Hạn chế rút BHXH một lần: Mất việc thì sống bằng gì để chờ hưu?
67% người nhận BHXH một lần có dưới 5 năm đóng, tuổi bình quân 31,7 tuổi; gần 10% là người có từ 10 năm đóng BHXH trở lên, tuổi bình quân khoảng 42 tuổi.
Giai đoạn 2016-2022, cả nước có gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần. Số người hưởng BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 12,3%, trong khi tốc độ tăng đối tượng tham gia là 5-6%/năm. Trong đó, 67% người nhận BHXH một lần có dưới 5 năm đóng, tuổi bình quân 31,7 tuổi; gần 10% là người có từ 10 năm đóng BHXH trở lên, tuổi bình quân khoảng 42 tuổi. Gần 91% người rút BHXH một lần làm việc tại khu vực ngoài nhà nước.
Độ tuổi hưởng từ 20-40 chiếm gần 80% và gần 99% hưởng theo điều kiện sau 1 năm nghỉ việc và không tham gia BHXH. Sau khi hưởng BHXH một lần, có khoảng gần 1,3 triệu người quay trở lại tiếp tục tham gia đóng BHXH, chiếm khoảng 26% số người hưởng BHXH một lần giai đoạn này. Chủ tịch Công đoàn một DN tại tỉnh Đồng Nai, chia sẻ: "Trong bối cảnh công ty thiếu hụt đơn hàng, vừa qua, chúng tôi đã cố gắng thương thuyết và đề xuất nhiều biện pháp để doanh nghiệp không cắt giảm khoảng 100 lao động sắp hết hạn hợp đồng lao động. Tuy nhiên, khi có thông tin về sự thay đổi chính sách BHXH một lần thì công ty không cần cắt giảm mà NLĐ tự nguyện xin nghỉ việc để kịp hưởng chế độ BHXH một lần trước khi chính sách thay đổi".
Bạn đọc Nguyễn Văn Hương đặt câu hỏi: "Năm 2017 nam đóng BHXH chỉ 30 năm, nữ đóng 25 năm là được lãnh 75% lương, nhưng từ năm 2022 trở về sau nam phải đóng 35 năm, nữ phải đóng 30 năm mới được hưởng 35%, rõ ràng là gây bất lợi cho người lao động. Có chắc là thời gian kế tiếp có thay đổi chính sách nữa không?". Bạn đọc Nguyễn Trọng Hội bày tỏ: "62 tuổi nghỉ hưu phải đóng đủ 35 năm mới hưởng 75%. Các nhà làm luật cho hỏi tuổi thọ bình quân của người việt nam là bao nhiêu?". Bạn đọc Công Thành góp ý: " Vấn đề NLĐ bức xúc là đi làm sớm, đóng BHXH sớm, đã đóng đủ 25-30 năm nhưng bị mất việc hay ốm đau phải nghỉ thì không được quyền lợi gì mà phải chờ đến 60-62 tuổi. Họ sống bằng gì để chờ hưu trong khi họ cần nuôi sống gia đình. Phải áp dụng nguyên tắc "Đóng-Hưởng" và việc nghỉ việc sớm khi đã đủ năm đóng thì phải được nhận lương theo tỷ lệ số năm đóng và số tuổi còn thiếu".
Bạn đọc Vũ Thịnh góp ý: "Ban soạn thảo sửa đổi luật, Bộ LĐ-TB-XH, BHXH Việt Nam nên xem nhiều, lắng nghe nhiều ý kiến người lao động". Góp ý hoàn thiện chính sách, bạn đọc Văn Đồng đề xuất: "Theo tôi người lao động đóng đủ 20 năm mà chưa đến tuổi hưởng lương hưu thì trong thời gian chờ hưu thì bảo hiểm phải trả lãi như tiền gửi tiết kiệm và trả hàng tháng cho tới khi người lao động được trả lương hưu". Một bạn đọc tên Nhã góp ý: "Nên thống nhất ai đóng đủ 20 năm thì hưởng lương hưu, đóng đủ 20 năm mà chờ đến 60 tuổi nữ 62 tuổi nam quá lâu. 20 tuổi đóng đến 40 tuổi đủ 20 năm nhận lương hưu , vừa làm công ăn lương và lãnh lương hưu mới hấp dẫn người tham gia BHXH".
Theo bạn đọc Lê Văn Quyền, tham gia BHXH, ước mơ của NLĐ là khi không còn khả năng làm việc sẽ có chút ít tiền lương hưu để trang trải cuộc sống. Thế nhưng khi nghỉ trước tuổi quy định thì phải chờ đủ tuổi mới được hưởng dù đã đóng đủ số năm theo quy định. "Trong thời gian chờ đợi không có lương, không có việc làm ( vì không có công ty, cơ quản nhà nước nào thuê, tuyển người ở độ tuổi 50) nên trong thời gian chờ đợi họ không còn gì để sống nên đành rút BHXH một lần để có chút ít tiền sinh sống qua ngày...Vì vậy theo cá nhân tôi BHXH cần có một khung quy định cụ thể người đóng đủ 35 theo quy định thì nghỉ hưu ở tuổi bao nhiêu cũng trả lương hưu 75% hàng tháng theo quy định. Còn những trường hợp khác như 20, 25,30 ...năm thì vẫn cấp lương hưu từng tháng theo tỉ lệ" – bạn đọc này đặt câu hỏi.