Cán bộ giỏi thì tổ chức mới mạnh
Trải qua gần 94 năm hình thành và phát triển, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của mình.
Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn, Công đoàn sẽ đối mặt với những khó khăn thách thức riêng. Vì vậy, để củng cố niềm tin vào tổ chức, tổ chức Công đoàn cần có một đội ngũ cán bộ vững vàng về bản lĩnh chính trị và có kỹ năng hoạt động để dẫn dắt, lãnh đạo phong trào.
Từ thực tiễn cho thấy cán bộ Công đoàn cơ sở khi được bầu vào ban chấp hành thường là những người có uy tín, được đoàn viên - lao động tin tưởng và doanh nghiệp (DN) ủng hộ, thế nhưng như vậy chưa đủ. Trong bối cảnh hội nhập, cán bộ Công đoàn phải có kiến thức về pháp luật lao động để thương lượng với ông chủ và bảo vệ người lao động (NLĐ); biết khôn khéo để dung hòa lợi ích; có kỹ năng về giao tiếp, ứng xử...
Ở nhiều DN, chủ tịch Công đoàn là công nhân sản xuất trực tiếp, dù hết sức tâm huyết với NLĐ nhưng do áp lực công việc nên gần như không có thời gian theo học các khóa đào tạo kỹ năng hoạt động. Thiếu kiến thức lẫn kỹ năng sẽ khiến họ lúng túng trong tổ chức hoạt động và điều này cũng ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở.
Ông Lê Đình Chi, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Dược phẩm An Thiên, trò chuyện với người lao động.Ảnh: THANH NGA
Từ thực tế trên, tôi cho rằng việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Công đoàn là vấn đề vô cùng cấp thiết. Công tác đào tạo cần đi vào trọng tâm, giảm tải lý luận và chú trọng tăng cường bồi dưỡng thuyết phục, thương lượng với giới chủ; vận động NLĐ; tham gia xử lý tranh chấp. Thực tế, có rất nhiều tình huống phát sinh trong quan hệ lao động khiến cán bộ Công đoàn lúng túng khi tham gia giải quyết.
Ví dụ như khi DN khó khăn do dịch bệnh, buộc phải cắt giảm lao động hoặc giảm lương, giảm giờ làm thì Công đoàn cơ sở phải làm gì để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ? Hay khi NLĐ lo lắng với các thay đổi trong chính sách thì Công đoàn phải tuyên truyền ra sao... Trong những trường hợp như vậy, cán bộ Công đoàn cần phải được trang bị đủ kiến thức và kỹ năng để lên tiếng.
Hoạt động của Công đoàn cấp trên ảnh hưởng lớn đến các Công đoàn cơ sở trực thuộc, do vậy cần phải có cơ chế cụ thể trong việc tạo nguồn cán bộ bổ sung. Theo tôi, cán bộ Công đoàn chuyên trách ngoài sự tâm huyết, tận tụy còn phải am hiểu pháp luật, am hiểu đời sống công nhân cũng như tình hình mối quan hệ lao động tại các DN trên địa bàn phụ trách.
Vì vậy, việc đào tạo, tuyển dụng cán bộ Công đoàn chuyên trách xuất thân và trưởng thành từ cơ sở là điều cần thiết. Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn bổ sung vào đội ngũ một số chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực như chuyên gia về quan hệ lao động, chuyên gia đàm phán, chuyên gia dinh dưỡng, các luật gia, luật sư... để nghiên cứu, tham mưu cho tổ chức Công đoàn trong quá trình tham gia xây dựng pháp luật liên quan đến NLĐ cũng như hỗ trợ pháp lý cho NLĐ.