cũng chỉ ra một số sai lầm mà bệnh nhân COPD thường gặp. Cụ thể:

COPD là bệnh mạn tính, kéo dài và dai dẳng. Bệnh nhân phải dùng thuốc thường xuyên và tái khám hằng tháng. Một số bệnh nhân khi uống thuốc và thấy bớt khó thở thì không tái khám. Việc này sẽ tạo điều kiện hình thành những đợt khó thở cấp rất nặng.

Sai lầm nữa là kỹ thuật sử dụng những dụng cụ phun hít. Có bệnh nhân không biết cách sử dụng hoặc dùng sai kỹ thuật dẫn đến việc phân phối thuốc vào phổi chưa được tốt.

"Do đó, bệnh nhân phải đi khám định kỳ hằng tháng. Mỗi lần khám, các bác sĩ đều sẽ kiểm tra kỹ thuật sử dụng dụng cụ phun hít của bệnh nhân để bảo đảm họ dùng đúng liều lượng, đúng cách để đạt được kết quả điều trị tốt nhất" - bác sĩ Thủy lưu ý.

N.Dung


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...