TP HCM kỳ vọng nghị quyết thay thế Nghị quyết 54
UBND TP HCM tập trung đánh giá, phân tích những mặt làm được và chưa làm được để xây dựng đề án trình Quốc hội ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 kết thúc vào cuối năm nay
Chiều 17-5, tại UBND TP HCM, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM đã làm việc với Thường trực HĐND, UBND thành phố để giám sát về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 54/2017 của QH về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM; tình hình thực hiện kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2022 và phương hướng, giải pháp các tháng cuối năm 2022.
Chưa tận dụng hết cơ chế
Đến dự và phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố, bày tỏ mong muốn đây không chỉ là buổi giám sát nghe, hỏi, trả lời mà là cuộc trao đổi để tìm các vấn đề, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM; trao đổi việc triển khai các cơ chế đặc thù như thực hiện Nghị quyết 54 cũng như tiến hành các đầu tư mới để tạo động lực mới cho thành phố phát triển.
Báo cáo tại buổi giám sát, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết Nghị quyết 54 đã trao một số cơ chế đặc thù cho thành phố với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực: đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách, cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Nghị quyết 54 có hiệu lực từ tháng 1-2018 đến hết năm 2022. Những chính sách đặc thù này đã tạo động lực mới, tích cực để một đô thị đặc biệt, là đầu tàu kinh tế - xã hội tăng tốc và phát triển.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Võ Văn Hoan cũng nêu một số hạn chế, như nội dung triển khai Nghị quyết 54 còn chậm so với kế hoạch dự kiến; cơ chế tài chính chưa được phát huy như mong đợi; thành phố chưa có đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng...
"Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54, thành phố nhận thấy có nhiều việc chưa làm được, thậm chí có thể chưa tận dụng hết 50% cơ chế mà Nghị quyết 54 đề ra..." - ông Võ Văn Hoan nhìn nhận.
Từ thực tiễn trên, TP HCM kiến nghị QH ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, theo hướng kế thừa và kích hoạt tất cả cơ chế, chính sách mà thành phố cần Trung ương hỗ trợ để tương xứng với đầu tàu kinh tế - xã hội của cả nước. Trong đó, cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho đề án xây dựng trung tâm tài chính tại TP HCM; cơ chế chính sách đặc thù để phát triển TP Thủ Đức; phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP HCM như quản lý đầu tư, tài chính - ngân sách, kinh tế, đô thị môi trường, văn hóa - xã hội, tổ chức bộ máy nhà nước...
Theo ông Võ Văn Hoan, UBND TP HCM đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu kế hoạch xây dựng đề án kiến nghị trình Chính phủ để trình QH ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. Dự kiến trong tháng 6, TP HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo báo cáo thực hiện Nghị quyết 54 và dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. TP HCM kỳ vọng QH sẽ ban hành nghị quyết mới vào cuối năm nay.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi làm việc
Đừng để "xin nhưng không thực hiện được"
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng qua 5 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết 54, TP HCM làm được nhiều việc nhưng cũng có nhiều hạng mục triển khai chậm, chưa triển khai. Theo ông Nghĩa, để tiếp tục phát triển, TP HCM cần có nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 và cơ chế đặc thù phải rõ ràng và thuyết phục. Thành phố cần xem cơ chế đặc thù là điểm tựa, đòn bẩy cho sự phát triển và cơ chế phải tương xứng mới làm được, phải mang tính đột phá.
Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho rằng đà tăng trưởng của thành phố đã chậm lại, nhiều động lực giảm sút. Nguyên nhân một phần là do diễn biến dịch Covid-19 nhưng phần quan trọng khác do còn nhiều điểm nghẽn trong thể chế, hạ tầng, thiếu nguồn lực... Để có nguồn lực tháo gỡ các điểm nghẽn, thu hút đầu tư, TP HCM cần tiếp tục kiến nghị tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho thành phố ở mức hợp lý hơn.
Phát biểu kết luận, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP HCM, khẳng định cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 đã tác động tốt đến thành phố trong thời gian qua. Từ đó, bà Tuyết đề nghị UBND TP HCM cần tiếp tục nghiên cứu để một số cơ chế, chính sách được triển khai tốt hơn trong thời gian tới. TP HCM phải tận dụng tốt cơ chế để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đừng để "xin nhưng không thực hiện được".
Bà Văn Thị Bạch Tuyết cũng đề nghị UBND TP HCM cần phân tích, xác định rõ nguyên nhân những nội dung không thực hiện được, kể cả nội dung chưa làm được. "Chắc chắn QH sẽ có giám sát về thực hiện Nghị quyết 54 trước khi ban hành nghị quyết mới, do đó phải chỉ ra được những nguyên nhân" - bà Tuyết lưu ý.
6 kiến nghị của UBND TP HCM
Ông Võ Văn Hoan cho biết chuẩn bị kỳ họp thứ 3, QH khóa XV sắp tới, UBND TP HCM đưa ra 6 kiến nghị về cơ chế, chính sách, gồm: cơ chế, chính sách về quản lý, điều hành thu ngân sách khi thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM; vướng mắc trong quá trình sắp xếp, xử lý tài sản công của cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; quản lý đất đai; giá thành xây dựng; dịch vụ du lịch; dự án đường Vành đai 3 - TP HCM.