Quyết liệt với doanh nghiệp nợ BHXH
Luật BHXH (sửa đổi) cần có thêm các cơ chế đặc thù nhằm bảo đảm quyền thụ hưởng của người lao động khi doanh nghiệp không còn khả năng tài chính
Mạnh tay xử lý
Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ BHXH là do doanh nghiệp (DN) thực sự khó khăn, thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, không có khả năng đóng BHXH đầy đủ theo quy định.
Ngoài các yếu tố khách quan trên, một phần nguyên nhân nợ BHXH là do ý thức, trách nhiệm của một số người sử dụng lao động (NSDLĐ) khi chấp hành pháp luật chưa nghiêm, có trường hợp cố tình vi phạm. Do vậy, rất cần hoàn thiện pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý trong việc xử lý các vi phạm về chậm, trốn đóng BHXH.
Theo Vụ BHXH, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp, chế tài, xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho NLĐ. Cụ thể, ngoài biện pháp xử lý vi phạm hành chính, DN còn phải đóng đủ số tiền BHXH chậm đóng, trốn đóng, đồng thời nộp thêm số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên khoản chậm đóng, trốn đóng vào quỹ BHXH.
Bên cạnh đó, áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đối với chủ DN vi phạm. Với hành vi trốn đóng BHXH, NSDLĐ còn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng đã bổ sung quy định UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước HĐND cùng cấp về phát triển đối tượng tham gia; về tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc trong phạm vi địa phương…
Theo bà Phạm Thị Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, để kéo giảm tình trạng nợ BHXH, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH và thống nhất các văn bản pháp luật. Cần hướng dẫn rõ việc xử lý hệ quả khi NSDLĐ chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và chế độ của người tham gia.
"Cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan cần vào cuộc mạnh mẽ. Cụ thể, công an tỉnh cần chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố tích cực điều tra, xác minh, khởi tố những đơn vị, DN cố tình chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN; phối hợp với các cơ quan chức năng đưa ra truy tố, xét xử án điểm nhằm răn đe, ngăn chặn đối với những DN cố tình chây ì, chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ" - bà Nguyệt đề xuất.
Thêm cơ chế đặc thù
Để bảo đảm quyền thụ hưởng của người tham gia BHXH, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này đã bổ sung cơ chế đặc thù nhằm bảo vệ NLĐ trong trường hợp NSDLĐ không còn khả năng đóng BHXH cho họ.
Cụ thể, điều 41 dự thảo luật quy định với những DN nợ BHXH mà tạm ngừng kinh doanh; không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; đang làm thủ tục giải thể hoặc đã bị chia tách, hợp nhất, sáp nhập; đang làm thủ tục phá sản hay đã phá sản; không có người đại diện theo pháp luật... thì cơ quan BHXH xác nhận tạm thời thời gian đã đóng BHXH khi có yêu cầu của NLĐ. Đây là cơ sở thực hiện chế độ BHXH cho NLĐ, xác nhận bổ sung và điều chỉnh mức hưởng khi thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng.
Ngoài ra, dự thảo luật sửa đổi còn quy định cơ chế linh hoạt cho NLĐ hoặc thân nhân được lựa chọn nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất để đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hằng tháng. Ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng cho thời gian bị chậm đóng, trốn đóng BHXH đối với người cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng đã đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng BHXH.
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - LĐLĐ TP HCM, cho rằng việc bổ sung cơ chế đặc thù là cần thiết. Song, tại TP HCM xảy ra tình trạng DN đang nợ BHXH vẫn còn hoạt động nhưng NLĐ đã nghỉ việc và không chốt được sổ BHXH do DN chưa giải thể, phá sản; thậm chí DN chấp nhận để NLĐ thưa kiện ra tòa nhưng vẫn không khắc phục do khó khăn về tài chính. Điều này khiến sổ BHXH của NLĐ bị treo, khi họ nghỉ việc không thể làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
"Sửa đổi luật lần này nên có hướng mở để giải quyết các trường hợp như trên. Có thể cho họ tạm thời chốt sổ đến thời điểm đã đóng nhằm tạo niềm tin cho NLĐ vào chính sách BHXH" - ông Triều kiến nghị.
Đại diện LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cũng cho biết hiện nay, nhiều DN nợ BHXH dẫn đến NLĐ đến tuổi nghỉ hưu nhưng không dám nghỉ. Dự thảo luật quy định điều kiện để cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH tạm thời cho NLĐ là khi DN tạm ngưng hoạt động, phá sản, chia tách... Tuy nhiên, DN nợ BHXH thường không đăng ký tạm ngưng hoạt động, cũng không làm thủ tục phá sản. Vì vậy, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai kiến nghị bổ sung trường hợp NLĐ đến tuổi về hưu mà DN nợ BHXH thì tạm thời giải quyết chế độ hưu trí cho họ đến thời điểm DN đóng BHXH.
Tạo thuận lợi để Công đoàn khởi kiện doanh nghiệp vi phạm
Tại hội thảo góp ý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức mới đây ở TP HCM, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay, quy trình để Công đoàn khởi kiện DN nợ BHXH còn quá nhiều vướng mắc, dẫn đến việc xử lý DN nợ BHXH chưa thật sự hiệu quả.
Cụ thể, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cho biết trong 3 năm 2021 - 2023, Trung tâm Tư vấn Pháp luật Công đoàn tỉnh chỉ hỗ trợ khởi kiện được 194 vụ. Vì vậy, LĐLĐ tỉnh cho rằng cần tháo gỡ bất cập đối với quy trình, thủ tục khởi kiện cũng như có cơ chế ủy quyền để tổ chức Công đoàn bảo vệ tốt hơn cho NLĐ.