Thêm sức hút cho BHXH tự nguyện
Dù số lượng người tham gia ngày càng tăng nhưng việc mở rộng đối tượng tham gia còn rất chậm. Theo các chuyên gia, cần có những giải pháp để thu hút đối tượng tham gia BHXH tự nguyện
Theo BHXH Việt Nam, sau lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân, cả nước có khoảng 6.600 nhóm tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình với khoảng 168.000 người được truyền thông, tư vấn, vận động trực tiếp. Qua đó, đã có hơn 22.000 người tham gia BHXH tự nguyện và hơn 53.000 người tham gia BHYT hộ gia đình.
Tỉ lệ tham gia còn thấp
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết độ bao phủ BHXH liên tục tăng và mở rộng, tính đến đầu tháng 5-2022, số người tham gia BHXH đạt hơn 16,6 triệu người, chiếm 33,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 521.000 người so với cùng kỳ năm 2021, trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 1,3 triệu người, tăng 152.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Nhân viên của BHXH và Bưu điện TP HCM tư vấn về chính sách BHXH, BHYT cho người dân .Ảnh: MAI CHI
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tỉ lệ người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay còn rất thấp so với khoảng 35 triệu lao động phi chính thức đang là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo quy định của pháp luật. Hiện tỉ lệ bao phủ chỉ đạt 2,7% số người trong độ tuổi lao động, chủ yếu là nông dân và lao động khu vực phi chính thức. PGS-TS Giang Thanh Long, chuyên gia về an sinh xã hội, cho rằng có những rào cản lớn về chính sách khiến người lao động (NLĐ) đắn đo khi tham gia BHXH tự nguyện. Chẳng hạn Luật BHXH năm 2014 quy định từ năm 2022, số năm đóng tăng thêm 5 năm so với quy định trước đây thì NLĐ mới nhận được mức hưởng hưu trí tối đa. Bên cạnh đó, dù chế độ hưu trí và tử tuất trong chính sách BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện về cơ bản là khá tương đồng nhưng vẫn có một số khác biệt như: chế độ hưu trí của BHXH tự nguyện không có hưu trước tuổi, hưu do suy giảm khả năng lao động; chế độ tử tuất của BHXH tự nguyện cũng không có chế độ tuất hằng tháng mà chỉ có tuất một lần…
Chia sẻ về nguyên nhân khiến lao động khu vực phi chính thức nói chung và nông dân nói riêng chưa hào hứng với BHXH tự nguyện, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (tên mới hiện là: Ủy ban Xã hội), cho rằng nguyên nhân chính là do lao động tự do không có việc làm và thu nhập không ổn định. Bên cạnh đó, vấn đề quyền lợi thụ hưởng cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến diện bao phủ BHXH tự nguyện thấp. Người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ gồm: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - tai nạn nghề nghiệp, chế độ hưu trí, chế độ tử tuất. Trong khi BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất.
Đề xuất nâng mức hỗ trợ
Để bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới bao phủ toàn dân, nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ đối với chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp như bảo hộ Quỹ BHXH để bảo đảm việc chi trả các chế độ cho NLĐ. Ngoài ra, nhà nước còn hỗ trợ một phần tiền đóng BHXH đối với NLĐ tham gia BHXH tự nguyện.
Tuy nhiên, nhằm tăng sức hút với nhóm đối tượng này, nhiều chuyên gia an sinh cho rằng với loại hình cần thay đổi theo hướng linh hoạt - giảm bớt hoặc bỏ quy định về số năm NLĐ đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí hằng tháng. Đối với BHXH tự nguyện, cần tăng mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH tự nguyện một cách phù hợp để bảo đảm về sức mua của các khoản đã đóng này khi quy đổi về hiện tại do tác động của lạm phát theo thời gian; triển khai các gói BHXH ngắn hạn linh hoạt (như ốm đau, thai sản, trợ cấp gia đình); cần có sự thay đổi về quy định đóng, hưởng và các chế độ hỗ trợ mức đóng với các nhóm lao động khác nhau cho phù hợp với đặc trưng công việc và gia đình; cần có chính sách hỗ trợ khác như cơ hội tiếp cận vốn với nhóm lao động tự làm và chủ cơ sở…
Mới đây, lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác BHXH, với lộ trình, giải pháp cụ thể; đặc biệt là có các chính sách hỗ trợ mức đóng để tạo đà cho người tham gia, nhất là với chính sách BHXH tự nguyện. Để bảo đảm quyền được an sinh cho mọi người dân, tạo cơ hội cho mọi người dân thụ hưởng chính sách, trước đó, BHXH Việt Nam đề xuất tăng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia. Cụ thể, BHXH Việt Nam đề xuất nâng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo...
Tích hợp thêm chính sách BHYT
Hiện các cơ quan chức năng đang thiết kế lại chính sách BHXH tự nguyện theo xu hướng tích hợp thêm chính sách BHYT để khi người dân tham gia BHXH tự nguyện thì có luôn thẻ BHYT để khám chữa bệnh, đồng thời nghiên cứu bổ sung chế độ thai sản và ốm đau vào chính sách này nhằm tăng độ hấp dẫn. Về thời gian thụ hưởng, các bộ, ngành cũng đề xuất giảm thời gian chờ thụ hưởng từ 20 năm còn 15 hoặc 10 năm, hoặc mua theo gói với nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít.