TP HCM: Cần sớm có cơ chế, chính sách để phát huy nguồn lực xã hội
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi mong muốn sớm hình thành cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư để xây dựng các khu đô thị mới, chỉnh trang đô thị; phát triển đường sắt, đường thủy kết nối vùng...
Ngày 18-5, Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối từ Trung ương đến các điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở.
Chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Tham dự tại điểm cầu TP HCM có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, được kết nối từ Trung ương đến các điểm cầu
ở cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định thành phố đồng tình với những đánh giá, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp được nêu trong Nghị quyết 06. Nghị quyết đối với thành phố có ý nghĩa rất lớn, gợi mở và tháo gỡ nhiều vấn đề trong phát triển đô thị của thành phố cũng như mạng lưới đô thị cả nước.
Theo Chủ tịch UBND TP, Nghị quyết 06 có những điểm mới như cơ chế tài chính để thu hút đầu tư phát triển hạ tầng xã hội, đô thị; phân cấp phân quyền cho các địa phương, các ngành trong quy hoạch, quản lý và triển khai xây dựng đô thị, hạ tầng đô thị… Những điểm mới này rất thuận lợi cho thành phố và thành phố đang nghiên cứu để cụ thể hóa nghị quyết, khẩn trương triển khai xây dựng quy hoạch chung TP HCM, TP Thủ Đức đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 theo định hướng phát triển đô thị lớn, siêu đô thị, đa trung tâm.
Bám sát vào 4 nội dung liên quan đến nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết, ông Phan Văn Mãi cho biết TP HCM quan tâm vấn đề hạ tầng đô thị, giao thông, hạ tầng số, đặc biệt là hạ tầng xã hội và đang triển khai 11 đề án liên quan như: đề án chống ngập, xử lý chất thải rắn, đề án phát triển hạ tầng giao thông, các dự án đường sắt đô thị…
"Thành phố kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ hình thành các cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược để phát triển đường sắt, đường thủy, kết nối vùng TP HCM. Quy hoạch đường sắt, đường thủy có rồi. Chúng ta hình thành đề án, dự án về đường sắt kết nối TP HCM với các tỉnh và phát triển đường thủy thì sẽ phát triển rất nhanh vùng. Ngoài ra, thành phố cũng kiến nghị Trung ương chỉ đạo sớm triển khai dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ để kết nối vùng TP HCM và đồng bằng sông Cửu Long" – ông Phan Văn Mãi nói.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi kiến nghị sớm hình thành cơ chế để thu hút đầu tư phát triển hạ tầng đô thị.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP HCM mong muốn sớm hình thành cơ chế thu hút nguồn đầu tư xã hội cho các dự án phát triển hạ tầng đô thị. Theo ông Phan Văn Mãi, nếu mở ra được cơ chế thì sẽ phát huy nguồn lực xã hội rất lớn. Để làm được điều này cần cơ chế, chính sách hoặc áp dụng thí điểm để thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Ông Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang tập trung triển khai chương trình nhà ở đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng 1 triệu nhà ở để giải quyết các nhu cầu bức xúc trước mắt, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 vừa qua. TP cũng đang triển khai chương trình chỉnh trang đô thị gắn với phát triển công viên, cây xanh và chiếu sáng; xây dựng đề án về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xã hội để phát triển hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu về y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí cho người dân.
"Thành phố đang tập trung các giải pháp để phát triển kinh tế dịch vụ như du lịch, kinh tế đêm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ gắn với việc hình thành các đô thị ven sông, ven biển của thành phố cũng như các đô thị gắn với công nghiệp - dịch vụ" – ông Phan Văn Mãi nói tiếp.
Ngoài ra, TP HCM cũng đang triển khai đề án xây dựng chuyển các huyện thành quận và thành phố phù hợp với định hướng phát triển đô thị, định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa...