A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lao động di cư cần được tiếp cận nhiều chính sách

Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách an sinh xã hội đối với lao động di cư ở Việt Nam” do Trường Đại học Công đoàn tổ chức ngày 17.6, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - Ngọ Duy Hiểu cho biết, Việt Nam đang sửa đổi, bổ sung các chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách cho lao động di cư.

Lao động di cư cần được tiếp cận nhiều chính sách

Công đoàn Hà Nội khám, tư vấn sức khoẻ miễn phí cho CNLĐ các khu công nghiệp - chế xuất (ảnh minh hoạ). Ảnh: Kiều Vũ

Tiếp cận dịch vụ  giáo dục của con em lao động di cư còn hạn chế

Tham luận tại hội thảo, GS.TS Đặng Nguyên Anh - Viện Xã hội học - chia sẻ: Qua khảo sát cho thấy tại các khu công nghiệp còn thiếu trường mầm non, mẫu giáo. Hiện mới đáp ứng được 45% nhu cầu của người lao động di cư (LĐDC). Con của các gia đình di cư theo học các trường dân lập với chi phí cao hơn bởi hộ khẩu và tạm trú là vấn đề khó khăn với đối tượng này. Ngoài ra, vấn đề hộ khẩu/tình trạng đăng kí cư trú là rào cản lớn đến khả năng tiếp cận hệ thống giáo dục công lập đối với LĐDC.

TS Nguyễn Hải Hữu - Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam, Hiệp hội Các trường đào tạo Nghề công tác xã hội - cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy, tình trạng con em LĐDC đang phải chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận giáo dục mầm non, cũng như quyền thụ hưởng chăm sóc và vui chơi. Do thiếu nhà trẻ, mẫu giáo phục vụ con em công nhân và người dân địa phương, đã có không ít cơ sở mầm non tư thục, dân lập “mọc” ra để LĐDC gửi con. Tuy nhiên, với mức phí khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/tháng thì không phải gia đình nào cũng có đủ tiền. Vì thế, trẻ lại được gửi về quê cho ông, bà chăm sóc.

Nguyên nhân của tình trạng này là do những bất cập về nhận thức, quản lí, hạ tầng cơ sở, năng lực cung cấp dịch vụ của địa phương nơi tạm trú khi số lượng trẻ em là con LĐDC tạm trú  gia tăng, đặc thù về thời gian việc làm của NLĐ tại các khu công nghiệp và một số bất cập của chính sách về y tế, giáo dục đối với trẻ em đã tạo ra những rào cản, khó khăn đến quá trình tiếp cận các dịch vụ y tế và giáo dục.

Cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách

Theo TS. Dương Thị Thanh Xuân - Phó hiệu trưởng Trường Đại Công đoàn, một trong những giải pháp khắc phục trở ngại nhằm thực thi hiệu quả chính sách an sinh xã hội cho LĐDC được hưởng thụ chính sách là đối thoại trực tiếp với lao động di cư để giải quyết các thắc mắc trong chính sách BHXH, BHYT,  trợ cấp xã hội và ưu đãi xã hội, giúp LĐDC hiểu hơn về chính sách an sinh xã hội.

Trao đổi bên lề hội thảo, bà Ngọc Quỳnh - chuyên gia về dân số và phát triển Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam - nhấn mạnh: Hiện nhiều chính sách di cư của Việt Nam liên quan đến hộ khẩu, do đó LĐDC từ nước ngoài đến Việt Nam hay LĐDC trong nước của Việt Nam đều bị ảnh hưởng vì vấn đề hộ khẩu và các chính sách xã hội. Chúng ta có thể học tập nước ngoài về một số chính sách đặc thù cho người di cư ví dụ chính sách liên quan đến gia đình như chính sách hỗ trợ tìm việc làm cho bản thân người di cư và người trong gia đình họ; chính sách hỗ trợ về giáo dục, trông trẻ là con của người di cư; chính sách chăm sóc sức khỏe cho người trong gia đình nếu như người di cư có trách nhiệm chăm sóc như người lớn tuổi trong gia đình và khi trong gia đình có người đau ốm...

PGS.TS Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn - khẳng định: Bài toán cấp bách đặt ra là cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đối với LĐDC, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Trường Đại học Công đoàn tổ chức hội thảo nhằm góp phần hệ thống hóa cơ sở lí luận và thực tiễn về chính sách an sinh xã hội đối với lao động di cư.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết