A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lập lại trật tự ở Phú Quốc

Trước tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp ở Phú Quốc, Tỉnh ủy Kiên Giang đã kêu gọi cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân vào cuộc, đem lại bình yên cho thành phố đảo này

Ngày 9-12, khi Báo Người Lao Động khởi đăng loạt bài "Để Phú Quốc trở thành đảo ngọc", Tỉnh ủy Kiên Giang cũng đã tổ chức triển khai, quán triệt Nghị quyết 31 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn TP Phú Quốc. Động thái này thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc lập lại trật tự ở đảo ngọc.

Triệt xóa băng nhóm, tụ điểm tội phạm

Theo nhận định của Tỉnh ủy Kiên Giang, sự phát triển "nóng" của Phú Quốc đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập. Nhiều vụ việc vi phạm liên quan đất đai và các quy định về quản lý nhà nước đã xảy ra, như: phá rừng; tranh chấp, lấn chiếm đất rừng, đất nhà nước quản lý, đất dự án...

Kéo theo đó là việc hình thành các băng nhóm hoạt động môi giới mua bán đất, cho vay lãi nặng, "bảo kê" tranh chấp đất, giữ đất thuê, đòi nợ thuê…; gây ra các vụ phạm tội, tệ nạn xã hội, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn Phú Quốc.

Lập lại trật tự ở Phú Quốc - Ảnh 1.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Công an tỉnh Kiên Giang và Thành ủy Phú Quốc chủ trì cuộc họp triển khai Nghị quyết 31 về việc bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn Phú Quốc

Tỉnh ủy Kiên Giang đề ra các mục tiêu cơ bản, trong đó tập trung giải quyết hiệu quả những bất cập, xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đất đai, kiên quyết không để tồn tại băng nhóm, tụ điểm tội phạm. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý chặt địa bàn, đối tượng; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…

Để Nghị quyết 31 đi vào thực tế, ông Tống Phước Trường, Bí thư Thành ủy Phú Quốc, yêu cầu phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó lực lượng công an giữ vai trò tham mưu nòng cốt... Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

Ông Tống Phước Trường nêu rõ: "Xác định cụ thể trách nhiệm và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với tập thể, cá nhân, người đứng đầu trong công tác quản lý, giải quyết tình hình liên quan đất đai, nhất là việc xây dựng trái phép, chiếm đất rừng, tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, làm phát sinh tội phạm, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên địa bàn".

Xử lý rốt ráo "vấn đề gốc"

Ông Đinh Khoa Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Phú Quốc, thừa nhận nguồn nhân lực cán bộ, công chức ở Phú Quốc còn hạn chế, không theo kịp sự tăng trưởng và những vấn đề bất cập phát sinh. Đất ở Phú Quốc có rất nhiều loại, trong khi nhân lực ở đây chỉ như một huyện bình thường thì khó tránh khỏi phức tạp.

"Một thành phố nhỏ mà có tới 388 dự án thì làm sao không có chuyện này chuyện kia. Tôi kiến nghị cho phép Công an TP Phú Quốc hoặc UBND thành phố ký quy chế phối hợp với Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động đang đóng trên địa bàn để xử lý nhanh các sự việc. Theo cơ chế hiện nay, khi có chuyện gì xảy ra, tiểu đoàn này phải xin ý kiến Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Tây Nam Bộ mới được hành động" - ông Toàn băn khoăn.

Đại tá Nguyễn Văn Hận, Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, cho biết sẽ cố gắng ra mắt Tổ Phản ứng nhanh trước Tết Quý Mão 2023. Tổ này sẽ do công an tỉnh làm nòng cốt. Lãnh đạo Công an tỉnh Kiên Giang mong muốn tổ này có thêm nhiều thành phần, thêm các lực lượng để phối hợp tuần tra kiểm soát và có đầy đủ thẩm quyền xử lý mọi sự việc.

Riêng vấn đề đất đai, ông Đinh Khoa Toàn kiến nghị chuyển Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Kiên Giang về trực thuộc UBND TP Phú Quốc để xử lý nhanh các hồ sơ. Tuy nhiên, theo ông Đoàn Hữu Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, việc này là không thể vì luật không cho phép.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang, nhìn nhận Phú Quốc tồn tại nhiều vấn đề nóng. Nghị quyết của Tỉnh ủy Kiên Giang cũng đã xác định các "vấn đề gốc" và "vấn đề ngọn". Việc phải làm của chính quyền địa phương là xử lý tốt các vấn đề gốc, là nguyên nhân phát sinh tội phạm.

"Lãnh đạo Phú Quốc cần phải duy trì các cuộc gặp gỡ, đối thoại với người dân và doanh nghiệp để giải quyết tốt những vấn đề phát sinh, tránh để xảy ra bức xúc trong nhân dân. Ngoài ra, cần đẩy mạnh thông tin chính thống, thực hiện tốt việc tuyên truyền đến từng người dân. Tôi tin rằng với việc Nghị quyết 31 được triển khai, tình hình an ninh trật tự tại Phú Quốc sẽ ngày càng chuyển biến tốt, giúp người dân và doanh nghiệp trên địa bàn an tâm hơn" - ông Phong nhấn mạnh. 

Nghiên cứu thành lập Đại đội Cảnh sát Cơ động

Thực hiện đề nghị của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang, ngày 10-12, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã triển khai quán triệt Nghị quyết 31 cho toàn lực lượng công an trên địa bàn TP Phú Quốc. Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang mong muốn Ban Giám đốc Công an tỉnh nghiên cứu các quy định để sớm thành lập Đại đội Cảnh sát Cơ động đóng tại Phú Quốc trực thuộc công an tỉnh.


Tác giả: Bài và ảnh: DUY NHÂN
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết